Cho đến nay, cái chết của nữ hoàng sắc đẹp nhí JonBenet Patricia Ramsey vẫn được xem là một trong vụ án nhức nhối và bí ẩn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày 25/12/1996, cả nước Mỹ chấn động trước tin tức nữ hoàng sắc đẹp nhí JonBenet Patricia Ramsey bị sát hại tại nhà riêng. Vụ án nhận được sự quan tâm của công chúng và truyền thông cả nước Mỹ, một phần vì nạn nhân đã tham gia hàng loạt cuộc thi sắc đẹp dành cho trẻ em, một phần vì cô bé đã bị sát hại dã man và đến nay kẻ thủ ác vẫn còn trong bóng tối.
Hoa hậu nhí JonBenet Patricia Ramsey nổi tiếng nước Mỹ một thời.
Sáng sớm ngày 25/12, bố mẹ JonBenet là ông John và bà Patsy Ramsey phát hiện một mảnh giấy ghi tiền chuộc viết tay trong nhà ở thành phố Boulder, bang Colorado, Mỹ. Sau đó, ông John tìm kiếm khắp nơi và phát hiện thi thể con gái dưới tầng hầm nhà mình vào khoảng 8h tối cùng ngày. Miệng của JonBenet bị dán băng keo, dây nilon quấn quanh cổ và cổ tay, toàn thân được bao phủ một tấm vải trắng. Lúc này, cảnh sát cũng đang có mặt ở hiện trường và họ đã phạm sai lầm khi để ông John bế xác con gái lên lầu. Việc JonBenet bị di chuyển đã khiến hiện trường vụ án bị phá vỡ, các bằng chứng pháp y quan trọng đã bị xáo trộn.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy JonBenet đã bị chết do nghẹt thở và gãy xương sọ. Không có bằng chứng cho thấy cô bé bị xâm hại mặc dù không ngoại trừ khả năng tấn công tình dục. Mặc dù cảnh sát không phát hiện tinh dịch nhưng lại có bằng chứng cho thấy JonBenet có một chấn thương ở âm đạo. Vào thời điểm khám nghiệm tử thi, một nhà nghiên cứu bệnh học ghi chép lại rằng khu vực âm đạo của cô bé đã được lau bằng một miếng vải. Cuối cùng, cảnh sát coi đây là một vụ án mạng.
Gia đình JonBenet trước khi cô bé qua đời.
Cảnh sát ban đầu chỉ tập trung vào bố mẹ nạn nhân và coi họ là những nghi phạm hàng đầu. Nhưng đến tháng 10/1997, đã có hơn 1.600 người liên quan đến vụ án. Bằng chứng đầu tiên được khai thác là tờ giấy nhắn đòi 118.000 USD tiền chuộc viết tay được để lại trong nhà Ramsey. Cảnh sát tin rằng bức thư này đã được dàn dựng bởi nó không có bất cứ dấu vân tay nào ngoại trừ của bà Patsy và các nhân viên chính quyền đã xử lý nó. Tờ ghi chú cũng được viết bằng bút và giấy lấy từ trong ngôi nhà này. Cục điều tra Colorado khi đó báo cáo: "Có dấu hiệu cho thấy tác giả lá thư đòi tiền chuộc là Patsy Ramsey". Tuy nhiên sau đó, các chuyên gia đã vào cuộc và xác nhận không có khả năng bà Patsy viết lên bức thư này.
Những người duy nhất có mặt trong ngôi nhà vào đêm xảy ra án mạng là bố mẹ JonBenet cùng với người con trai Burke 9 tuổi. Ghi chú đòi tiền chuộc nói rõ là không được báo cho cảnh sát, bạn bè nhưng bà Patsy lại gọi điện cho cảnh sát lúc 5h51 sáng hôm đó. Đồng thời, bà cũng gọi điện báo cho bạn bè. Chỉ 3 phút sau, cảnh sát đã có mặt tại nhà Ramsey. Họ tiến hành lục soát khắp ngôi nhà nhưng không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy có kẻ đột nhập.
