Đi xét nghiệm ADN để xin trợ cấp xã hội, người mẹ này sốc nặng khi phát hiện cả 3 đứa con mình dứt ruột đẻ ra lại không cùng huyết thống với mình.
Khi Lydia Fairchild 23 tuổi, cô đã sinh 2 con và đang mang bầu bé thứ ba. Quan hệ của cô và bố đám trẻ rạn nứt, nên họ sống ly thân. Đến năm 26 tuổi, Lydia nhận thấy làm mẹ đơn thân thật khó khăn. Cô đã phải nghỉ làm và không thể nuôi con. Tuy nhiên, khi cô nộp đơn xin trợ cấp từ chính phủ, cả thế giới của cô đã sụp đổ bởi một tiết lộ gây sốc. Việc đó khiến Lydia bị cáo buộc hình sự và đối mặt với viễn cảnh bị nhà nước tước quyền làm mẹ.
Để đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, Lydia phải làm xét nghiệm ADN để chứng minh mình là mẹ ruột của các con. Jamie Townsend, bố của cả 3 đứa trẻ cũng buộc phải kiểm tra. Đã hai lần mang thai và sinh con, giờ đây lại đang mang bầu lần 3 nên Lydia và gia đình cô coi xét nghiệm này chỉ đơn giản là hình thức. Tuy nhiên, mọi thứ hóa ra không phải vậy.
Gia đình chị Lydia.
Vào tháng 12/2002, Văn phòng công tố bang Washington (Mỹ) liên lạc với Lydia, yêu cầu cô đến đó ngay lập tức để thảo luận về kết quả xét nghiệm. Người mẹ trẻ được thông báo cô đã là đối tượng của cuộc điều tra gian lận phúc lợi bởi các xét nghiệm ADN cho thấy không có mối liên hệ di truyền nào giữa cô và những đứa trẻ. Lydia vô cùng kinh hoàng.
Quan hệ huyết thống giữa anh Jamie và 3 đứa trẻ được xác nhận nhưng các xét nghiệm không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy Lydia và 3 đứa trẻ có cùng ADN. Cô bị Dịch vụ Xã hội thẩm vấn. Rốt cuộc Lydia là ai? Ai là mẹ thực sự của những đứa trẻ? Jamie Townsend cũng bị hỏi cung và bị cáo buộc có con với người phụ nữ khác.
"Tôi biết mình đã mang thai chúng, biết mình đã sinh ra chúng. Không có điều gì nghi ngờ trong tâm trí tôi", Lydia sau đó nhớ lại. Bác sĩ sản khoa của Lydia, Leonard Dreisbach cũng sững sờ không kém trước lời buộc tội chống lại người mẹ. "Tôi đã làm công việc này đủ lâu để nhận ra khi ai đó sinh con ngay trước mặt bạn", ông nói.
Lydia suy sụp khi kết quả xét nghiệm ADN cho thấy 3 đứa con đều không cùng huyết thống với cô.
Ở một vùng khác của đất nước, một người phụ nữ khác cũng đang phải đối mặt với tình huống kỳ lạ tương tự. Bà Karen Keegan, 54 tuổi đến từ Boston, bang Massachusetts làm xét nghiệm ADN để tìm người hiến thận thì phát hiện mình không có mối liên hệ di truyền nào với 2 trong số 3 con trai ruột. Sau khi xác nhận có sự trùng khớp với con trai út, các bác sĩ của bà Karen đã tham khảo thêm thông tin và được thông báo bà gặp phải một tình trạng di truyền rất hiếm được gọi là "Chimerism". Bắt nguồn từ tên một sinh vật lai kỳ lạ, Chimera trong truyền thuyết Hy Lạp được xem là những cá thể cực kỳ hiếm, khắp thế giới chỉ có 30 Chimera.
Ở giai đoạn đầu thai kỳ, Chimera là song sinh, một trong hai bào thai đã bị hấp thụ, hợp nhất với bào thai còn lại. Tuy nhiên, các tế bào của thai nhi bị tiêu thụ không biến mất mà vẫn sống trong một khu vực tập trung của cơ thể người anh/chị/em của họ. Về bản chất, một Chimera là một con người được tạo thành từ 2 bộ vật liệu di truyền riêng biệt. Trong thực tế, họ là một cặp song sinh.
Chú chó Luna nổi tiếng với khuôn mặt có 2 màu lông khác nhau do mắc chimerism.
Quyết tâm giải quyết bí ẩn y học này, các bác sĩ đã theo dõi vật liệu từ cục u nhỏ đã bị cắt bỏ của bà Karen tại một phòng thí nghiệm ở Boston. Thật bất ngờ, ADN chiết xuất từ cục u đó trùng khớp với ADN của các con bà.
Tuy nhiên, những người giải quyết vụ của Lydia lại không biết đến hiện tượng y học "Chimerism". Giờ đây, khi cái thai trong bụng đang lớn dần, Lydia phải ra hầu tòa và sắp bị mất quyền nuôi con. Thẩm phán chủ tọa đã ra lệnh lấy mẫu máu từ đứa con thứ 3 ngay sau khi Lydia vừa sinh. Mặc dù tòa đã chứng kiến việc sinh nở nhưng các xét nghiệm một lần nữa cho thấy không có mối liên hệ di truyền nào giữa đứa trẻ và mẹ ruột.
Sau đó, Lydia được thực hiện phết tế bào tử cung. ADN từ đó được kiểm tra và nó trùng khớp với ADN của các con cô. Thì ra, bào thai song sinh bị mất của Lydia đã sống nhờ vào các tế bào ở buồng trứng của cô. Bản thân Lydia chính là một cặp song sinh theo hiện tượng "Chimerism", tức là trong người cô tồn tại tới 2 mẫu ADN khác nhau. Chỉ có mẫu ADN trong tử cung của cô là trùng khớp với 3 đứa con.
Chị Lydia bật khóc trong ngày được minh oan.
16 tháng sau, sau khi đã chịu đựng viễn cảnh đau khổ về việc dù mang thai nhưng không có bằng chứng là mẹ ruột, Lydia Fairchild cuối cùng cũng thanh minh được cho mình. Luật sư của cô, Alan Tindell đã phản ánh về hậu quả thảm khốc của sai sót khi giám định ADN. "Có người đi đến cái chết vì xét nghiệm ADN, có người thoát chết cũng nhờ xét nghiệm ADN".
Với Karen Keegan và Lydia Fairchild, 2 người phụ nữ ở cách nhau hàng ngàn cây số nhưng lại liên kết với nhau bởi một hiện tượng di truyền hiếm gặp, những câu chuyện kỳ lạ của họ có lẽ đã truyền cảm hứng cho cộng đồng y học và hệ thống tư pháp để nghĩ lại về những thiếu sót có thể xảy ra khi làm xét nghiệm ADN.