Một thời gian dài, ông Đây ngẫu nhiên mơ thấy một giấc mơ lặp đi lặp lại. Trong giấc mơ ấy, ông được một vị “Tiên ông” xuất hiện mách bảo: Dưới khu đất xung quanh miếu cổ Tân Long (xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) có rất nhiều vàng.
Mang chuyện giấc mơ kể lại cho người bạn thân, ông Đây được bạn động viên: “Có lẽ thấy cuộc sống mình khó khăn, “Tiên ông” thương cảm nên về giúp đỡ chăng?”. Với niềm tin huyễn hoặc ấy, cả hai hì hục xới tung cả khu vườn để tìm vàng.
Kho báu trong mơ
Hai nhân vật chính trong câu chuyện xới vườn tìm vàng một thời gây xôn xao dư luận là ông Nguyễn Văn Đây (58 tuổi, ấp 1) và Nguyễn Văn Thìn (55 tuổi, ấp 2) cùng ngụ xã Thạnh Phú (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Gia cảnh ông Đây vốn nghèo khó nhất nhì xóm, “ăn bữa nay lo bữa mai”. Từ nhỏ, ông đã không được ăn học đầy đủ. Sau này lấy vợ, sinh con, ông cũng chỉ biết an phận với mấy công ruộng và vườn cây ăn trái. Cuộc sống nghèo mạt sẽ cứ thế êm trôi nếu không có một ngày, ông Đây mơ thấy giấc mơ kỳ lạ. Theo đó, mỗi đêm chợp mắt, ông lại thấy một vị “Tiên ông” râu tóc bạc phơ, vận đồ trắng toát, chống gậy gỗ màu vàng. Sau khi chào hỏi, “Tiên ông” chỉ cho ông Đây biết mảnh đất xung quanh khu miếu Tân Long (sát vườn nhà ông Đây – PV) chôn giấu rất nhiều vàng. Giấc mơ lạ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người nông dân nghèo không khỏi bồn chồn. Nhưng mang chuyện kể lại cho người thân, ông chỉ nhận được thái độ thờ ơ và những lời chế nhạo.
Ngán ngẩm, ông Đây bèn tìm gặp ông Thìn (vốn là người bạn thân – PV) để dốc bầu tâm sự. Ở địa phương, ông Thìn vốn là người đầu óc không bình thường. Sau khi nghe bạn kể về giấc mơ lạ, ông Thìn tiếp lời: “Chẳng riêng gì ông, tôi cũng được “cõi trên” báo mộng y hệt như vậy”. Bất ngờ trước thông tin này, ông Đây càng tin dưới nền đất xung quanh ngôi miếu có vàng. Ước mơ đổi đời bùng lên, ông Đây thì thụt bàn với bạn kế hoạch đào kho báu. Nghe bạn nói, ông Thìn lên ngay ý tưởng: ““Tiên ông” chỉ vị trí giấu vàng là khu đất xung quanh miếu Tân Long, cụ thể là một gốc nhãn lớn. Vậy thì trước hết, mình phải khảo sát khu vực này đã”. Liên tiếp mấy ngày, hai người đàn ông hì hục đi tìm gốc nhãn lớn nhưng không có kết quả. Xung quanh miếu Tân Long có đến 20 hộ dân sinh sống, mà hộ nào cũng trồng nhãn lâu năm, rễ bám chằng chịt. Suy đi tính lại, ông Đây bèn rủ bạn đi tìm thầy bói nhờ “tham mưu”.
Vườn nhãn ông Đây và ông Thìn từng đào bới tìm vàng
Nhận tiền của hai người đàn ông ảo tưởng, thầy bói “phán”: “Kho báu này đã được chôn giấu từ ngàn xưa, khi vùng này còn là biển cả mênh mông. Lúc ấy, một thuyền buôn của nước ngoài đi đến đây giao thương thì không may bị bão nhấn chìm”. Nghe thầy bói khẳng định chắc nịch, ông Đây sốt sắng: “Có phải thuyền chở rất nhiều vàng không?”. Đáp lại, thầy bói gật đầu ngay: “Đúng! Ngoài vàng thì con tàu còn chở một lượng châu báu vô cùng lớn. Sau hàng trăm năm, đất bồi lớp lớp, biển rút đi mới thành làng xóm như ngày nay. Vậy hai người cứ về đào hố sâu 4-5m, khoảng cách kể từ tâm miếu cổ ra là 7m, nhằm hướng Tây thì sẽ chạm được kho báu”.
