Ít người biết rằng, giữa Sài thành từng có một ngôi mộ cổ được xây dựng khá đồ sộ, không thua kém lăng tẩm của bậc vua chúa. Bên trong có một xác ướp được cho là thuộc Hoàng tộc triều Nguyễn.
Phát lộ mộ cổ sau giải tỏa mặt bằng
Ngôi mộ và xác ướp người đàn bà phát hiện ở xóm Cải, phường 8, quận 5, TP.HCM được cho đạt tới trình độ thượng thừa về ướp xác thời xa xưa. Tài liệu tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM cho biết, chiếc quan tài được làm từ thân cây khoét rỗng, bên trong quan tài, ngoài xương cốt ra còn có hơn 100 hiện vật tùy táng khác.
Cách ngày nay hàng nghìn năm, người Việt cổ đã sử dụng phổ biến hình thức xử lý xác người mới qua đời bằng cách thổ táng (đưa người chết vào quan tài gỗ và chôn trong đất). Tiêu biểu cho táng thức này là chiếc quan tài hình thuyền được tìm thấy ở khu mộ cổ Việt Khê (Hải Phòng) vào năm 1961.
Theo quan niệm của người xưa, con thuyền quan tài sẽ chở người quá cố sang “thế giới bên kia”, sau giấc ngủ dài họ có thể sử dụng các vật dụng chôn theo. Có thể nói, thổ táng đã trở thành táng thức truyền thống của người Việt. Trải qua từng thời kỳ, vật liệu xây dựng cũng được thay đổi cho phù hợp.
Khu vực phát hiện nhiều ngôi mộ cổ
Vào những ngày cuối tháng giêng năm 1994, khi giải tỏa mặt bằng xóm Cải thuộc phường 8, quận 5, TP.HCM, đơn vị thi công đã giải tỏa nhiều ngôi mộ tại khu vực này. Đó là khu vực rộng gần 5 ha, nằm trong khu vực bao gồm các con đường như: Hùng Vương, Ngô Quyền, Phước Hưng và Nguyễn Trãi. Mục đích để xây dựng khu dân cư mới.
Trong quá trình xử lý những ngôi mộ cổ còn tồn tại ở khu vực này, các nhà khảo cổ đã phát hiện một ngôi mộ hợp chất song táng, xác ướp nằm trong quan tài còn nguyên vẹn. Tiến hành từng bước và tìm được xác trong “thân cây”, các nhà khảo cổ vô cùng... bất ngờ. Đó là một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, cao 1,52 m được bó nhiều lớp vải nằm trong dung dịch màu nâu đỏ, dung tích khoảng 0,87m3.
Ngôi mộ chôn xác ướp có quy mô khá lớn với cổng, vòng thành bao quanh, có sân thờ và gò mộ kiểu một căn nhà. Toàn bộ được xây bằng hỗn hợp vật liệu như: vôi sống, mật đường mía, nước nhớt dây tơ hồng, một ít than hoạt tính, cát... tạo thành hợp chất khá rắn chắc. Vòng thành mộ hình chữ nhật, dài 10m, ngang 6m, cao 1,2m, dày 0,8m. Còn cổng tam quan trang trí mặt tròn, có búp sen trên đầu cột. Cổng được xây dựng có mái vòm cong, lót giả ngói ống được trang trí bằng hình rồng. Điều này cũng cho thấy sự khác biệt giữa ngôi mộ được khai quật và nhiều ngôi mộ khác đang tồn tại ở đây.
Xác ướp nằm trong huyệt mộ, là xác ướp nữ
Cũng theo tài liệu ghi lại, sân thờ là khoảng đất rộng 6m, ngang 4m, giữa có bệ thờ chân quỳ. Đến gò mộ là một khối hợp chất lớn dài 3,6m, rộng 3m, cao 3,2m, bao gồm 2 phần: Phần trước và phần sau trang trí hoa văn như cổng, mỗi bên hông đều vẽ một mặt tròn lớn. Chữ trên bia bị mòn, còn sót lại 3 chữ Hán, dịch ra là “Kỷ Tỵ Niên”.
Khi phá gò mộ thành bình địa, đơn vị thi công phát hiện thêm 2 huyệt mộ. Huyệt mộ nam dài 2,3m, rộng 0,8m, sâu 1,56m, từ miệng huyệt xuống đáy được xây bằng lớp hợp chất, có một lớp cát mỏng phủ lên quách gỗ... Trong khi đó, quách và quan tài vẫn còn nguyên lớp sơn màu đen, bên trong quan tài còn sót lại ít xương và một số hiện vật. Trong đó có bút lông, quạt giấy, 7 chiếc nhẫn vàng có mặt đá... Điều này cho thấy người nam là một văn nhân (!?)
