Sau nhiều lần bị chồng hành hạ, người phụ nữ đã phải ôm hai đứa con trốn khỏi nhà trong đêm để mong muốn tìm được sự giải thoát cho bản thân và những đứa con của mình.
Kiểu bạo hành 'quái chiêu' của những ông chồng có học
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng bạo lực trong gia đình chỉ xảy ra ở những người nghèo khó hay những gia đình có chồng nghiện rượu. Thế nhưng, đó lại là suy nghĩ sai lầm bởi không ít những người vợ phải cam chịu những đòn tra tấn hàng ngày từ các ông chồng không hề nghiện rượu, thậm chí họ còn là những người có học thức.
Bà Phạm Thị Hương Giang – GĐ Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - nơi thường xuyên đón các nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình) cho biết, qua thực tế những trường hợp đến tạm trú, tạm lánh tại trung tâm có thể thấy rằng những người lấy lý do bạo hành là vì uống rượu thực ra chỉ là “ngụy biện”. Vì khi không uống rượu, họ vẫn thường xuyên bạo hành vợ, con mình.
Bà Giang dẫn chứng một trường hợp cụ thể, đó là cặp vợ chồng đều có học thức cao khi cả hai đều có học vị tiến sỹ. Người chồng này thường xuyên tra khảo, đánh đập vợ dưới nhiều hình thức, thậm chí hành hạ vợ trước cả mặt các con.
Nhiều người vợ phải chịu cả bạo lực về thể xác lẫn tinh thần từ những người chồng có học thức. (Ảnh minh họa)
Không chỉ hành hạ ngoài thân xác, người chồng còn hành hạ bằng các đòn tâm lý với những kiểu chửi “chơi chữ” làm tổn thương đến người phụ nữ. Tuy bị hành hạ thường xuyên, nhưng để giữ thể diện gia đình, mỗi lần như vậy người vợ lại nhẫn nhịn. Chính điều đó khiến cho người chồng ngày càng lên nước và dở thêm nhiều quái chiêu để hành hạ vợ.
Cho đến khi không thể chịu đựng được, người vợ đã dẫn con bỏ đi trong đêm và tìm đến Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. “Khi đến đây, chỉ cần tiếp xúc với hai đứa trẻ, chúng tôi đã có thể nhận định được tình trạng bạo lực diễn ra như thế nào. Đứa bé thì luôn ngồi thu mình một góc, không tiếp xúc với những người xung quanh, còn đứa lớn thì ngỗ ngược, luôn bắt nạt bạn cùng trang lứa và cho mình quyền được đánh người khác.
Từ hành động của những đứa trẻ, chúng tôi nhận định, hai đứa trẻ đã phải chịu và chứng kiến những màn bạo hành từ rất lâu, lâu đến mức nó đã hằn sâu vào tâm trí”, bà Giang cho biết.
'Mềm nắn, rắn buông' với những người có học
Không chỉ trường hợp trên, bà Giang dẫn chứng thêm một trường hợp bạo hành “có một không 2” của những ông chồng “quái chiêu”. Đó là trường hợp của chị H. ở Hà Nội.
Theo đó, chị H. là công chức nhà nước, có khuôn mặt xinh xắn, thân hình dễ nhìn. Chính vì thế, chồng chị hay ghen tuông vô lối và bất kể lúc nào cũng có thể hành hạ vợ chỉ vì nghi ngờ một vấn đề gì đó.
Không ít ông chồng nắm rất rõ việc bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật nhưng họ vẫn làm vì họ cho mình được quyền làm vậy. (Ảnh minh họa)
“Ông chồng này mỗi ngày chỉ đưa cho vợ 50.000 tiền tiêu trong ngày. Không chỉ có vậy, anh ta còn đo ki lô mét trên đồng hồ xe máy của vợ, tính quãng đường từ nhà đến cơ quan. Nếu hôm nào vợ đi vượt quá cây số quy định là sẽ bị những màn tra tấn không thương tiếc. Thậm chí, nếu sáng vợ đi làm mặc quần, đi dép màu này, nhưng chiều về thấy dùng đồ màu khác, người chồng cũng “nổi cơn thịnh nộ” bằng những đòn tra tấn lên thân xác người vợ”, bà Giang kể lại.
Qua những trường hợp trên, bà Giang khẳng định, bạo lực gia đình nguyên nhân không phải do nghèo đói, do rượu chè mà đó là do tư tưởng “ấu trĩ” còn tồn tại trong xã hội Việt Nam. Đó là người chồng luôn cho rằng mình có quyền tự quyết, luôn có quyền tối thượng, thậm chí luôn cho mình quyền được hành hạ người khác.
Qua quá trình tiếp xúc và làm việc với những người có học thức bạo hành vợ, bản thân bà Giang cũng như những cán bộ ở trung tâm gặp không ít khó khăn. “Họ có đủ am hiểu và hiểu biết, thậm chí họ còn hiểu về luật để vặn vẹo lại mình. Khi đó, chúng tôi phải “mền nắn, rắn buôn”, phân tích cả về tình về lý cho cả hai vợ chồng hiểu ra vấn đề”, bà Giang cho hay.