Kinh nghiệm của các nước đối phó với bạo lực học đường

Ngày 19/03/2015 14:32 PM (GMT+7)

Trong khi đề xuất đuổi học các học sinh đánh bạn ở Trà Vinh đang khiến dư luận tranh cãi thì tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, từ lâu vẫn tồn tại các hình thức kỷ luật như đình chỉ học tập, đuổi học khi học sinh phạm lỗi.

Tuy nhiên, ở các nước này đi kèm với kỷ luật là hệ thống hỗ trợ học sinh trong trường rất bài bản để kịp thời phát hiện ra mâu thuẫn giữa các học sinh hoặc những rối loạn về tâm lý của từng cá nhân.

Anh: Đuổi học có thời hạn là biện pháp cuối cùng

Khi phạm vào một trong các hành động bạo lực như đánh nhau hay mang vũ khí tới trường, hầu hết các học sinh Anh sẽ phải nhận hình phạt là “lao động công ích” như làu chùi lớp, dọn thùng rác, cạo các vết kẹo cao su dưới sàn, trồng cỏ trong sân trường, dọn bàn ăn cho lớp trong bữa trưa...

Kinh nghiệm của các nước đối phó với bạo lực học đường - 1

Đuổi học là hình phạt cuối cùng dành cho các học sinh gây bạo lực học đường. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nếu các học sinh này tiếp tục mắc lỗi hay không có biểu hiện thay đổi, thì một hình phạt cao hơn sẽ được áp dụng cho chúng: Cấm túc - tức phạt ở lại trường sau giờ học hoặc vào ngày cuối tuần để hoàn thành bài tập thêm.

Khi hình phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe thì một biện pháp mạnh hơn nữa sẽ được áp dụng cho chúng đó là đình chỉ học. Việc đình chỉ học ở Anh diễn ra dưới hai hình thức: Trong trường và ngoài trường. Đình chỉ trong trường là học sinh vẫn phải đến trường và ngồi trong một lớp trống.

Đình chỉ ngoài trường là học sinh không được đến trường nhưng vẫn phải hoàn thành các bài tập và không được chấm điểm. Tại một số trường ở Anh, học sinh bị đình chỉ học vẫn phải đến trường vào ngày nghỉ.

Tuy nhiên, nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp trên nhưng học sinh vi phạm vẫn không có dấu hiệu sửa đổi hoặc tiếp tục phạm lỗi và gây nên hậu quả nghiêm trọng như đánh bạn gây thương tích nặng, hung hãn thì biện pháp cuối cùng là đuổi học cũng được áp dụng.

Việc đuổi học thường có thời hạn từ 5 ngày đến 1 năm tùy vào mức độ phạm lỗi của học sinh. Ở Anh, nếu đuổi học có thời hạn trên 6 ngày thì nhà trường phải có trách nhiệm tư vấn, cung cấp cho phụ huynh, học sinh các hình thức giáo dục thay thế để học sinh vẫn tiếp tục được duy trì việc học, chỉ có điều là không ở trong lớp học thông thường.

Tại Anh, hiệu trưởng có quyền đuổi học học sinh nhưng phụ  huynh có quyền kháng cáo lên cơ quan giáo dục địa phương.

Mỹ: Đề cao việc “đánh giá mối đe dọa”  

Trong suốt những năm 1990, khi bạo lực học đường dâng cao tại Mỹ, các nhà giáo dục nước này đã buộc phải áp dụng chính sách “Không Khoan Dung”, nghĩa là đuổi học tất cả học sinh có mang các loại thuốc, ma tuý, thuốc lá, vũ khí hay đánh bạn...

Thời gian bị đuổi học tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của vũ khí và có thể lên tới 1 năm. Chính sách này sau đó bị chỉ trích gắt gao vì không mang lại hiệu quả trong việc làm giảm tỉ lệ bạo lực học đường.   

Vì lẽ đó nên các nhà giáo dục Mỹ đã ít áp dụng chính sách này mà thay vào đó bằng phương pháp “đánh giá mối đe dọa” dành cho các học sinh có nguy cơ gây ra bạo lực học đường. Chính sách giáo dục mới bao gồm nhiều cấp độ: Cấp độ thứ nhất là hội nhập toàn thể các em học sinh lại với nhau thông qua việc tạo ra môi trường thân thiện và ngăn ngừa mọi biểu hiện có thể là nguồn gốc của bạo lực.

Tiếp đến là quan tâm sâu hơn đối với các học sinh có vấn đề bằng cách thiết kế chương trình tư vấn cho các em, chẳng hạn chương trình “check in, check out” (kiểm tra đầu vào và đầu ra) mà theo đó, mỗi buổi sáng các em phải trình cho giáo viên kế hoạch trong ngày, cuối ngày phải tổng kết cho giáo viên có trách nhiệm.

Cấp độ thứ ba là thiết kế các giải pháp ngăn ngừa mầm mống của bạo lực học đường. Có nhiều trường tại Mỹ thay vì buộc học sinh thôi học ba ngày thì họ buộc các em vi phạm phải ở trường 12 giờ mỗi ngày, trong đó phải tranh luận và giải thích hành vi bạo lực của mình với giáo viên cũng như bạn học cho đến khi nhận ra mình sai như thế nào.

Ba Lan: Không phản ánh bạo lực, giáo viên bị phạt tù

Ba Lan không phải là nước có tỉ lệ bạo lực học đường quá cao. Tuy vậy, từ năm 2006, bộ Giáo dục nước này đã công bố các biện pháp mạnh để ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường. Theo đó, hiệu trưởng có quyền gửi các học sinh hung hãn hay đánh bạn, hoặc những học sinh từng gây tổn thương nghiêm trọng cho bạn tới các trung tâm để buộc lao động công ích. Và bố mẹ những trẻ vi phạm này có thể cũng chịu phạt.

Thậm chí, giáo viên không phản ánh các vụ bạo lực ở trường có thể phải đối mặt với án tù... Đối với hình thức kỷ luật đình chỉ học tập, học sinh sẽ được theo dõi sát sao trong thời gian bị đình chỉ và có giờ sinh hoạt định kỳ với giáo viên phụ trách kỷ luật hoặc tâm lý để giúp các em ổn định tâm lý, sửa chữa hành vi và hòa nhập tốt với môi trường khi quay lại học.      

Theo Đào Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạo lực học đường