Hiện nay ở Hà Nội, bến xe xã hội hóa có chất lượng tốt hơn bến của nhà nước. Vậy nhưng bến xã hội hóa không được bố trí xe, trong khi các bến kia lại quá tải.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Cách nào hiện đại hóa bến xe?” do Báo Giao thông tổ chức nhằm tìm hướng phát triển cho doanh nghiệp vận tải và đáp ứng nhu cầu hành khách, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, hiện nay cả nước có hơn 470 bến xe, trong đó, hơn 200 bến xe đã xã hội hoá.
Theo ông Thọ, những bến xe xã hội hóa được doanh nghiệp đầu tư chăm sóc nên chất lượng tốt hơn so với các bến xe theo mô hình cũ. Vừa qua, sơ kết 1 năm thực hiện chủ trương, có một số bến xe xã hội hoá trên cả nước thực hiện khá tốt như bến xe trung tâm Lào Cai, bến xe Đà Nẵng, bến xe Cần Thơ hay điển hình là bến xe Nước Ngầm (Hà Nội).
“Trong khi đó, các bến xe được đầu tư bởi nguồn lực nhà nước lại có chất lượng rất thấp”, Thứ trưởng Thọ nói.
Ông Thọ nhấn mạnh để nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút hành khách, việc xã hội hóa bến xe trong thời gian tới cần được ưu tiên thực hiện.
Thứ trưởng Thọ cũng đặc biệt quan tâm tới việc một số bến xe quá tải hiện nay, trong khi nhiều bến lại rất ít, hoặc không có xe vào.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Lập (Giám đốc bến xe Nước Ngầm, Hà Nội) cho biết Nước Ngầm là một bến xe xã hội hóa trong tổng số hơn 200 bến xe xã hội hóa cả nước. Bản chất bến xe Nước Ngầm ra đời nhằm giảm tải cho bến xe phía Nam (bến xe Giáp Bát). Theo vị giám đốc, được thành lập từ năm 2005, bến Nước Ngầm chưa bao giờ có chuyện quá tải. Công suất của bến thường chỉ đạt 30% - 50% công suất thực tế.
“Không hiểu vì sao Sở GTVT lại điều chuyển các xe đang chạy tuyến Hà Tĩnh - Nghệ An từ bến xe Nước Ngầm sang bến xe Mỹ Đình trong khi chưa hề công bố tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An ở bến xe Mỹ Đình", ông Lập nói.
Theo ông Lập, điều cốt yếu để các doanh nghiệp đầu tư vào các bến xe xã hội hoá là quy hoạch luồng tuyến rõ ràng. Có như vậy, doanh nghiệp mới có bài toán kinh doanh vận tải hợp lý.
“Chúng tôi mong chờ vào sự minh bạch trong quy hoạch luồng tuyến. Nếu không minh bạch, các doanh nghiệp đầu tư sẽ cầm chắc thất bại khi không đảm bảo lưu lượng xe ra vào”, ông Nguyễn Văn Lập nhận định.
Ông Nguyễn Hoàng Linh (Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội) cũng đánh giá, hai bến xe xã hội hoá Lương Yên và Nước Ngầm hiện nay có chất lượng tốt, khác hẳn các bến xe nhà nước đầu tư. Tuy nhiên ông Linh cho rằng, quy hoạch luồng tuyến xe ở Hà Nội bị thay đổi vì nhiều lý do trong đó có việc quỹ đất để xây dựng bến bãi eo hẹp. Hơn nữa, quy hoạch luồng xe phải theo nhu cầu đi lại thực tế của người dân sao cho tối thiểu chi phí chứ không phải quy hoạch dựa trên các hướng đường di chuyển.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: “Chủ trưởng của Chính phủ và Bộ là sẽ quyết liệt thực hiện xã hội hoá bến xe trong thời gian tới.”
Bộ GTVT cũng yêu cầu các địa phương cũng phải chủ động xây dựng cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến bến xe xã hội hoá được khai thác kém hiệu quả.
“Cần tạo những thay đổi, chuyển biến tích cực trong hoạt động vận tải, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân”, Thứ trưởng Thọ nói.