Câu chuyện về một thập niên ở xóm Đầu, mọi con vật 4 chân đều lăn ra chết vẫn là điều bí ẩn đến nay chưa có lời giải.
Những năm gần đây, ở xóm Đầu (thôn Sơn Quả, xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã có những gia đình nuôi cả trại lợn, cả đàn bò nhưng không gặp phải sự bất thường nào nữa. Câu chuyện về một thập niên mọi con vật 4 chân đều lăn ra chết đã trở thành ký ức, song nó vẫn là điều bí ẩn đến nay chưa có lời giải.
Một thời, làng Đầu không thể nuôi được những động vật bốn chân
Ám ảnh lùi xa
Xóm Đầu những ngày cuối tháng 2 đầy bình yên với những mảng xanh mướt của cây cối, cánh đồng lúa. Đi dọc đường làng, ngõ xóm khang trang, dễ dàng bắt gặp những tiếng chó sủa, những người nông dân dắt trâu, bò ra đồng.
Dường như đoán được ý khách, ông Lưu Văn Thịnh, Trưởng thôn Sơn Quả cười cho biết, sau gần một thập kỷ “nuôi con vật 4 chân gì cũng chết”, nhiều năm nay, người dân xóm Đầu đã chăn nuôi trở lại bình thường. “Hộ dân nào trong làng giờ cũng phải có đôi ba con lợn, vài con chó, nhà nào khá giả thì có đôi ba cặp bò, cặp trâu. Đợt này đang lo sợ dịch tả lợn châu Phi, chứ bình thường mấy năm trước, có nhà nuôi hàng chục, thậm chí có hộ nuôi hàng trăm con lợn”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, dù hiện tượng các con vật bốn chân bỗng dưng lăn đùng ra chết đã chấm dứt cả chục năm nay, nhưng do nỗi ám ảnh quá lớn, nên ngay khi các ngành chức năng đưa con giống xuống hỗ trợ, bà con vẫn e dè không dám chăn nuôi. Mãi 4-5 năm gần đây, thấy các con vật nuôi không còn lăn ra chết một cách khó hiểu, các hộ mới mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gia súc. “Ở vùng thuần nông này, nguồn thu chính là trồng trọt, chăn nuôi, vậy mà suốt một thời gian dài, nghề chăn nuôi bị bỏ trống, người phải đứng ra cày thay trâu vì cả xóm chẳng còn con trâu nào. Mà sợ cũng phải, khi một con trâu, con bò, một đàn lợn là giá trị tài sản lớn nhất trong gia đình chả hiểu sao cứ lăn đùng ra chết”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh kể, việc vật nuôi 4 chân lăn ra chết bắt đầu từ những năm 1998 và hiện tượng này được diễn ra đồng loạt vào những năm 1999 - 2000 và trải dài đến tận năm 2006. “Vào những ngày mùng Một âm lịch hay hôm Rằm hoặc khi trong làng có tổ chức đám cưới là số lượng vật nuôi 4 chân chết nhiều không đếm xuể. Không riêng gì lợn, từ trâu bò, chó, mèo… đại khái những con vật nào 4 chân đều chịu chung số phận”, ông Thịnh cho hay.
Vụ đông xuân năm 2000, con trâu nhà ông Thịnh đang cày bừa khỏe mạnh thì tối về lăn đùng ra chết. Hôm sau không có trâu đi cày, ông phải sang nhà cậu ở làng bên mượn. “Ấy vậy nhưng con trâu đi mượn đang cày bừa phầm phập lúc sáng, đến chiều tối về cột dây ở cổng cũng bỗng nhiên nằm bất động, chết cứng đơ”, ông Thịnh khẽ rùng mình kể.
Niềm tin trở lại
Ông Lưu Văn Thịnh (trái) và ông Hoàng Văn Hà
Ngồi kế bên ông Thịnh, ông Hoàng Văn Hà, một người dân xóm Đầu kể, gia đình anh Bùi Văn Thanh, hàng xóm nhà ông nuôi đôi lợn nặng tới 80kg/con, con nào béo tốt, khỏe mạnh và sắp đến ngày xuất chuồng. Bỗng nhiên, nửa đêm đầu hè, hai con lợn kêu to, lao vào thành chuồng rầm rầm rồi lăn ra chết. Tưởng lợn chết dịch, anh Thanh vệ sinh, tẩy chuồng sạch sẽ, đem vôi bột về rắc rồi mới dám thả đàn lợn mới. Tuy nhiên, đàn lợn 10 con của anh vừa nuôi được đúng một tháng, đang lớn nhanh như thổi thì bỗng lại như điên như loạn, rồi lăn đùng ra chết y hệt như hai con lợn to trước.
Anh Thanh gọi bác sĩ thú y đến xem xét. Bác sĩ thú y khẳng định không phải chết do bỏ độc, chỉ có thể do chúng mắc một loại bệnh dịch nào đó. Lần này, cẩn thận hơn nữa, anh Thanh châm lửa... đốt chuồng. Anh phá tường cũ, xây lại tường mới hoàn toàn, quét vôi trắng xóa, phun các loại thuốc phòng dịch khắp chuồng, khắp vườn. Nhưng rồi, những đàn lợn mới bắt về cũng chỉ được một tuần là lăn ra chết.
“Hay có hôm đám cưới cháu bà Hòa ở cùng làng. Liền sau đó 7 con chó của 7 hộ gia đình đột nhiên nổi điên sủa inh ỏi rồi lăn ra chết. Kết quả kiểm tra cũng không có dấu hiệu của hiện tượng bị đầu độc”, ông Thịnh nhớ lại.
Theo ông Thịnh, giai đoạn đó, nghĩ rằng do nơi chăn nuôi phải chỗ đất chẳng lành, nhiều hộ dân trong làng còn mời các thầy bùa, thầy pháp đến để trừ tà, xua đuổi ma quỷ nhưng rồi cũng chẳng ăn thua. “Khoảng năm 2002, hàng xóm nhà tôi đón một ông thầy cúng về làm lễ, cúng bái với hy vọng có thể chăn nuôi lợn được. Khi thầy cũng làm mọi thủ tục lễ nghi và chọn giờ đẹp rồi bảo chủ nhà mang lợn thả vào chuồng với hy vọng lợn sẽ hay ăn chóng lớn và không bị chết. Chủ nhà nghe lời thả lợn vào chuồng rồi vào nhà dọn cơm mời thầy cúng ăn. Vừa ngồi vào mâm cơm được dăm mười phút thì nghe thấy lợn trong chuồng bỗng lồng lộn, bỏ mâm cơm chủ nhà và thầy cũng chạy ra thì đã thấy đàn lợn lăn ra chết. Thấy cúng và chủ nhà thấy vậy chẳng biết nói gì chỉ biết cười trừ trong lo âu”, ông Thịnh nhớ lại.
Ông Trần Văn Giáp, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phong cũng cho biết, ở thời điểm đó thực sự không thể lý giải được hiện tượng động vật chết hàng loạt ở làng Đầu.
“Tôi nhớ, các cơ quan chức năng sử dụng nhiều biện pháp khoa học ở thời điểm đó, từ nghiên cứu đất, nước, không khí, virus, thức ăn, chuồng trại... cũng không thể lý giải được nguyên nhân cụ thể của những con chó, con trâu, con lợn ở làng Đầu chết vì nguyên nhân gì. Đã có cả một công trình nghiên cứu, rồi tuyên bố kết quả có bàn tay phá hoại của kẻ xấu giết hại gia súc gây tâm lý hoang mang nhằm lôi kéo người dân địa phương vào hoạt động mê tín dị đoan. Cơ quan công an đã về điều tra, tìm hiểu thông tin theo hướng này nhưng không có kết quả ”, ông Giáp cho hay.
Theo ông Giáp, do không có một kết luận cuối cùng nào nên đến nay câu chuyện kì bí về gia súc của xóm Đầu lăn ra chết được lý giải theo nhiều cách khác nhau. “Tuy nhiên, tất cả đã là quá khứ, quan trọng người dân đã quên đi những câu chuyện ám ảnh kia, tin tưởng và tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi”, ông Giáp nói.