Ít ai ngờ rằng ở cái tuổi ngoại lục tuần, những người đàn ông này vẫn có thể cưới thêm vợ và sinh thêm con.
Người đàn ông có 13 vợ và 24 đứa con
Ông Nguyễn Văn Sơn (75 tuổi, ở tổ 5, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, ông đã nên duyên tới 13 vợ và có 24 người con. Điều kỳ lạ là các bà vợ và các con ông sống rất hòa thuận.
Ông Sơn kể, khi mới 2 tuổi, ông bị sởi, biến chứng nên mù một bên mắt trái, còn mắt phải nhìn lờ mờ không rõ. Nhưng dù mù dở, ông vẫn rất đẹp trai, phong độ. Hồi trẻ, ông làm công nhân đường sắt và được bố mẹ chọn cưới cho bà Khải, là người cùng làng. Lúc đó, ông chưa kịp tìm hiểu nên cũng không thấy yêu người vợ bố mẹ ép cưới này, nên cưới nhau một thời gian ngắn, ông lên công ty ở và gặp “người vợ” thứ hai mà theo ông là “rất trẻ, rất xinh”.
Ông và người vợ thứ hai không cưới xin gì, sống với nhau một thời gian thì xảy ra mâu thuẫn, người vợ này bỏ đi mang theo con của hai người. Sau đó, khi đi tàu, ông gặp một phụ nữ góa chồng quê ở huyện Mê Linh. Cảm thương người phụ nữ này, ông “gá nghĩa” với bà.
Vài năm sau, cũng trên chuyến tàu khác, ông gặp một phụ nữ quê Bình Định và cảm thấy hợp duyên, nên sống chung với nhau hai năm, có với nhau một con gái rồi ông bà đường ai nấy đi.
Ông Sơn và người vợ cả.
Theo ông Sơn, đấy là 4 người vợ gắn với thời “trai trẻ” của ông. Trừ một người vợ đầu được cưới xin có hôn thú mà ông vẫn chung sống đến bây giờ, ba người vợ còn lại, đều từ những cuộc gặp gỡ tình cờ mà nên duyên, rồi chia tay khi thấy “hết duyên”. Còn từ người vợ thứ năm trở đi, ông Sơn cho biết, ông đến với họ vì tình thương, vì muốn giúp đỡ, san sẻ cho cuộc đời khuyết tật, khổ sở của họ.
“Bà thứ năm, thứ sáu bị chất độc da cam, bà thứ bảy (là bà Bé đang chung sống với ông) bị cụt cánh tay trái vì bom mìn hồi nhỏ. Bà thứ tám mắc bệnh hen suyễn, bà thứ chín, thứ mười cũng bị chất độc da cam. Bà thứ 11, 12, 13... đều ốm đau, không ai ngỏ lời yêu thương, chăm sóc cả. Thương người ta thì tôi “gá nghĩa” thôi, cuộc đời người đàn bà nghèo khó, tàn tật, ốm đau... đã khổ lắm rồi, chăm sóc giúp đỡ họ, để họ bớt khổ, họ có đứa con để nương tựa, làm nghị lực vươn lên”, ông Sơn từng tâm sự.
Theo ông Sơn, ông có 13 “bà vợ” nhưng chỉ có bà Khải là ông có giấy tờ kết hôn. Các “bà vợ” khác, ông chỉ làm mâm cơm lễ gia tiên. Hiện chỉ có bà Khải và bà Bé ở chung với ông, còn lại 11 “vợ” khác, ông Sơn cho biết, thi thoảng ông đến thăm. “Tôi lấy 13 “vợ”, giờ có 24 con, 40 cháu, nhưng khi chết, chỉ có một vợ thôi”, ông Sơn nói.
Nói về các “bà vợ” của chồng, bà Khải cho biết, ông hay đi mua bán xe đạp khắp nơi, thấy ai ông thương, ông muốn giúp đỡ thì ông cứ giúp, bà không có ý kiến. “Nếu ông ấy giúp bà nào đó, thì tôi cũng thông cảm, cùng phận phụ nữ cả, ông bảo toàn những người thiệt thòi, khổ sở, ông thương”, bà Khải nói nhưng cũng khẳng định, chỉ thực sự biết mỗi bà Bé được coi như “bà hai” của chồng và bà cùng bà Bé chung sống rất hòa thuận với nhau.
Ông Sơn ngoài nghề nông, hiện còn làm thêm nghề buôn bán xe đạp cũ và nuôi chim bồ câu. Hai bà vợ ở nhà hỗ trợ ông làm ruộng vườn, nuôi chim, chăm sóc nhà cửa.
Cụ ông 96 tuổi trải qua 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ vẫn cưới thêm “bà tư” kém 3 giáp, có 12 con
Dù đã bước sang tuổi gần 100, ông Phạm Văn Hợp (96 tuổi, Hưng Yên) vẫn rất khỏe mạnh. Qua giới thiệu, cụ ông 96 tuổi có 4 người vợ và 12 người con, bà Cao Thị Trì (60 tuổi, quê gốc Thanh Hóa) chính là người vợ thứ 4 của ông.
