Bí ẩn hội chứng du khách Nhật đến Paris là bị...tâm thần

Ngày 24/08/2014 07:29 AM (GMT+7)

Với những người yêu du lịch, một lần đặt chân đến “kinh đô ánh sáng” Paris của nước Pháp hẳn là một trải nghiệm tuyệt vời.

Nhưng với người Nhật, trước khi đặt bút đăng ký tour, họ đều được khuyến cáo phải chuẩn bị sẵn sàng những tình huống xấu nhất. Không phải vấn đề thời gian hay tiền bạc, nhiều du khách Nhật sau khi từ Paris về nước đã bị một hội chứng tâm thần cấp tính. Cho đến tận bây giờ, nguyên nhân dẫn đến hội chứng kỳ lạ này vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

Hội chứng kỳ lạ chỉ “tấn công” du khách Nhật

Năm 2013, Paris (Pháp) chính thức trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới khi số khách du lịch quốc tế đến thăm thành phố này vượt ngưỡng 15 triệu lượt người/năm. Trong số đó, non nửa du khách đến từ Nhật Bản. Là một nước phát triển, lại nổi tiếng thích đi du lịch, không khó hiểu khi hàng năm có khoảng 1 triệu người Nhật ghé thăm “ngôi nhà của tháp Eiffel”. Nhưng cơ hội kiếm tiền từ những vị khách “có điều kiện “đến từ đất nước Mặt trời mọc này của Paris đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi một chứng bệnh bí hiểm - “hội chứng Paris ở người Nhật”.

Paris syndrome (tiếng Pháp: Syndrome de Paris , tiếng Nhật: Pari shōkōgun) là một hội chứng tâm thần cấp tính oái oăm khi chỉ nhằm vào người Nhật khi đến thăm Paris. Năm 1986, bác sĩ tâm thần người Nhật đang làm việc tại Pháp, giáo sư  Hiroaki Ota là người đầu tiên phát hiện ra hội chứng này. Nhưng phải đến năm 2004, sự tồn tại của nó mới được công bố rộng rãi trong giới khoa học bằng bài viết “Les Japonais en voyage pathologique à Paris: un modèle original de prise en charge transculturelle” (Tạm dịch: “Những chuyến trở về từ Paris đầy thương tích của người Nhật Bản: một cú sốc văn hóa”) trên tờ tạp chí y khoa chuyên về thần kinh học Neuvure de journal Psychiatrie.

Bí ẩn hội chứng du khách Nhật đến Paris là bị...tâm thần - 1

Ảnh minh họa.

Theo mô tả, hội chứng Paris chỉ xảy ra với những người Nhật sau khi đến thăm thành phố này, với những biểu hiện đặc trưng như ảo giác, lo lắng, mất tập trung, tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi... Không phải du khách Nhật nào đến Paris cũng mắc chứng bệnh này. Theo thống kê của đại sứ quán Nhật Bản tại Pháp, trong số hơn 6 triệu lượt người Nhật từng đến Paris du lịch trong vòng 5 năm trở lại đây thì chỉ có một tỷ lệ nhất định mắc phải “hội chứng Paris”. Điều may mắn là những cơn tâm thần ấy chỉ là cấp tính chứ không kéo dài dai dẳng. Sau một vài lần “lên cơn”, chúng sẽ tự biến mất và người mắc phải sẽ hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh trở lại, không hề bị tái phát nữa, kể cả khi họ tiếp tục quay lại Paris. Việc điều trị các cơn tâm thần cấp tính này vốn chẳng có gì khó khăn, chúng chỉ là những bệnh lý dễ dàng bị khống chế trong nền y học hiện đại ngày nay. Sự xuất hiện kỳ lạ của hội chứng này mới là điều khiến các nhà khoa học phải bận tâm. Sau hàng thập kỷ kể từ khi được công bố trên tờ Neuvure de journal Psychiatrie, nguyên nhân gây nên hội chứng này vẫn còn gây ra những ý kiến tranh cãi khác nhau. Đó là nguyên nhân khiến nhiều du khách Nhật hiện tỏ ra ngần ngại khi quyết định đặt tour đến kinh đô thời trang thế giới.

Bí ẩn hội chứng du khách Nhật đến Paris là bị...tâm thần - 2

Hội chứng Paris đã ám ảnh du khách Nhật hàng thập kỷ qua (Ảnh minh họa).

Tranh cãi bất tận

Trong rất nhiều ý kiến, tiến sĩ Mario Renoux, chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Pháp-Nhật Bản, đồng thời cũng là trưởng nhóm nghiên cứu liên quốc gia, đã đưa ra quan điểm cho rằng “hội chứng Paris ở người Nhật” bắt nguồn từ: Cú sốc văn hóa. Qua khảo sát tâm tính của từng du khách Nhật từng mắc phải hội chứng này, điều tra lại tất cả các sự kiện đã diễn ra với họ trong thời gian ở thăm Paris, nhóm của ông thấy rằng sự khác biệt văn hóa quá lớn đã khiến những người này bị chấn động mạnh, gây nên các biểu hiện đặc trưng của hội chứng.

Người Nhật vốn rất nhạy cảm và những nạn nhân của hội chứng Paris là những người nhạy cảm nhất. Trong khi đó, các công ty du lịch ở nước này luôn vẽ lên một hình ảnh Paris đẹp như trong mơ, từ phong cảnh đến con người. Họ đã xây dựng lên một hình ảnh lý tưởng tuyệt đối về thành phố này nhằm thu hút khách hàng đặt tour. Các tạp chí về du lịch nước này thường dùng hình ảnh những con phố sạch bóng như gương, với những con người lịch lãm trong bộ đồ hiệu, thảnh thơi tận hưởng cuộc sống như chốn thần tiên. Nhưng thực tế thì cái gì cũng có mặt trái của nó, kể cả Paris tráng lệ. Khi sang đến đây, sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng trước đó của họ đã khiến những người Nhật nhạy cảm bị thất vọng.

