Sau 2 tháng đau bụng dữ dội, bé Thy được bố mẹ đưa đến bệnh viện chụp MRI mới phát hiện bất thường.
Bác sĩ hút ra 1.000ml máu kinh bị tắc trong tử cung bé gái
Hội chứng Herlyn-Werner-Wunderlich (HWW) là dị tật bẩm sinh hiếm gặp của đường tiết niệu sinh dục liên quan đến bất thường AMH (Anti-mullerian Hormone), đặc trưng bởi tam chứng: tử cung đôi, nửa âm đạo tắc nghẽn và bất sản thận cùng bên. Đây là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ 1/28.000 trường hợp.
Mới đây, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, hiện là Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa một bệnh viện tư tại TP.HCM, đã trực tiếp khám và phẫu thuật cho trường hợp mắc hội chứng HWW là bé Trần Bích Thy (13 tuổi) đang học lớp 8 tại TP.HCM.
Bé gái được phát hiện có 2 tử cung, 1 quả thận sau 2 tháng đau bụng. Ảnh minh họa.
Bé Thy bắt đầu dậy thì và có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên vào đầu năm 2023. Những tháng sau đó, nữ sinh này có chu kỳ đều đặn. Hơn 2 tháng qua, Thy liên tục than đau bụng dưới rốn. Ban đầu, ba mẹ bé gái nghĩ con chỉ đau bụng vì những ngày hành kinh thường. Nhưng sau đó, Thy kêu đau nhiều hơn mỗi ngày, nhất là khi đến kỳ kinh.
Thy được bố mẹ đưa đi khám nhiều nơi không phát hiện bất thường, mới đến Trung tâm Sản Phụ khoa kiểm tra. Kết quả chụp MRI vùng bụng chậu của Thy cho thấy, em chỉ có một bên thận trái và 2 tử cung. Giữa âm đạo và tử cung bên phải có vách ngăn gây bít đường ra kinh nguyệt của tử cung cùng bên. Khối máu ứ đọng này kích thước khoảng 13x10cm.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, trường hợp bé Thy sau 13 năm mới phát hiện nhờ bé dậy thì, đường ra kinh nguyệt bị bít tắc gây đau vùng chậu mãn tính. Hơn nữa, do một bên tử cung hoạt động bình thường, kinh nguyệt đều. Tuy nhiên, buồng tử cung còn lại tắc gây ra hiện tượng trào ngược máu kinh, ứ đọng máu ở cổ tử cung, tử cung, vòi trứng.
“Tình trạng này nếu để lâu hơn có thể gây nhiều hệ lụy như giãn to vòi trứng, tử cung ứ máu có thể vô sinh. Sau này nếu mang thai mà không phát hiện bệnh, có thể biến chứng sẩy thai, chậm tăng trưởng, sinh non, tăng tỷ lệ mổ lấy thai, vỡ ối non”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ.
Bác sí Nguyễn Bá Mỹ Nhi đang phẫu thuật cho bé Thy. Ảnh: BVCC.
Bé Thy được bác sĩ Mỹ Nhi phẫu thuật cắt vách ngăn chắn giữa âm đạo và tử cung bên phải để giải quyết tình trạng tắc nghẽn kinh nguyệt. “Khi phẫu thuật, chúng tôi đã chọc hút được 1.000ml dịch sánh nâu, là kinh nguyệt của Thy tích tụ, ứ đọng” bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ. Sau đó, các bác sĩ đã mở lỗ thông giữa vách ngăn âm đạo và tử cung khoảng 2 cm, đặt ống thông silicon tiếp tục dẫn lưu máu kinh và hạn chế bít tắc, chít hẹp vùng vừa phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bé Thy tiến triển tốt, hết đau bụng, được xuất viện sau 24 giờ.
Căn bệnh ảnh hưởng khả năng sinh sản cho phụ nữ
Bác sĩ Mỹ Nhi giải thích, hội chứng HWW hình thành trong thời kỳ phôi thai, khi khoảng 8-9 tuần, hai ống cận trung thận hoặc ống Muller hợp nhất để tạo thành tử cung, cổ tử cung, phần trên âm đạo, niệu đạo nữ. Nếu ống Muller hợp nhất không thành công sẽ gây các dị tật gồm giảm sản hoặc bất sản, tử cung hai sừng, tử cung một sừng, các dị tật âm đạo. Trong đó, hội chứng HWW xảy ra do sự hợp nhất theo chiều dọc và chiều ngang của ống muller thất bại.
Hình ảnh cho thấy tử cung bình thường và tử cung đôi. Ảnh minh họa.
Theo y văn, triệu chứng nhận biết bệnh hay gặp nhất là đau bụng kinh chiếm 63,9% và đau vùng chậu chiếm 35,2%. Bệnh có thể có liên quan yếu tố di truyền, khoảng 75% phụ nữ có tử cung đôi có bố mẹ bị bất thường một phần hoặc toàn bộ vách ngăn cơ quan sinh dục. Bệnh có thể phát hiện ở bé gái dậy thì, lúc trưởng thành hoặc có thể tầm soát, phát hiện sớm qua siêu âm, chụp MRI.
Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo thêm dị dạng cơ sinh dục nữ thường gặp ở những cơ quan như tử cung, âm đạo. Trong đó các dị tật có thể gây ứ đọng máu kinh nguyệt như: màng trinh không thủng, âm đạo có vách ngăn. Các bé gái tuổi dậy thì nếu có triệu chứng đau bụng dưới kéo dài, đau nhiều khi đến kỳ kinh nguyệt, hoặc đến tuổi chưa dậy thì cần đi khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra, có thể phát hiện các bất thường tại đường sinh dục và cơ quan sinh sản.
* Tên người bệnh đã được thay đổi.