Tờ giấy đòi chuộc tiền được tìm thấy tại hiện trường.
Sĩ quan Rick French đi xuống tầng hầm, kiểm tra các nơi nhưng lại bỏ qua cánh cửa có then gỗ. Sau này, sĩ quan French giải thích anh đang tìm kiếm một lối thoát mà kẻ đột nhập có thể sử dụng. Trong vài tuần sau đó, gia đình Ramsey bị cảnh sát thẩm vấn thường xuyên nhưng vẫn không có kết quả. Mùa hè năm 1997, gia đình Ramsey chuyển đến Atlanta. Sang đến năm 1998, vụ án của JonBenet được đưa lên đại bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tố tụng, các công tố viên vẫn không đủ bằng chứng để hình thành cáo buộc đối với vợ chồng Ramsey. Vì vậy, đại bồi thẩm đoàn đã giải tán.
Vào tháng 12/2003, các nhà điều tra pháp y đã thiết lập được hồ sơ ADN dựa trên mẫu máu hỗn hợp được tìm thấy trên đồ lót của JonBenet. ADN đó thuộc về một người đàn ông lạ mặt. Sau đó, bằng chứng này được gửi lên Hệ thống Chỉ số ADN kết hợp của FBI để tiếp tục điều tra. Tuy nhiên, không có bất cứ hồ sơ nào trong số hơn 1,6 triệu hồ sơ ADN của FBI trùng khớp. Đến tháng 10/2016, một báo cáo phân tích pháp y mới với những kỹ thuật nhạy cảm hơn cho thấy ADN ban đầu chứa dấu hiệu di truyền của 2 cá thể khác nhau, ngoài JonBenet. Lúc này, gia đình nhà Ramsey mới bị loại trừ khỏi diện tình nghi của vụ án.
Người anh trai Burke cũng từng vào diện tình nghi giết em gái JonBenet.
Đến năm 2006, một cựu giáo viên tiểu học 41 tuổi là John Mark Karr đã nhận tội giết JonBenet và bị bắt tại Thái Lan. Ông ta tuyên bố mình đã đánh thuốc, tấn công tình dục và vô tình giết cô bé. Tuy nhiên, các nhà chức trách lại không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào liên quan đến John Mark Karr tại hiện trường vụ án. Trong lời thú nhận của mình, ông ta chỉ cung cấp những sự kiện cơ bản vốn đã được công khai trên truyền thông và không đưa ra thêm bất cứ chi tiết thuyết phục nào. Lời khai đánh thuốc JonBenet cũng bị nghi ngờ bởi khi khám nghiệm tử thi, nhà chức trách không tìm thấy bất cứ loại thuốc nào. Các mẫu ADN của John cũng không khớp với ADN được tìm thấy trên thi thể JonBenet. Cuối cùng, ông ta được thả ra và thừa nhận mình nhận tội vì muốn nổi tiếng. Cùng năm 2006, bà Patsy, mẹ JonBenet, chết vì ung thư buồng trứng ở tuổi 49. Khi đó, hung thủ sát hại con gái bà vẫn chưa lộ diện.
Vụ án giết hoa hậu nhí đến giờ vẫn còn là bí ẩn.
Đến năm 2016, đài CBS bắt đầu đào lại vụ án của JonBenet và tập trung vào người anh trai Burke của cô bé, nghi ngờ anh ta có thể là thủ phạm. Tháng 12/2016, Burke đã đệ đơn kiện phỉ báng chống lại nhà đài, công ty sản xuất Critical Content LLC và 7 chuyên gia, cố vấn, tội phỉ báng nhân vật.
Cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn 23 năm, hung thủ thực sự của vụ án vẫn còn là điều bí ẩn. Có rất nhiều giả thuyết và những nghi can được đưa ra điều tra nhưng cuối cùng vẫn không đi đến sự thật. Chính vì lẽ đó, cái chết của hoa hậu nhí JonBenet vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai theo dõi và biết đến vụ án này.