Bí ẩn 13 mộ cổ lọt thỏm giữa nhà dân ở Sài Gòn, kiến trúc "ô dước - ngưu miên" ẩn ý gia thế quyền quý

Ngày 17/04/2024 14:00 PM (GMT+7)

13 cổ mộ "thi gan cùng tuế nguyệt", không người chăm sóc khiến nhiều người xót xa, chẳng biết lúc sinh thời họ là ai, gia thế quyền quý nhường nào.

Trong hành trình đi khám phá những bí ẩn cổ sơ, những mộ cổ hữu danh và vô danh nằm rải rác khắp thành phố Hồ Chí Minh, một YouTuber đã tìm thấy quần thể 13 ngôi mộ cổ nằm lọt thỏm giữa một khu dân cư tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức.

Xét theo kiến trúc cũng như lời kể của những người cao niên trong khu, những ngôi mộ này là của gia tộc họ Đào, đã có mặt tại đây hàng trăm năm trước. Không ai biết hậu duệ của những người nằm bên dưới là ai, đã lưu lạc nơi đâu. 

Hai ngôi mộ song song, án ngữ cửa cửa một ngôi nhà

Hai ngôi mộ song song, án ngữ cửa cửa một ngôi nhà

Có mộ phần nằm ngay lối đi chung, được trang trí xung quanh bằng cây xanh, cây hoa cho kín đáo. Cũng có mộ phần ngay sát nhà dân, bia đá đã mòn chữ, người ta cũng coi như phiến đá ven đường. Theo quan sát, các bia mộ đều được khắc trên đá cẩm thạch. 

Thương những ngôi mộ hoang phế không người coi sóc, người dân xung quanh tự giác dọn dẹp, thi thoảng thắp hương cho người xưa bớt lạnh lẽo.

Người dân trồng cây cảnh, hoa cảnh...

Người dân trồng cây cảnh, hoa cảnh...

... và đặt bát nhang để hương khói cho người đã khuất

... và đặt bát nhang để hương khói cho người đã khuất

Nhìn cách bài trí không gian, có thể đoán đây là khu mộ của cả gia tộc. Có những ngôi mộ to - nhỏ khác nhau về kích cỡ, có khi hai ngôi song song, hoặc đặt kề nhau, như thể một đôi vợ chồng. 

Điều đặc biệt nhất là chúng đều có cùng một kiểu kiến trúc đặc trưng, hình "ngưu miên" (trâu ngủ, hay còn gọi là voi quỳ). Một số nghiên cứu về lăng mộ ở Việt Nam nói rằng, kiến trúc mộ hình trâu nằm ngủ hay voi phục là dạng mộ dành cho những người thuộc giới quyền quý xưa, chứ không phải thường dân.

Nhờ dàn cây che kín, không dễ để biết bên trong là những cổ mộ

Nhờ dàn cây che kín, không dễ để biết bên trong là những cổ mộ

Một trong những bia mộ hiếm hoi còn nhìn rõ chữ khắc

Một trong những bia mộ hiếm hoi còn nhìn rõ chữ khắc

Một chỉ báo khác cũng khiến những người đi tìm bí ẩn tin rằng, đây hẳn là khu mộ của một danh gia vọng tộc nào đó, là bởi nó được bọc bên ngoài bằng "ô dước". Có ngôi mộ còn được trang trí bia rất cẩn thận, theo hình dáng mái đình. Qua thời gian, lớp bảo vệ này cũng suy suyển, nhưng có thể thấy lớp ô dước bên ngoài, bên trong đắp đá ong. 

Theo nhà nghiên cứu Thông Thanh Khánh, giảng viên thỉnh giảng ở các trường đại học tại đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hợp chất ô dước là một loại vật liệu đặc biệt tạo chất kết dính trong xây dựng của người Nam Bộ.

Hình dáng ngưu miên lặp lại ở tất cả mộ cổ trong cụm 13 mộ

Hình dáng "ngưu miên" lặp lại ở tất cả mộ cổ trong cụm 13 mộ

Các ngôi mộ cổ được xây dựng bằng vật liệu ô dước đều sử dụng một dạng hợp chất gồm: Đá ong tán nhuyễn, san hô, than, cát sạn, chất kết dính. Chất kết dính này đòi hỏi đến tính chất tam hợp: ô dước, tơ hồng và mật đường, nó biểu đạt ở dạng Mộc, theo quy luật của ngũ hành, cụ thể như sau: Kim (đá ong), Mộc (chất dính tam hợp), Thủy (san hô), Hỏa (than), Thổ (cát, sạn).

Nhìn bên ngoài, hợp chất ô dước khi đã khô thường có màu trắng đục, xám nhạt nên nhiều người tưởng lầm là đá khối. Nó có đặc trưng bền vững "bất khả phân ly". Khi xưa, do sự đắt đỏ và sang trọng của vật chất này, chỉ có tầng lớp quyền quý mới được mộ táng bằng ô dước.

Một vài ngôi mộ bị che lấp bởi nơi để rác sinh hoạt...

Một vài ngôi mộ bị che lấp bởi nơi để rác sinh hoạt...

... hoặc vật liệu xây dựng thừa từ các nhà dân xung quanh

... hoặc vật liệu xây dựng thừa từ các nhà dân xung quanh

Sự hoang phế của những cổ mộ giữa khu dân cư khiến nhiều người chạnh lòng. Không biết phía dưới khu mộ này đang lưu giữ những điều bí ẩn nào liên quan đến văn hóa, lịch sử, khoa học một thời cần được khám phá...

Chân dung nữ đại gia lừa đảo hơn 800 tỷ đồng vừa trốn khỏi Viện tâm thần khiến công an truy tìm
Bà Trần Thị Mỹ Hiền - Chủ mưu vụ lừa đảo hơn 800 tỷ đồng đã bỏ trốn khi đang điều trị tại bệnh viện tâm thần.

An ninh hình sự

Theo Bích Chi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức TP.HCM