Rào cản ngôn ngữ là thứ đầu tiên đem lại phiền toái cho du khách Nhật. Tiếng Nhật rất ít phổ biến ở Pháp, và tương tự, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người Nhật hiểu được ngôn ngữ của xứ sở tháp Eiffeil. Thông dịch viên của các công ty lữ hành thường dùng tiếng Anh làm trung gian, và điều đó dẫn đến tình trạng “tam sao thất bản” khi nhiều nội dung bị hiểu sai sau khi lòng vòng qua ba thứ ngôn ngữ khác nhau. Nhiều người thậm chí đã bị lạc đường về khách sạn từ sân bay, sau khi đã nói chuyện đến… mỏi cả tay với cánh tài xế taxi.

Những mặt trái của xã hội sẽ là “gáo nước lạnh” tiếp theo khiến người Nhật bị choáng. Bị một người bán hàng rong thô lỗ đeo bám, một tên lưu manh móc túi, hay đơn giản là thói quen “bo” mỗi khi sử dụng dịch vụ khách sạn đều không được cảnh báo trước. Về chuyện này, các nữ du khách tỏ ra dễ bị tổn thương hơn nam giới. Một người đã khăng khăng rằng khách sạn nơi cô lưu trú đang đặt máy ghi âm theo dõi cô (!); một người khác lại khăng khăng rằng chiếc tủ lạnh trong phòng khách sạn sắp sửa nổ tung và kiên quyết đòi thay chiếc khác, để rồi lại đứng ngồi không yên khi tiếp tục bị ám ảnh rằng cái mới được đổi này cũng lại chuẩn bị phát nổ. Cảm giác này thường xảy ra với những người lần đầu tiên đặt chân đến Paris. Thông thường, không ai từng mắc hội chứng oái oăm này quay lại đây lần thứ hai, dù đã bình phục.

Nhà tâm lý học Yousef Mahmoudia thì lại đưa ra một cách lý giải khác. Theo ông, tình trạng mệt mỏi của du khách sau một chuyến bay dài cũng là lý do dễ dẫn đến chứng hoang tưởng này. Làm việc tại bệnh viện Hotel-Dieu nằm kề bên nhà thờ Notre Dame, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Paris, bản thân ông đã từng tiếp xúc, điều trị tâm lý cho rất nhiều trường hợp như vậy. Sự việc tệ đến nỗi cộng đồng Nhật kiều tại Pháp đã phải lập hẳn một hiệp hội có tên gọi Eunes Japon, với nhiệm vụ chuyên giúp đỡ các du kháhc đồng hương gặp khó khăn trong quá trình du ngoạn Paris. Dưới sự bảo trợ của đại sứ quán nước này, Eunes Japon đã tỏ ra hữu ích khi tư vấn kịp thời cho các du khách Nhật ngay từ khi họ đặt chân đến sân bay. Dẫu vậy, nhiều trường hợp nặng vẫn phải hồi hương ngay lập tức, dù chuyến du lịch của họ mới chỉ bắt đầu. Riêng trong năm nay, Đại sứ quán Nhật Bản tại Paris đã phải hồi hương bốn người với bác sĩ hoặc y tá trên máy bay để giúp họ vượt qua cú sốc. Cơ quan này còn phải thiết lập một đường dây nóng 24 giờ cho những người bị sốc văn hóa nghiêm trọng, và có thể giúp tìm bệnh viện chữa trị cho bất cứ ai có nhu cầu.

Cho đến giờ, nguyên nhân thực sự gây ra “hội chứng Paris ở người Nhật” là gì vẫn chưa được thống nhất giữa các nhà khoa học. Chỉ biết rằng sau khi bình phục, tất cả các du khách đều không quay lại “thiên đường” này lần thứ hai. Có lẽ, sự thực phũ phàng này mới là điều khiến ngành du lịch Pháp lo lắng nhất.               

Hội chứng Jerusalem

Mỗi năm, thành phố cổ kính và thiêng liêng Jerusalem ở Trung Đông đón tiếp khoảng 2,5 triệu du khách nhưng lại bị nghi ngờ là có liên quan đến những rối loạn tâm thần có tên gọi hội chứng Jerusalem. Năm 1998, người ta phải mở một hội nghị quốc tế lấy tên là “Du lịch và bệnh học tâm thần” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học tâm lý, tâm thần và thần học. Ấn tượng nhất là trường hợp một du khách Mỹ tưởng mình là dũng sĩ Samson nên nhất định đòi đổi chỗ những tảng đá đã xây nên Bức tường than khóc nổi tiếng. Ở Bệnh viện tâm thần Kfar Shaiil, các bác sĩ gặp rất nhiều bệnh nhân là du khách tự nhận mình là Chúa Jesus, Đức Mẹ đồng trinh, Thánh Moise hay vua David… Nhiều người chưa có tiền sử về bệnh tâm thần nhưng khi đến Jerusalem cũng nhanh chóng bị tràn ngập bởi lo âu, ảo giác. Cũng giống như tâm trạng của du khách Nhật đối với thành phố Paris của Pháp, có một khoảng cách lớn giữa thành phố Thánh địa trong tâm tưởng họ và thành phố thật mà họ đặt chân đến. Cú “sốc” được thể hiện bằng những hoang tưởng, rối loạn tâm lý và một nhu cầu “tẩy rửa” trong tư tưởng bệnh nhân.        

Theo Thanh Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot