Bị đau bụng, rồi ngất xỉu tại nơi làm việc, nhiều người nghĩ chị A. bị ngộ độc thực phẩm, nhưng khi đến bệnh viện các bác sĩ cho biết chị bị xoắn buồng trứng nguy kịch.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tiếp nhận trường hợp chị Huỳnh Mỹ A., 26 tuổi, ngụ tại quận 1 nhập viện trong tình trạng ngất xỉu tại nơi làm việc vì đau bụng.
Được biết, chị A. đau bụng trước đó vài tiếng và được đồng nghiệp cùng cơ quan chăm sóc, mua thuốc trị đau bụng uống kèm nhưng không thuyên giảm. Đến buổi trưa cùng ngày, chị A. ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu.
Qua thăm khám và thực hiện nhanh các cận lâm sàng, BS CKI. Nguyễn Viết Hậu – Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết chị A. bị xoắn buồng trứng phải mổ cấp cứu. Khi biết tin đó, các chị em đồng nghiệp của chị A. không khỏi bàng hoàng, vì trước đó ai cũng tưởng chị bị rối loạn tiêu hóa sau bữa tiệc cơ quan tối hôm trước.
BS. Hậu cho biết thêm, chị A. rất may mắn vì được đưa đến bệnh viện không quá trễ. Nếu không, chị phải chịu một cuộc phẫu thuật lớn hơn vì xoắn buồng trứng để lâu sẽ hoại tử gây nhiễm trùng, nhiễm độc nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Bác sĩ Hậu đang thăm khám cho bệnh nhân.
Theo BS Hậu, thông thường khi bị đau bụng cấp, nhiều người thườnng nghĩ đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng kinh... Tuy nhiên, không ít các trường hợp với triệu chứng đau bụng tương tự lại nằm trong các tình huống bệnh nguy hiểm như thai ngoài tử cung, xoắn buồng trứng, xuất huyết nang buồng trứng,…
“Các bệnh lý này nếu không cấp cứu kịp thời thì không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng, khi thời gian cứu chữa được tính bằng giờ, bằng phút.
Tâm lý chị em phụ nữ thường ngại đến bệnh viện vì bận công việc và gia đình, nên khi có triệu chứng đau bụng thường uống các loại thuốc tự mua tại nhà thuốc mà không được bác sĩ kê đơn”, BS Hậu cho hay.
Về căn bệnh xoắn buồng trứng, BS Hậu cho rằng, bệnh thường xảy ra trên buồng trứng có u từ trước (u nang, u đặc buồng trứng…), đặc biệt là các khối u có cuống dài, nhưng cũng có thể xảy ra ngay cả trên buồng trứng bình thường. Vì thế việc khám tầm soát định kỳ là vô cùng quan trọng.
Cùng quan điểm trên, ThS BS. Nguyễn Thị Tố Thư – Khoa Phụ Sản (BV Đại học Y dược TPHCM), cho biết phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có chu kỳ kinh nguyệt đều có thể bị xoắn buồng trứng.
Triệu chứng thường gặp là người bệnh sẽ xuất hiện cơn đau quặn bụng vùng hạ vị, đau không giảm khi dùng thuốc giảm đau, giai đoạn sau đau liên tục, sốt, buồn nôn.
“Để phát hiện sớm bệnh, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đi khám định kỳ 6 tháng/lần có kèm siêu âm và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Người bệnh có tiền căn bị căn bị xoắn buồng trứng khi có biểu hiện đau quặn bụng vùng hạ vị phải đi khám ngay”, BS Thư khuyến cáo.