Sống sâu trong rừng rậm, không bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa bên ngoài, bộ lạc này có rất nhiều điều thú vị và kỳ lạ trong văn hóa, đặc biệt là tục mai táng người chết.
Bộ lạc lớn lên từ rừng
Yanomami là một bộ lạc bản địa (còn được gọi với những cái tên khác như Yanamamo, Yanomam và Sanuma) được tạo thành từ 4 nhánh của người Ấn Độ sống trong rừng mưa nhiệt đới ở nam Venezuela và bắc Brazil. Mỗi nhánh có một ngôn ngữ riêng, bao gồm Sanema sống ở khu vực phía bắc, Ninam sống ở khu vực phía nam, Yanoman sống ở đông nam và Yanomamo sống ở tây nam của khu vực Yanomami.
Người Yanomami sống phụ thuộc vào rừng mưa. Họ sử dụng cách thức làm vườn "chặt cây và đốt", trồng chuối, hái lượm, săn động vật và bắt cá. Bộ lạc thường di chuyển để tránh những khu vực đã bị khai thác quá lâu, đất đai đã cạn kiệt không còn canh tác được nữa.
Bộ lạc Yanomami.
Yanomami được biết đến là những thợ săn, ngư dân và người làm vườn tài giỏi. Phụ nữ trong bộ lạc trồng chuối và sắn trong những khu vườn hài hòa giữa rừng. Đàn ông thường làm những công việc nặng nhọc như phát rừng để làm nương rẫy, đi săn bắt. Nguồn thực phẩm khác của người Yanomami chính là những ấu trùng. Chế độ ăn truyền thống của họ rất ít muối. Huyết áp của họ luôn thấp nhất trong các nhóm người. Vì lý do này, người Yanomami là đối tượng của những nghiên cứu tìm kiếm mối liên hệ giữa tăng huyết áp và tiêu thụ muối.
Ngày nay, khoảng 95% người Yanomami sống sâu trong rừng Amazon, 5% sống dọc những con sông lớn. So với "người rừng", "người sông" thường ít di chuyển và sống bằng nghề đánh bắt, buôn bán hàng hóa với các làng khác. "Người rừng" sẽ làm vườn và đi săn, hái lượm. Một số cây trồng chủ yếu của người Yanomami là khoai lang, chuối, mía và thuốc lá. Tuy nhiên, những người làm vườn Yanomami lại không nhận đủ protein từ lương thực họ trồng. Do đó, họ dành đến 60% thời gian để leo núi tìm thức ăn. Đàn ông thường đi săn còn phụ nữ thì hái lượm. Họ sẽ đi săn ở xa, có khi kéo dài đến cả tuần lễ. Thực tế hầu như người Yanomami sống sâu trong rừng, và điều này có ý nghĩa sống còn đối với họ.
Người Yanomami sống phụ thuộc rất nhiều vào rừng.
Hầu hết những người bên ngoài đã xâm chiếm Amazon thông qua những con sông lớn, chỉ người Yanomami có thể sống cô lập cho đến gần đây. Vì vậy, họ có thể giữ được bản sắc văn hóa mà nhiều người Ấn Độ tại Amazon đã mất đi.
Tục lệ đa thê và hôn nhân anh em họ chéo
Người Yanomami sống trong hàng trăm ngôi làng nhỏ, được tập hợp bởi các gia đình trong một ngôi nhà chung lớn gọi là Shabonos. Nhà chung có cấu trúc hình đĩa, bên ngoài có một quảng trường ở giữa là biểu tượng cho nơi ở của thần linh. Các làng được tự trị nhưng sẽ liên tục tương tác với nhau. Mỗi làng như vậy sẽ có từ 40-300 người, nằm rải rác trong rừng Amazon. Khoảng cách giữa các làng có thể cách nhau từ vài giờ cho tới 10 ngày đi bộ.
Những ngôi nhà của người Yanomami.
