Khoa Huyết học lâm sàng, BV Nhi Trung ương cho biết vừa cứu sống một bệnh nhi 2 tuổi bị ngộ độc thuốc diệt chuột.
Bệnh nhi là cháu Lê Thanh T ở Tiên Lữ, Hưng Yên. Điều đáng nói là bố mẹ cháu bé không hề biết con mình bị ngộ độc thuốc diệt chuột từ khi nào, chỉ đến khi điều trị, các bác sĩ khai thác sâu quá trình bệnh lý mới tìm ra căn nguyên gây ngộ độc cho bé.
Cách đây hơn nửa tháng, gia đình thấy bé T vô tình bị chảy máu chân răng nhưng lần này máu rất khó cầm, không ngừng chảy ngay như mọi lần. Đặc biệt, vùng da cẳng tay phải và vùng thắt lưng của bé còn xuất hiện nhiều các vết bầm máu sau khi ngã hoặc va đập. Thấy con có các triệu chứng lạ, 3 ngày sau bố mẹ đã đưa bé T lên khám tại BV Nhi Trung ương.
Tại Khoa Huyết học lâm sàng, BV Nhi Trung ương qua thăm khám các bác sĩ thấy bé T không còn bị chảy máu chân răng, hoàn toàn tỉnh táo nhưng trên da vẫn còn xuất hiện nhiều vết bầm tụ máu.
Những xét nghiệm chuyên sâu cho thấy cháu bé bị rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu và các yếu tố này phụ thuộc vitaminK. Bình thường, những yếu tố này chỉ giảm khi bệnh nhân uống thuốc chống đông kháng vitamin K hoặc rối loạn tổng hợp ở những bệnh nhân suy gan nặng.
Các bác sĩ tiến hành khai thác tiền sử cháu bé được biết trước đó bé chưa từng có các rối loạn đông máu. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2 tháng, cháu bé có một đợt bệnh tương tự, bị chảy máu chân răng khó cầm và có các vết bầm tụ máu trên da.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Khoa Huyết học lâm sàng, BV Nhi Trung ương cho biết: “Bằng kinh nghiệm các bác sĩ ở khoa nghi ngờ cháu bé bị ngộ độc một loại thuốc diệt chuột. Bởi trong thuốc diệt chuột có thành phần là Bromadiolone, đây là dẫn xuất của dicoumarol – một dược chất có tác dụng kháng đông máu. Khi hỏi bố mẹ cháu bé thì họ thừa nhận trước đó ở nhà họ có dùng một loại thuốc diệt chuột để bắt chuột trong nhà”.
Các bác sĩ đã tiến hành điều trị bằng phương pháp cho bệnh nhi uống vitamin K liều cao kéo dài. Sau 12 ngày nằm viện rất may bé T đã không còn xuất huyết, các xét nghiệm đông máu trở về bình thường và bệnh nhi được xuất viện. Tuy nhiên, do chất kháng đông trong thuốc diệt chuột có thể lưu hàng và tồn tại lâu dài trong cơ thể người bị ngộ độc nên cháu T vẫn phải tiếp tục điều trị ngoại trú và theo dõi định kỳ.
Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, thuốc diệt chuột được người dân sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên người dân không để ý đến chất kháng đông có trong loại thuốc diệt chuột đó có thể dễ dàng gây ngộ độc cho người. Chất này có thể dễ dàng xâm nhật cơ thể qua đường tiêu hóa (ăn uống) hoặc qua da, gây ngộ độc khó cầm máu và xuất huyết như trường hợp của bé T. BV Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận và điều trị thành công cho nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc chất kháng đông trong thuốc diệt chuột. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, khoa Huyết học Lâm sàng, Bệnh viện Nhi trung ương đã gặp 4 trường hợp bệnh lý và nguyên nhân tương tự.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải cẩn trọng khi dùng thuốc diệt chuột để bẫy và tiêu diệt chuột, tránh để xảy ra những trường hợp bị ngộ độc thuốc. Trẻ em thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao và nhạy cảm cha mẹ cần cách ly bé trong thời gian gia đình sử dụng thuốc diệt chuột.