Bé trai 18 tháng tuổi ở Hà Nội rơi vào trạng thái lơ mơ, ngủ gà vì uống nhầm hết 2 nửa lọ thuốc siro ho Decolgen và Dextromethorphan.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, tối ngày 3/1, bố mẹ đang chuẩn bị bữa cơm tối, bé N.T.M tha thẩn chơi một mình. Vài phút sau khi quay lại, bố mẹ phát hiện bé M. đã uống hết 2 nửa lọ thuốc siro Decolgen và Dextromethorphan để trên góc bàn uống nước. Ngay lập tức gia đình đưa bé vào Khoa Nhi, BV Bạch Mai cấp cứu.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, rất may trong trường hợp này gia đình phát hiện sớm nên tình trạng ngộ độc chưa nặng. Thời gian kể từ lúc cháu bé uống nhầm thuốc đến khi vào viện chỉ mất khoảng 30 phút, tuy nhiên bệnh nhi đã rơi vào trạng thái lơ mơ, ngủ gà.
Ngay khi bệnh nhi được đưa vào khoa, các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày với khoảng 1 lít nước. Do được cấp cứu kịp thời nên bé trai đã tỉnh táo trở lại và 10 giờ theo dõi ổn định tại bệnh viện, sức khỏe hồi phục tốt cháu bé đã được xuất viện.
“Thuốc siro Decolgen và Dextromethorphan là thuốc giảm ho, tương tự thành phần có tác dụng ức chế trung tâm hô hấp, gây ngủ gà, ngủ gât. Nếu dùng với liều lượng vướt quá nhiều lần cho phép bệnh nhi có thể rơi vào tình trạng li bì, hôn mê nếu bị ngộ độc liều lượng lớn. Trong trường hợp này bé M uống thuốc gấp 3-4 lần liều lượng cho phép nhưng may mắn là do được phát hiện sớm, rửa dạ dày kịp thời, thuốc chưa hấp thụ nhiều vào cơ thể trẻ nên gây ảnh hưởng chưa lớn”, PGS.TS Dũng nói.
PGS.TS Dũng cũng cảnh báo, việc trẻ nhỏ uống nhầm thuốc vì cha mẹ bất cẩn để thuốc trong tầm tay của trẻ xảy ra khá phổ biến. Trước đây mấy tháng, khoa Nhi cũng đã từng cấp cứu cho bệnh nhi 7 tuổi bị ngộ độc do uống nhầm thuốc Paracetamol. Bệnh nhi này uống 4 viên thuốc tensin – flu (paracetamol) hàm lượng 500mg. Gia đình chỉ phát hiện ra cháu bé bị ngộ độc thuốc và đưa đến viện khi thấy con có các biểu hiện kích thích hơn bình thường sau 3 tiếng uống thuốc.
“Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tìm hiểu, tò mò, thích khám phá, thấy người lớn uống thuốc các cháu cũng rất muốn thử nên khi thấy có thuốc trong tầm tay của mình là dễ dàng cho ngay vào miệng nhai hoặc uống. Nguy hiểm hơn có trường hợp trẻ uống nhầm các loại hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Do đó, cha mẹ cần phải cẩn trọng để thuốc, hóa chất ngoài tầm với của trẻ, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc đe dọa sức khỏe và tính mạng trẻ”, PGS.TS Dũng khuyến cáo.