Bé gái sinh ra với 2 chiếc miệng, điều kỳ lạ hơn nữa là chiếc miệng thứ hai có đầy đủ cả môi, răng và lưỡi.
Hồi cuối năm 2019, một bé gái chào đời tại thành phố Charleston, bang Nam Carolina, Mỹ, đã khiến tất cả mọi người vô cùng kinh ngạc khi có tới 2 chiếc miệng, một chiếc miệng bình thường và một chiếc miệng nhỏ xíu khác ngay phía dưới cằm. Điều kỳ lạ là chiếc miệng thứ hai kia có đầy đủ cả môi, răng và lưỡi.
Được biết, ở tuần thai thứ 28, mẹ của bé gái kia đã đi siêu âm và phát hiện ra điều bất thường trên gương mặt của con. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng đó có thể là một khối u hoặc u nang. Tuy nhiên khi bé gái chào đời, họ mới nhận ra đó thực chất là một chiếc miệng thứ 2, dài khoảng 2 cm.
Trường hợp này được xác định là hội chứng Diprosopus, tức là sự trùng lặp các bộ phận trên gương mặt. Bé gái trên là một trong số 35 trường hợp trên thế giới mắc phải hội chứng này kể từ năm 1990, đây là tình trạng vô cùng hiếm gặp.
Trên tạp chí BMJ Case Reports, các bác sĩ chữa trị cho bé gái trên cho biết chiếc miệng thứ hai phía dưới cằm không có mối liên hệ nào với chiếc miệng chính. Bé gái vẫn có thể thở, ăn và uống bình thường.
Chiếc miệng thứ hai có đầy đủ môi, răng và lưỡi. Thỉnh thoảng, chiếc miệng này còn tiết ra một chất lỏng trong suốt, có thể là nước bọt, và đôi khi còn xuất hiện một bề mặt thô không xác định xung quanh nó.
Đến khi bé gái được 6 tháng tuổi, vào tháng 5/2020, các bác sĩ đã quyết định tiến hành cuộc phẫu thuật loại bỏ chiếc miệng thừa trên mặt, trả lại cho bé gái một cuộc sống bình thường. Ca phẫu thuật sẽ liên quan đến việc khoan sâu vào xương hàm của bé gái để loại bỏ phần răng và xương thừa trong chiếc miệng thứ hai.
Các bác sĩ cho biết: "Sau ca phẫu thuật, bé gái bị sưng nhẹ ở phần mặt bên phải, tại vị trí vết mổ được chụp cắt lớp, cho thấy phần tụ dịch. Phần sưng này đã được điều trị trong vài tháng và không cần chữa trị thêm. Sau 6 tháng, các vết mổ đã lành và bé gái có thể bú bình thường". Tuy nhiên, các bác sĩ cũng lưu ý rằng bé gái sẽ không thể di chuyển phần môi dưới bên phải xuống dưới, điều này có nghĩa là các cơ ở khu vực đó đã không còn hoạt động.
Hội chứng Diprosopus là một tình trạng vô cùng hiếm gặp, từng được ghi nhận ở gà, cừu, mèo và một số loài động vật khác. Các nhà khoa học cho biết đây là kết quả của các vấn đề liên quan tới protein cấu trúc khuôn mặt trong thời kỳ mang thai, dẫn đến sự mở rộng các đặc điểm trên khuôn mặt, cuối cùng gây ra sự trùng lặp cấu trúc của một số bộ phận trên gương mặt.
Năm 2004, một bé trai ở bang Missouri, Mỹ, có tên Tres Johnson cũng được sinh ra với một dị tật trên gương mặt với 2 lỗ mũi riêng biệt, gây ra hình dạng đầu bất thường. Các bác sĩ cho rằng Tres Johnson khó có thể sống sót được lâu dài nhưng vào năm 2017, cậu bé vẫn đón sinh nhật 13 tuổi một cách khỏe mạnh.