Cả hai đều từng trải qua những cuộc hôn nhân lỡ làng, thương cảm hoàn cảnh neo đơn, ông bà quyết định đến với nhau khi cụ Hợp đã 70 tuổi còn bà Trì lúc đó chỉ mới ngoài 30.
Bà Trì cho biết, bà gặp cụ Hợp cách đây gần 25 năm trước. Bà thương ông và quyết định cưới vì cuộc sống của ông rất khổ sở nhưng ông sống hào sảng, tốt bụng.
Để đến với ông, bà phải vượt qua rất nhiều lời đàm tiếu, gièm pha xung quanh. Thậm chí mẹ bà là người đầu tiên ngăn cản. Theo mẹ bà Trì, ông Hợp đã quá già, lấy về phải chăm lo. Nhưng bà vẫn quyết định kiên định với lựa chọn của mình: “Tôi nói thẳng, sống chết như thế nào chưa biết còn hiện tại ông ấy thương, lo cho tôi trăm đường”.
Vợ chồng ông Hợp và bà Trì trong một chương trình truyền hình.
Bà Trì tâm sự, dù chồng chẳng còn sức để làm thì ông chỉ cần đứng sau cổ vũ bà, là nguồn động lực giúp bà có thể cố gắng làm tất cả vì chồng vì con. Không những vậy, có ông bên cạnh, bà có người bạn đồng hành để cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Chỉ cần như vậy là đã hạnh phúc.
Cưới nhau khi ông 70 còn bà Trì chỉ mới ngoài 30, nhiều người bàn tán ra vào, nói ông có nhà lầu xe hơi nên bà mới theo ông. Rồi khi bà và ông rong ruổi bán gỏi khô bò trên chiếc xe đẩy, nhiều người lại nói bà mướn ông đi bán để kiếm tiền. Nghe những lời như vậy, bà chỉ biết âm thầm khóc vì nói ra không ai tin.
Nhiều lúc, bà Trì còn mong ông ra đi trước để có thể lo chu toàn mọi việc. Bởi con cái không ai lo, chỉ có mình bà chăm sóc mà nếu lỡ bà đi trước, không biết ông phải sống sao?
4 đời vợ, con chung con riêng có đến 12 người, thế nhưng cụ ông 96 tuổi xót xa cho biết chẳng nhờ được ai. Ông thú nhận, bản thân đi thêm bước nữa nên con cái cùng những người vợ trước cũng lạnh nhạt dần.
Niềm vui đến với ông bà ở tuổi xế chiều khi năm 76 tuổi, ông Hợp được làm cha thêm lần nữa. Nhớ lại cảnh tượng khi ấy, bà Trì lại ngại ngùng vì vợ chồng đã già nhưng vẫn vào bệnh viện sinh nở. Hiện tại, con của ông bà đã 20, đang học đại học.
Người đàn ông 8 vợ, 27 con ở Hà Nội
Ông Dương Văn Chuốt (Sóc Sơn, Hà Nội) nổi tiếng vì có 8 vợ, 27 con. Người đàn ông này làm máy bơm, chế tạo cơ khí nông nghiệp, máy nông cụ bán cho người dân trong vùng, có thể coi là “đầu đàn” cơ khí ở xã.
Ông tâm sự khi còn nhỏ không nghĩ sau này có tới 8 vợ, 27 con như hiện nay vì ông bà, bố mẹ chỉ có một vợ, một chồng. Ông bảo việc lấy vợ là do số phận, trời xui, đất khiến nên mới có đông như vậy. Gọi là vợ, nhưng đến nay ông không đăng ký kết hôn với bất kỳ ai. Các con vẫn khai sinh theo họ của ông.
Ông Dương Văn Chuốt mở iPad khoe ảnh bà cả và bà thứ 6 nằm ngủ cùng nhau.
Trong số con của ông Chuốt có 26 con đẻ, 1 con nuôi. Con cả của ông giờ 47 tuổi, còn bé nhất chưa được 10 tuổi.
Không những lấy vợ gần, ông còn có vợ ở rất xa. Có 1 bà ở tỉnh Tây Ninh, hai người ở với nhau khi ông vào Tây Ninh làm việc khoảng năm 1989, đã có 4 người con đều trong Tây Ninh. Ông Chuốt vẫn thường đi đi, về về.
Ngoài ra, ông còn lấy 1 phụ nữ Việt sang Lào sống một thời gian rồi về nước. Bà này là vợ thứ 6, đã sinh 3 người con cho ông; bà thứ 7 là một người sống ở Campuchia về nước cũng sinh được 2 người con.
Bà thứ tám trẻ nhất là người ở cùng làng, mới về với nhau được hơn 5 năm, đã có 1 người con với nhau lúc ông vừa tròn 60 tuổi.