Shabonos được xây dựng từ nguyên liệu thô có sẵn trong rừng như lá, dây leo, cây mận, thân cây và được phân chia thành nhiều ngôi nhà nhỏ lẻ cho mỗi gia đình. Nếu gặp mưa, Shabonos sẽ thiệt hại rất nặng, vì vậy, dân làng sẽ xây dựng lại nhà chung sau 1 đến 2 năm.
Trong xã hội Yanomami, các nghi lễ hôn nhân gần như không tồn tại và không được tổ chức theo bất cứ hình thức nào. Hôn nhân đa thê là phổ biến, nghĩa là một người chồng có thể có nhiều vợ. Một cô gái có thể được hứa gả cho một người đàn ông khi mới 5-6 tuổi, tuy nhiên, họ sẽ chỉ chính thức nên vợ chồng sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên của cô ấy.
Bộ lạc này theo chế độ đa thê.
Sau khi cô gái Yanomami trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên, cô sẽ được bố hoặc mẹ gả cho một người đàn ông khác, thường là họ hàng. Anh chị em họ lấy nhau chính là hình thức hôn nhân phổ biến tại bộ lạc. Hầu hết họ đều muốn kết hôn bên trong bộ lạc bởi sợ sự chia rẽ dữ dội giữa các bộ lạc khác nhau. Người phụ nữ sẽ đến sống cùng chồng của mình và phải thực hiện những công việc, nhiệm vụ mà cô từng làm khi ở với mẹ đẻ.
Bạo lực và lạm dụng giữa các cặp vợ chồng trong văn hóa Yanomami rất phổ biến. Nếu phụ nữ cảm thấy mình không thể sống với chồng, cô có thể bỏ trốn đến sống với anh em mình.
Phụ nữ Yanomami chấp nhận chế độ đa thê. Người vợ lớn tuổi trong một cuộc hôn nhân thường được ưu tiên hơn những người khác và có thể đóng vai trò như người chủ hoặc cấp trên đối với những cô vợ còn lại. Vợ cả thường không còn sinh hoạt chăn gối với chồng, tuy nhiên cô có thể đưa ra những công việc khó chịu nhất cho người vợ lẽ mà cô chọn. Người chồng không được thể hiện sự yêu thích để tránh sự ghen tuông giữa các bà vợ.
Trẻ em phải xỏ que gỗ qua mũi và miệng.
Ăn thịt người chết để linh hồn được bất tử
Truyền thống của người Yanomami được hình thành bởi niềm tin rằng thế giới tự nhiên và tâm linh là một lực lượng thống nhất, thiên nhiên tạo ra mọi thứ và rất thiêng liêng. Họ tin rằng số phận của họ và của tất cả mọi người đều liên kết với số phận của môi trường một cách chắc chắn. Hủy diệt môi trường tức là loài người đang tự sát. Thủ lĩnh tinh thần của họ là một pháp sư.
Nghi lễ là một phần rất quan trọng trong văn hóa Yanomami. Bộ lạc ăn mừng một vụ mùa bội thu bằng một bữa tiệc lớn và mời những làng gần đó tới dự. Các thành viên trong làng Yanomami thu thập lượng thực phẩm khổng lồ để giúp duy trì mối quan hệ tốt với hàng xóm của họ. Họ cũng trang trí cơ thể bằng lông vũ và hoa lá. Trong bữa tiệc, người Yanomami ăn rất nhiều, phụ nữ sẽ nhảy múa và ca hát đến tận đêm khuya.
Người Yanomami đang tiến hành tục mai táng người chết.
Người Yanomami còn có truyền thống mai táng người đã khuất vô cùng kỳ lạ và đáng sợ. Trong truyền thống này, người Yanomami ăn tro cốt của người thân quá cố. Thi thể bị đốt và xương được trộn với thức ăn. Người Yanomami tin rằng truyền thống này sẽ giúp cho họ được củng cố sức mạnh, linh hồn được bất tử, đồng thời việc này cũng giúp linh hồn người chết được ổn định vĩnh viễn.
Tuy nhiên, trong trường hợp người chết do bị kẻ thù tấn công, chỉ có phụ nữ ăn tro cốt mà thôi. Sau nghi thức mai táng, người Yanomami sẽ thực hiện một cuộc đột kích để báo thù.