Sáng 21/2, Ðồn biên phòng Huổi Luông và xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã tiến hành tiêu hủy gần 800 con gà, vịt, ngan giống từ Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam .
Trước đó, vào khoảng 20 giờ ngày 20/2, tại khu vực cột mốc 64, thuộc địa bàn xã biên giới Huổi Luông, tổ công tác của Đồn biên phòng Huổi Luông (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu) đã phát hiện, bắt quả tang một đối tượng vận chuyển trái phép 17 hộ thùng cát tông, bên trong đựng gần 800 con gà, vịt, ngan giống từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm…
Gia cầm giống thường được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam
Đối tượng được xác định là Phạm Thị Thủy, sinh năm 1982, ở thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Đối tượng khai nhận đã mua số gia cầm trên từ bên kia biên giới về để nuôi.
Theo Đại úy Lê Văn Quyết, Phó trưởng đồn Huổi Luông, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn do đơn vị phụ trách.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành địa phương khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm H5N1 và H7N9. Đặc biệt là đại dịch H7N9 đang hoành hành ở Trung Quốc gây nhiễm và tử vong cao trên người.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến giải pháp tạm đóng cửa biên giới đối với các hoạt động buôn bán gia cầm. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm giống, sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ biên giới phía Bắc và Tây Nam.
Cục Thú y cho hay, đến ngày 21-2, cả nước đã xuất hiện 67 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 17 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 61.196 con; số gia cầm tiêu hủy là 84.653 con.
Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.