Cộng đồng đang hết mình giúp đỡ họ mà không quan tâm họ có cần đến sự giúp đỡ đó hay không?
Những ngày qua, câu chuyện về anh đánh giày câm và chú chó mù được chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội như một bài học quý giá về sự sẻ chia.
Bức ảnh chiếc giỏ đánh giày đặc biệt khiến cộng đồng mạng xúc động
Rất nhiều người trẻ đã tìm đến những con phố anh đánh giày hay ngang qua để giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau như: cho tiền, sữa, quần áo, lấy cớ thuê anh đánh giày để trả tiền… Cả một góc Sài Gòn trở nên tấp nập, huyên náo hơn vì rất đông bạn trẻ đến giúp đỡ anh đánh giày.
Sự giúp đỡ ấy thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội và lòng tốt, sự nhiệt tình của người trẻ. Tuy vậy, cũng có không ít ý kiến cho rằng, lòng tốt của mọi người đang vô tình làm xáo trộn cuộc sống của anh đánh giày, biến anh đánh giày câm từ một người lao động chân chính trở thành đối tượng làm từ thiện.
Chi Hoàng Mỹ Uyên (35 tuổi, Sài Gòn), người dân sống trên tuyến phố anh đánh giày làm thường ngang qua từng viết một status dài cầu xin mọi người “Đừng xáo trộn những gì đang an lành theo cách của nó” khi chứng kiến những người trẻ thi nhau thể hiện lòng tốt.
Góc Sài Gòn huyên náo vì làm từ thiện cho anh đánh giày (ảnh: Trí thức trẻ)
Chị Mỹ Uyên viết: “Anh đang kiếm tiền bằng sức lao động của mình, xin hãy cân nhắc khi sử dụng lòng tốt và tiền của mình. Đừng gây nguy hiểm cho người đang sống trên đường phố như anh và cả con chó đáng yêu. Đừng xáo trộn những gì đang an lành theo cách của nó. Chia sẻ nhau để thấy cuộc đời dễ thương thôi mọi người à”.
Sáng 13/8, sau khi chứng kiến một ngày bận rộn “tiếp khách”, nhận lòng tốt của mọi người, chị phải thốt lên hai từ “kinh dị”.
Chị chia sẻ: “Chiều qua, khi tôi đề nghị giúp đỡ, anh ngại ngùng từ chối. Không chỉ tôi mà với nhiều người khác anh cũng làm như vậy. Anh huơ huơ tay chia sẻ với tôi rằng, mỗi ngày anh kiếm được 100 nghìn đồng, mỗi bữa ăn suất cơm 25 nghìn. Tôi trộm nghĩ “À thì ra anh từ chối vì anh có tự trọng của anh. Anh có thể tự lao động kiếm sống thì cớ sao phải nhận tiền, nhận cơm của người khác.
“Vậy mà trước “cơn bão” lòng tốt của mọi người, nguyên ngày hôm đó anh không đi làm, chỉ ngồi một chỗ nhận đồ từ thiện. Anh không còn ngại ngùng nữa mà trở nên tươi vui, hớn hở hơn. Nào tiền, nào sữa, đồ ăn, quần áo… đồ anh nhận được chất thành bao lớn, phải gửi khách sạn”.
Chị cho biết thêm, chó mù một tháng tuổi cũng không được yên ổn. Hết người này đến người khác lại ôm bế, cưng nựng, lật lên, lật xuống chụp ảnh kỷ niệm. "Thử hỏi, một chú cún vốn đã yếu xìu, đau ốm làm sao chịu nổi cơn vần vã ấy. Chẳng phải, cuộc sống vốn an lành, ngày ba bữa cơm do chính mình kiếm ra đang bị xáo trộn? Trước khi ban phát lòng tốt, làm từ thiện, có ai tự hỏi liệu anh đánh giày có cần đến lòng tốt ấy?”.
Nhiều người đem giày qua đánh, tạo việc làm cho anh đánh giày (ảnh: Trí thức trẻ)
Trước những hình ảnh, người trẻ đổ xô làm từ thiện cho anh đánh giày, nhiều cư dân mạng tỏ ra bất bình, cho rằng họ đang “cơ hội” để thể hiện lòng tốt.
Nick name Huy Nguyễn viết: “Suy cho cùng đây là câu chuyện đẹp về hai người bạn nương tựa vào nhau giữa Sài Gòn, chia sẻ để thêm yêu thương chứ không phải là câu chuyện bi lụy, câu chuyện về hai mảnh đời bất hạnh cần cộng đồng dang tay cứu vớt. Anh sống giữa giời, bỗng chốc nhận được cả đồng đồ và tiền, lỡ không may gặp kẻ xấu thì phải làm sao? Một người đàn ông câm và một con chó mù có đủ sức chống đỡ. Có ai thử nghĩ rằng, lòng tốt của mình khi không đặt đúng chỗ sẽ gây hại đến người khác”.
Nick name Adriana chia sẻ: “Câu chuyện này khiến mình nhớ đến vụ Hào Anh năm xưa. Sau khi được cứu và được nhiều người cho tiền, cậu bé ăn tiêu, phá phách rồi bị bắt vì tội trộm cắp. Mình không đánh đồng nhưng thiết nghĩ, với mỗi trường hợp nến có những cách giúp đỡ khác nhau. Với những người còn lao động được thay vì cho tiền thì nên cho họ công ăn việc làm để tránh trường hợp sinh tính ỷ lại hoặc bị người xấu làm hại. Hơn nữa, không chỉ anh mà nhiều hoàn cảnh khác cũng rất đáng thương, đừng nên làm việc tốt theo phong trào mà hãy làm từ tâm mỗi người”.
Nhiều người vẫn nói, việc nhận được tiền, quà từ thiện từ cộng đồng là cái kết cổ tích của anh đánh giày và chú chó câm. Nhưng không thể phủ nhận rằng, từ khi trở thành “nhân vật chính” trong câu chuyện đẹp lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cuộc sống của “hai người bạn nhỏ” ít nhiều bị xáo trộn. Sự giúp đỡ chỉ thực sự có ích khi được trao theo cách người nhận cần.