Ẩn số chờ giải mã
Điều đáng ngạc nhiên, bất ngờ cho giới khảo cổ nói riêng và những ai quan tâm đến ngôi mộ kỳ bí này đó chính là xác ướp nằm trong huyệt mộ, là xác ướp nữ. Theo đó, khi khai quật huyệt mộ người đàn bà, bên trong quan tài có 2 chiếc chiếu, trải rộng, che phủ hết mặt áo quan. Kế đến là lớp giấy bản trải đều diện tích mặt quan tài. Tiếp theo là một tấm lá triệu bằng lụa viết nhiều chữ Hán, song chỉ còn đọc được 4 chữ, khi dịch ra có nghĩa là “Hoàng Gia cung liệm”.
Cuối cùng là một lớp vải bó tròn, thắt 9 nút cũng trải đều trên diện tích mặt áo quan. Thi hài người phụ nữ được cuốn bằng lụa và gấm, hai bàn chân đi hài bằng vải bố thêu kim tuyến và một đôi hài khác để bên. Theo các nhà khoa học, tóc của bà còn đen nhưng nhãn cầu và sụn mũi đã bị hủy hoại, da còn mềm có màu tái xám, áo quần được may bằng lụa và gấm có khuy bằng mã não và kim loại mạ vàng.
Về trang sức, người phụ nữ này đeo trên cổ một chuỗi hạt bồ đề, một túi nhỏ bằng gấm bên trong có phong bì đựng 3 tờ giấy viết bằng chữ Hán. Mỗi tay đeo một vòng bằng vàng. Dưới bọc xác là một lớp nhựa thông dày và dưới cùng là một tấm gỗ đục nhưng toàn bộ đều tẩm dung dịch ướp. Khi đem xác này đến đại học Y dược TP.HCM để nghiên cứu thì các nhà khoa học cho biết, các cơ bắp đã teo, phủ tạng đã bị hủy hoại chỉ còn lại các mô liên kết.
Đặt bên cạnh chân là 1 đôi hài vàng được đục 7 lỗ theo chòm sao Đại Hùng tinh Bắc Đẩu rất giống với những ngôi mộ cổ của bậc cung phi, hoàng thân vua chúa từng được khai quật ở khu vực phía Bắc. Theo quan niệm của đạo Lão, Đại Hùng tinh Bắc Đẩu sẽ bảo vệ vong linh người đã chết thoát khỏi các tai ương của “đời sống dưới cõi âm”.
Căn cứ ban đầu có thể tạm xác định, người nằm trong thân gỗ, khoét rỗng này là Trần Thị Hiệu, pháp danh Minh Trường
Một cán bộ bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM cho biết: “Căn cứ ban đầu có thể tạm xác định, người nằm trong thân gỗ, khoét rỗng này là Trần Thị Hiệu, pháp danh Minh Trường. Có thể bà thuộc Hoàng gia triều Nguyễn, là dâu hoặc bên ngoại của các chúa, vua triều Nguyễn. Năm mất của bà là năm Kỷ Tỵ, 1869 hoặc năm 1809?”.
Hiện đang có ý kiến cho rằng, bà Hiệu không có chồng và đi tu từ sớm. Vì thế, ngôi mộ của người đàn bà này vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, khi khai quật, đoàn khảo cổ đã phát hiện mộ yểm, đó thường là tùy tùng, cung nữ hay binh lính được chôn theo để bảo vệ chủ nhân.
“Qua phát hiện khảo cổ về ngôi mộ có thể thấy đây là xác được ướp nhằm kéo dài thời gian để tổ chức ma chay. Việc xác còn tồn tại đến ngày nay là trường hợp hi hữu cần sự nghiên cứu liên ngành để hiểu rõ hơn, giúp ích cho các ngành khoa học liên quan”, TS. Phạm Hữu Công, nguyên Phó giám đốc bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM nói.
Tiếp tục bảo quản bằng hóa chất hiện đại Hiện nay, xác ướp người đàn bà này được đặt (nằm trong lồng kính) trong một gian riêng, với thiết kế mô phỏng như ngôi mộ trên thực địa. Để xác ướp được tồn tại lâu bền, hiện nay, bảo tàng vẫn bảo quản xác ướp này theo định kỳ với các loại hóa chất chuyên dụng. |