Bệnh bạch hầu có tốc độ lây nhanh với những biến chứng kinh hoàng

Ngày 19/07/2016 06:00 AM (GMT+7)

Theo đó, bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp và có thể tạo thành dịch. Khi mắc bệnh bạch hầu, người bệnh có thể gây biến chứng cơ tim, suy tim, viêm thận… và dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Hiện nay, bệnh bạch hầu chưa có chiều hướng thuyên giảm ở Bình Phước, đáng lưu ý hơn bệnh còn có khả năng tràn vào TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên nhiều người chưa hiểu đúng để phòng chống căn bệnh này.

Theo đó, tính đến 11h30 trưa 18/7, tại tỉnh Bình Phước đã có 60 ca mắc và nghi mắc bệnh bạch hầu. Ngoài các bệnh nhân tại hai xã Thuận Lợi và Thuận Phú, bệnh này đã lây lan sang 1 bệnh nhi 4 tuổi tại xã Đồng Tâm của huyện Đồng Phú. Dịch bạch hầu bùng phát đã cướp đi sinh mạng của 3 người.

Cũng theo thông tin từ Sở Y tế Bình Phước, hiện có 6 người hiện đã xuất viện. 51 người mắc bệnh còn lại đang điều trị tại bệnh viện các tại các trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, bệnh viện Binh đoàn 16 và 3 ca đang điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới, TP HCM.

Bệnh bạch hầu có tốc độ lây nhanh với những biến chứng kinh hoàng - 1

Bệnh bạch hầu lây lan nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Ảnh minh họa.

Vậy vì đâu căn bệnh này có tốc độ lây lan nhanh như vậy và căn bệnh này có những biến chứng nguy hiểm như thế nào? Theo Ths.BS Hồ Anh Tuấn – Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), bạch hầu là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và có thể tạo thành dịch. Biểu hiện chính là viêm họng, thanh quản và có thể có biến chứng nặng do ngoại độc tố.

BS Tuấn cho biết, bệnh có thể gặp bất cứ mùa nào, xuất hiện chủ yếu ở trẻ em 1-10 tuổi và có thể gây thành dịch. Các biểu hiện của bệnh bao gồm sốt nhẹ hoặc sốt cao; đau họng viêm họng, khám bên trong có giả mạc màu xám hoặc trắng xỉn, nếu không điều trị có thể lan rộng, bít tắc đường thở. Hạch ngoại biên cổ sưng to kiểu cổ bạnh.

Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như ho, bỏ ăn, khàn tiếng…Trong thể nặng, ngoại độc tố bạch hầu có thể gây viêm cơ tim, suy tim, viêm thận, liệt các cơ  vận động và có thể gây tử vong nhanh chóng.

Về sự lây truyền của căn bệnh này, BS Tuấn cảnh báo¸bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.

Để phòng bệnh bạch hầu, các bác sĩ khuyến cáo, đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B-viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2,3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1984. Đây là một trong những vắc xin cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi với lịch tiêm 3 mũi lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi

Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h