Bệnh nhi mắc sởi vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày. Bộ Y tế cho biết sẽ tiến hành tiêm vắc xin miễn phí “vét” cho các bé nhằm khống chế dịch lan rộng.
90% trẻ mắc sởi có biến chứng viêm phổi
Số trẻ mắc sởi vẫn tiếp tục ghi nhận. Tại BV Xanh Pôn – bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội về điều trị nhi, được phân công tiếp nhận, điều trị các bệnh nhi sởi nặng, có biến chứng số trẻ đến khám vì sốt phát ban dạng sởi vẫn đang tăng từng ngày.
Tại khoa Nhi tổng hợp, BV Xanh Pôn, đến ngày hôm qua 11/2, đã ghi nhận 124 ca sốt phát ban dạng sởi vào điều trị. Hầu hết là các bệnh nhi dưới 5 tuổi, đặc biệt bệnh viện ghi nhận bệnh nhi mắc sởi khi mới 1,5 tháng tuổi. Kết quả xét nghiệm trên 68 mẫu bệnh phẩm cho thấy có 33 ca dương tính với sởi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, BV Xanh Pôn cho biết, số trẻ mắc sởi trên thực tế có thể cao hơn nhiều bởi qua khám sàng lọc những trẻ nhẹ được cho về nhà, điều trị ngoại trú. Con số 124 ca nằm tại bệnh viện là các trường hợp nặng, có chỉ định phải nhập viện theo dõi và điều trị. Đáng lo lắng là tất cả 124 trường hợp này đều có biến chứng, trong đó 90% trẻ bị biến chứng viêm phổi.
"Cũng như các vắc xin khác, có trường hợp trẻ phản ứng sau tiêm vắc xin sởi. Tuy nhiên, các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị. Tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy đưa con em mình đi tiêm vắc xin sởi đầy đủ và đúng lịch, bởi vắc xin sởi vẫn là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất" PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế |
Tính trên toàn thành phố Hà Nội, theo ôg Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Hà Nội ghi nhận 181 ca sốt phát ban nghi sởi.
“Ước tính, có khoảng 50-70% bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi là dương tính với sởi. toàn thành phố hiện có khoảng 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi, trong số này có khoảng 35.000-40.000 trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi”, ông Cảm nói.
Trên toàn quốc, từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.048 trường hợp mắc sởi, trong đó có 3 ca tử vong tại Hà Nội (01) và Yên Bái (02).
Tại BV Nhi Trung ương đang có 50 trẻ mắc sởi nằm điều trị, hầu hết các bé đều có biến chứng viêm phổi với các triệu chứng sốt cao, suy hô hấp.
Tiêm "vét" vắc xin để khống chế dịch lan rộng
Trước lo ngại dịch sởi có thể lan rộng và diễn biến khó lường, trao đổi với phóng viên ngày 11/2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định diễn biến của sởi năm nay nằm trong chu kỳ dịch, không có gì bất thường.
Nhiều trẻ phải nhập viện điều trị sởi tại BV Nhi Trung ương
Ông Phu cho biết, vào năm 2010, Việt Nam đã từng ghi nhận dịch sởi bùng phát với số mắc nhiều hơn năm nay. Có 90% -95% trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi và 80-85% trẻ tiêm 1 mũi được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Như vậy, mỗi năm dôi ra khoảng 5-10% số trẻ tiêm rồi nhưng vẫn có khả năng mắc sởi, con số này dồn lại, đến chu kỳ 3-4 năm sẽ phát bệnh, tạo thành các ổ dịch.
“Khả năng bùng phát dịch lớn tại đồng bằng, thành phố lớn là rất khó. Tuy nhiên, hiện nay đang là mùa đông - xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi rút sởi lưu hành và gây bệnh. Đặc biệt, nhiều nơi thuộc các tỉnh miền núi có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp. Tại các “vùng lõm” về tiêm chủng này việc bùng phát ổ dịch lớn là rất đáng lo ngại”, PGS.TS Phu nói.
Để phòng chống không để dịch sởi bùng phát rộng, PGS.TS Phu cho biết, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các địa phương rà soát lại tỷ lệ tiêm phòng của trẻ và tiến hành tổ chức tiêm “vét” vắc xin sởi cho trẻ từ 2-5 tuổi. Các địa phương cũng cần kiểm soát, giám sát và xử lý ngay nếu xảy ra có dịch, cách ly và điều trị kịp thời cho bệnh nhân, tránh các biến chứng nặng gây tử vong.
“Về phía Bộ Y tế, Bộ cũng đang chuẩn bị tổ chức tiêm vét vắc xin sởi cho toàn bộ trẻ dưới 2 tuổi. Lịch tiêm có thể trùng với lịch tiêm chủng mở rộng hàng tháng của các địa phương hoặc bố trí buổi tiêm riêng. Đặc biệt, vào tháng 8/2014, Bộ sẽ triển khai dự án tiêm miễn phí vắc xin phòng bệnh sởi, rubella cho trẻ dưới 2 tuổi trên cả nước”, PGS.TS chia sẻ.
Hiện nay, các bệnh viện ghi nhận nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi – chưa đến lịch tiêm vắc xin mắc sởi. PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trẻ nhỏ dưới 9 tháng vẫn có thể mắc sởi, điều này hoàn toàn bình thường. Trường hợp này là do trẻ không nhận được khả năng miễn dịch từ mẹ. Thậm chí, có trẻ lớn, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn bị mắc sởi. Vắc xin sởi là một trong những vắc xin phòng bệnh có hiệu quả cao tuy nhiên cũng như các vắc xin khác, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng sau tiêm mũi 1 lúc 9-11 tháng tuổi đạt 80-85%. Với trẻ đã tiêm đầy đủ cả 2 mũi tỷ lệ miễn dịch là 90-95%. Như vậy vẫn còn tỷ lệ nhất định trẻ không đáp ứng miễn dịch, vẫn có thể mắc sởi dù đã tiêm 2 mũi. Quan điểm của Bộ Y tế là không đẩy lịch tiêm vắc xin lên sớm hơn, trẻ vẫn tiêm vắc xin sởi mũi 1 khi được 9-11 tháng tuổi và mũi 2 nhắc lại khi 18 tháng tuổi. Số mắc dưới 9 tháng tuổi do không có miễn dịch từ mẹ không nhiều. Nếu tiến hành tiêm trước 9 tháng tuổi thì số đông những trẻ đã có miễn dịch từ mẹ việc tiêm sớm vắc xin sẽ không hiệu quả. Chúng ta phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định trẻ mắc sởi trước 9 tháng chứ không thể thay đổi lịch tiêm. Thời điểm tiêm chủng cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bàn bạc và quyết định. |