Chỉ thấy… vàng mắt
Từ nhà thầy bói về, ông Đây dẫn bạn tới nhà cha và em ruột sống sát miếu Tân Long xin đào đất tìm vàng. Ngày đầu tiên, hai người đàn ông nghe lời thầy bói cứ nhắm hướng Tây của khu miếu mà đào. Tuy nhiên do diện tích quá rộng, đôi bạn đào đến chùn chân, mỏi gối mới được cái hố to bằng miệng chum. Nghĩ nát nước, hai người đành trở về nhà, mang chuyện thầy bói “phán” kể cho họ hàng. Họ còn hứa hẹn nếu đào được kho báu sẽ chia phần hậu hĩnh cho những người tham gia tìm kiếm. Ngay hôm sau, một đoàn hàng chục người tay xẻng, tay cuốc chia nhau đào những hố rải rác khắp vườn.
Hàng chục hố đất đào ngổn ngang nhưng vàng vẫn chưa thấy xuất hiện. Khi những người họ hàng chán nản bỏ về đi làm, hai người đàn ông “khát vàng” phải ngồi tính lại “chiến lược”. Cả hai thống nhất sẽ về vay mượn thêm tiền thuê nhân công từ các địa phương lân cận để đào bới. Khoản chi phí, mỗi người sẽ chịu một nửa. Có thêm nhân lực, việc đào bới tiến triển hơn hẳn. Ngày qua ngày, những hố đất sâu hoắm xuất hiện lỗ chỗ trong khu vườn. Từ chỗ chỉ đào hướng Tây theo lời “Tiên ông”, họ cho đào sang hướng Đông, hướng Bắc rồi cả hướng Nam nhưng cũng chẳng thấy bóng dáng kho báu.
Khu miếu Tân Long
Đào hết vườn của cha, ông Đây lại điều động nhân công sang khu đất của em trai. Chẳng mấy chốc, khu vườn này cũng tan hoang. Không thấy vàng bạc, ông Đây lại phán đoán: “Có thể, kho báu nằm ở mảnh đất nhà hàng xóm (nhà ông Nguyễn Văn Bé Cư, 58 tuổi – PV). Để đưa được nhân công vào vườn nhà hàng xóm đào bới, ông Đây đã thương lượng, hứa hẹn sẽ trả 2 triệu đồng/m2 đất bị đào xới. Thấy khoản tiền hấp dẫn, gia chủ chấp thuận. Thỏa thuận xong xuôi, ông Đây lại huy động công nhân tràn sang. Ngày cũng như đêm, tiếng cuốc thuổng, tiếng người chuyện trò, hô hoán huyên náo một vùng. Nghe tin đồn về hai người nông dân xã Thạnh Phú tìm kho báu, hàng trăm người từ các vùng lân cận đã đổ về xem. Rồi không biết từ đâu, xuất hiện tin đồn ông Đây tìm được vàng, có cục nặng tới cả ký.
Trên thực tế, đôi bạn chạy theo giấc mơ kho báu không tìm thấy, dù chỉ một phân vàng. Gần một tháng đào bới, chi phí bỏ ra đã đội lên con số khổng lồ. Chỉ tính riêng tiền lương hàng ngày trả công nhân, ông Đây, ông Thìn đã phải tốn vài triệu đồng. Mỗi mét vuông đất bị xới lên, chủ đất cũng tính phí 2 triệu đồng, chưa kể tiền bồi thường cây trái, hoa màu. Những người dân nơi đây tiết lộ: Ông đây và ông Thìn đã phải vay hàng trăm triệu đồng để chi trả và duy trì cuộc đào báo kho vàng. Với những người đồng ý cho vay, họ đều hứa hẹn khi đào được vàng sẽ chia phần thỏa đáng.
Cuộc đào bới vô vọng ấy sẽ vẫn tiếp tục, nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính quyền. Hai “nhân vật chính” vẫn một mực khẳng định dưới nền đất xung quanh miếu cổ có vàng. Nhưng hỏi đến bằng chứng, thứ họ đưa ra lại là… một giấc mơ và lời “phán” vô căn cứ của thầy bói. Không chấp nhận những “bằng chứng” này, lực lượng chức năng đã buộc hai ông phải chấm dứt việc đào bới. Câu chuyện tìm vàng hóa “vàng mắt” của hai người đàn ông miệt vườn đã kết thúc đầy bi hài như vậy.
Chính quyền chặn đứng giấc mộng hão huyền Nhắc lại câu chuyện tìm vàng của hai người dân trong xã, ông Phạm Văn Tám (Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú) cho biết: “Lúc phát hiện ra sự việc, chúng tôi đã cử cán bộ xuống tận nơi lập biên bản, yêu cầu ông Đây và ông Thìn dừng ngay mọi hành vi xâm hại cảnh quan quanh di tích. Lúc ấy, hai ông này đang đào tại mảnh đất của người thân và nói dối là đào giếng lấy nước dùng. Khi diện tích đào rộng hơn, chúng tôi đã có văn bản cấm đào mở rộng ra xung quanh nhưng họ vẫn phớt lờ. Để lập lại trật tự, xã phải cử dân quân xuống lập biên bản và cưỡng chế chấm dứt đào vàng”. |