Là nhà tù nữ duy nhất, nơi giam cầm tất cả những phụ nữ phạm tội của Israel, Neve Tirza được xem như địa ngục trần gian. Hầu như những người đã đặt chân vào đây sẽ không có cơ hội làm lại cuộc đời.
Có hơn 20.000 tù nhân và nghi phạm bị giam tại Israel và chỉ 1% trong số này là phụ nữ. Tất cả những nữ phạm nhân ấy bị giam trong nhà tù duy nhất có tên Neve Tirza. Đây còn được gọi là nhà tù của những nữ tù nhân xinh đẹp nhất thế giới.
Tọa lạc tại thị trấn Ramla, miền trung Israel, cách thành phố Tel Aviv khoảng 24km về phía đông nam, Neve Tirza là nơi giam giữ hơn 200 tù nhân nữ. Được mở ra vào năm 1968, Neve Tirza là nhà tù nữ duy nhất tại Israel. Người Do Thái, Hồi giáo và Kito giáo sống cạnh nhau trong những phòng giam chật chội, quá tải.
Nhiếp ảnh gia Tomer Ifrah đã thực hiện một vài chuyến thăm tới Neve Tirza vào năm 2013, ghi lại sự cô lập và sợ hãi của nhiều tù nhân tại đó. Các bức ảnh của ông đã khắc họa gương mặt của những người tại nhà tù từng bị cáo buộc đối xử vô nhân đạo với tù nhân. Ông cũng phát hiện ra rằng các tù nhân nữ tại Israel phải đối mặt với sự kỳ thị độc nhất vô nhị khi họ tái hòa nhập xã hội. Điều này khiến nhiều người trong số họ phải quay trở lại nhà tù.
Không chỉ là nhà tù nữ duy nhất, Neve Tirza còn bị quá tải tới độ nguy hiểm với 6 tù nhân chung nhau một buồng giam rộng vỏn vẹn 13 mét vuông.
Phần lớn tù nhân tại Neve Tirza là những bà mẹ. Họ phàn nàn rằng nhà tù này đã không cho họ đủ thời gian ở bên con mỗi khi chúng đến thăm. Có nhiều tù nhân là nạn nhân của hoạt động mại dâm và từng có tiền sử nghiện ma túy, bị lạm dụng tình dục. Một số tù nhân còn tham gia vào các nhóm trị liệu chấn thương. Những người này không chỉ bị lạm dụng bên ngoài xã hội mà khi vào tù, họ còn bị cai ngục lạm dụng về thể xác.
Sự giam cầm cô độc tại nơi đây được thể hiện rất rõ qua những phòng giam vô cùng nhỏ bé, nhỏ tới mức một người có kích thước trung bình không thể xoay người khi ở trong. "Phòng giam thì bị nhiễm bọ và không có điều hòa hay những chiếc quạt còn hoạt động", tờ Haaretz của Israel mô tả sự kinh khủng của nơi này.
Năm 2003, một nhóm chống tra tấn đã kiến nghị việc những tù nhân trong tù Neve Tirza bị bạo lực, chăm sóc y tế không đúng cách, bị cô lập không chính đáng và bị lột đồ để lục soát khiến nhân phẩm họ bị xúc phạm. Ngoài ra, nhà tù này còn gặp phải rất nhiều cáo buộc khác.
Bệnh tâm thần là vấn đề phổ biến của những tù nhân nhưng Neve Tirza lại không có khả năng để điều trị cho họ. "Nếu bạn để những người tâm thần có vấn đề ở cùng nhau thì đó có thể là địa ngục đối với họ", nhiếp ảnh gia Tomer Ifrah nói với tờ Prison Photography.
Bởi vì đây là nhà tù nữ duy nhất của Israel nên nó đồng nghĩa với việc thanh thiếu niên và những người phạm tội lần đầu cũng bị giam chung với những tù nhân kỳ cựu, dày dặn kinh nghiệm. Các tù nhân Do thái, Hồi giáo và Kito giáo, các nhóm dân tộc thiểu số và người nhập cư đều bị giam chung với nhau. "Chung nghịch cảnh đã giúp họ hình thành nên những mối quan hệ thân thiết", ông Tomer nói.
"Neve Tirza là một nơi rất khó ở. Đó là một nơi rất dữ dội. Không khí không dễ dàng. Nó cũng rất là nhỏ", Tomer nói với tờ Prison Photography.
Hầu hết các tù nhân tại đây gặp khó khăn trong việc tìm việc sau khi được thả ra và 70% tù nhân Neve Tirza cuối cùng lại quay lại nơi này. Tỷ lệ tái phạm cao chính là một phần bởi những cựu tù nữ bị đối xử khắc nghiệt hơn so với nam giới rất nhiều, một cựu tù chia sẻ. Người này nói với tờ The Jerusalem Post: "Thế giới không chấp nhận một nữ tù nhân. Họ sẽ chấp nhận một người đàn ông đã từng đi tù, điều này là dễ hiểu, bởi có một sự kỳ vọng ở đây. Nhưng một người phụ nữ thì sao? Một người phụ nữ từng ngồi tù là gì?".
Sự thật phũ phàng của Neve Tirza giúp các tù nhân trở nên thân thiết. "Có rất nhiều tình tình thương giữa những tù nhân. Họ thường quan tâm sâu sắc đến nhau. Cảm giác như đó là một gia đình rất gần gũi", nhiếp ảnh gia Tomer chia sẻ.
Thỉnh thoảng, các nữ tù nhân tại Neve Tirza cũng được tham gia vào các dự án diễn kịch, biểu diễn thời trang giúp họ tự tin hơn sau khi tại ngoại. Các quản giáo tại đây đã tạo điều kiện hết sức để giúp tù nhân tái hòa nhập cộng đồng nhưng tình hình không mấy khả quan trong nhiều năm qua.