Liên quan vụ nữ nhân viên ngân hàng tuyên bố vỡ nợ gần 200 tỷ đồng, Công an TP Pleiku đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ngày 2/7, báo Người lao động dẫn nguồn thông tin từ Công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc bà Lê Thị Thương (SN 1988, trú phường Hoa Lư, TP. Pleiku, là nhân viên ngân hàng) vỡ nợ gần 200 tỷ đồng cho Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trước đó, chiều 27/6, bà Thương đến cơ quan công an trình báo mình nợ tiền của nhiều người với số tiền gần 200 tỷ đồng để làm ăn, nhưng không còn khả năng chi trả.
Căn nhà đóng cửa im ắng sau khi bà Thương tuyên bố vỡ nợ gần 200 tỷ đồng - Ảnh: Báo Công an Đà Nẵng
Trong đó, chủ nợ lớn nhất bà D.H (là kế toán của một ngân hàng có chi nhánh tại Gia Lai) với số tiền hơn 133 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều chủ nợ khác như bà V.T.H (8 tỉ đồng); ông Đ.X.T (10 tỷ đồng); bà N.T.M.L (1 tỷ đồng); N.T.T.S (4,79 tỷ đồng); Đ.T.N.M (2 tỷ đồng)….
Cũng theo nguồn tin trên báo này, phóng viên đã liên hệ với nhiều chủ nợ cho bà Thương vay tiền để tìm hiểu vụ việc nhưng đa phần đều từ chối vì vẫn hy vọng bà Thương sẽ trả được nợ. Những người này cũng chưa đến cơ quan công an khai báo.
Trong đó, người cho vay nhiều nhất theo lời khai của bà Thương là bà H. thì chối không có chuyện cho bà Thương vay mượn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng nơi bà H. làm việc, khi được hỏi để nắm tình hình thì bà H. đã thừa nhận cho bà Thương vay tiền nhưng không đến số tiền 133 tỷ. Số tiền này là tiền tích góp của gia đình, người thân của bà H.
Liên quan đến vụ việc, Tiền Phong thông tin thêm, ngày 1/7, nhiều người tìm đến nhà bà Lê Thị Thương để đòi nợ.
Trao đổi trên báo này, chị L. (TP Pleiku, Gia Lai) chia sẻ, giữa tháng 6, Thương nói cần khoảng 3 tỷ đồng nhằm đáo hạn khoản vay cho khách hàng, lãi suất 1 triệu 850 nghìn đồng/1 tỷ đồng/1 ngày. Do vợ chồng Thương là cán bộ ngân hàng, lại đưa 2 sổ đỏ để làm tin nên chị L. đã cho vay gần 3 tỷ đồng. Chị L. cho biết, trong thời gian vay Thương trả lãi đầy đủ nhưng sau khi quá hạn, bà này không đến trả nợ gốc.
“Cách đây vài ngày, bà Thương đến Công an phường Hoa Lư (TP Pleiku) làm việc nhưng được nửa tiếng thì ngất xỉu, khai không đầy đủ. Họ nói để hôm khác lên khai, cung cấp đầy đủ hơn. Từ đó tới nay, chúng tôi đã mời, triệu tập lên làm việc nhưng không thấy đâu", Báo Tiền Phong dẫn lời thượng tá Phan Nhật Toàn (Trưởng Công an TP Pleiku) nói.
Báo Công an Đà Nẵng dẫn nguồn thông tin từ hàng xóm với bà Thương cho biết, trong vòng 1 tuần nay, nhà Thương khi nào cũng có người ra vào, kể cả ô-tô và xe máy. Thế nhưng, từ tối ngày 28/6, vợ chồng Thương đã đóng cửa căn nhà rồi đi đâu không rõ, 2 đứa con của Thương cũng đã được gửi về quê hơn 1 tuần trước. Những người hàng xóm cũng ngạc nhiên khi hay tin Thương tuyên bố vỡ nợ gần 200 tỷ đồng, đó là con số cực kỳ lớn so với những tài sản mà vợ chồng Thương đang sở hữu.
Chị A. cho biết, vợ chồng Thương hàng ngày vẫn đi làm bằng xe máy, căn nhà Thương nằm cuối hẻm cụt này cũng không đáng giá là bao, tài sản bên trong nhà chỉ có bộ bàn ghế gỗ là đáng giá nhất. Bên cạnh đó, cũng không thấy vợ chồng Thương buôn bán gì lớn, ngoài việc Thương có mở một quán bán hàng ăn do Thương làm chủ trên đường Phan Đình Giót. Tuy nhiên, quán của Thương đã đóng cửa lâu nay.
Trao đổi trên báo này, Đại tá Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cho biết: “Sau khi nắm thông tin vụ việc, đã chỉ đạo trực tiếp cho Công an TP Pleiku và các đơn vị nghiệp vụ xác minh, nắm rõ thông tin, danh sách bị hại. Đồng thời, chỉ đạo Công an TP Pleiku đảm bảo ANTT trên địa bàn, tránh để xảy ra những tình huống xấu. Hiện vụ việc vẫn đang được xác minh, làm rõ”.
Trước đó, cũng liên quan đến vụ việc này, chiều 30/6, UBND tỉnh Gia Lai có công văn giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai và Công an tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh, báo cáo kết quả về UBND tỉnh Gia Lai trước ngày 7/7.