Sở hữu chiều cao khổng lồ, người phụ nữ này đã trải qua một cuộc đời bi kịch khi trở thành tâm điểm mua vui cho thiên hạ và cuối đời ra đi trong cô độc.
Lúc mới chào đời, Sandy Allen cũng có ngoại hình như bao em bé bình thường khác. Tuy nhiên, ngay sau khi sinh, Sandy bé nhỏ đã bị mẹ bỏ mặc cho bà ngoại là bà Warfield chăm nuôi. Không ai biết bố của cô bé là ai. Vậy là từ nhỏ, Sandy chỉ nhận được tình yêu thương của bà trong khi mẹ ruột rất dửng dưng.
Theo thời gian, Sandy lớn dần và chiều cao của cô bé bắt đầu gây chú ý. Đến lớp 5, cô bé đã cao 1,9 m và lên đến năm nhất đại học, chiều cao của cô gái trẻ là 2,15 m. Bà ngoại Sandy đã phải cố gắng rất nhiều để cháu gái có quần áo mặc và giày để đi vì kích thước cơ thể của cô quá khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Chiếc giường dài 2,4 m được kê trong phòng ăn dành riêng cho cô gái.
Với chiều cao ngoại cỡ, Sandy thường xuyên bị bạn bè trêu chọc hoặc phớt lờ. Do đó, cô có rất ít bạn. Các huấn luyện viên ở trường ban đầu nghĩ cô gái này có thể chơi cho đội bóng rổ nhưng thực tế Sandy lại không giỏi thể thao. Xương chân của Sandy đã phát triển quá nhanh khiến cô phải làm phẫu thuật để có thể đi lại. Chính điều này về sau đã khiến cô khập khiễng.
Sau khi tốt nghiệp, Sandy làm thư ký tại một công ty dầu mỏ, sau đó vào làm cho Cục xe Cơ giới Indianapolis, bang Indiana, Mỹ. Lần thứ 3 chuyển việc, cô tới làm thư ký cho văn phòng thú y tiểu bang. Ở đó, vào năm 1974, một số đồng nghiệp muốn biết chiều cao thực của Sandy. Sau đó, họ đã gửi con số này đến Kỷ lục Guinness ở London. Tổ chức cho biết cô cao hơn bất cứ phụ nữ nào họ ghi vào sách kỷ lục nhưng cần phải được chuyên gia y tế xác minh. Sandy lên chiếc xe khó kiếm của mình và đến gặp bác sĩ gia đình. Tại đây, số đo chiều cao của cô được xác nhận. Tên và hình ảnh của cô đã được in trong ấn bản của sách Kỷ lục Guinness năm 1976.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí địa phương ngay sau khi được công nhận là người phụ nữ cao nhất thế giới, Sandy rất hào hứng chia sẻ: "Khi còn là học sinh năm nhất trung học, tôi nhận được rất nhiều bình phẩm về chiều cao của mình, đặc biệt là từ các bạn nam. Điều đó khiến tôi rất buồn. Nhưng giờ đây tôi đã trở thành người phụ nữ cao nhất thế giới, tôi sẽ sống công khai với tất cả những gì mình có. Tôi thực sự thích như bây giờ. Đó là lý do mà dù tôi có cao thêm vài inch nữa thì cũng chẳng có vấn đề gì".
Từ đó, cuộc sống của Sandy thay đổi hẳn. Từ một nhân viên văn phòng bình thường, cô bắt đầu được mời tham gia trả lời phỏng vấn báo chí, trở thành diễn giả, thậm chí còn được mời đóng phim.
Sau một chuyến đi châu Âu, Sandy trở về và đến gặp bác sĩ nội tiết. Tại đây, cô gái mới ngoài 20 tuổi lần đầu tiên được nghe về căn bệnh acromegaly (to đầu chi). Đây là căn bệnh hiếm do dư thừa hormone tăng trưởng, thường là do khối u trên tuyến yên. Người mắc bệnh là người trưởng thành, nghĩa là họ đã phát triển hoàn thiện, không cao lên được nữa nhưng sẽ tiếp tục to ra. Răng của người bệnh bị thưa, tay bị căng phình ra.
Khi còn vị thành niên, Sandy đã được đưa đến gặp một bác sĩ chuyên khoa. Người này nói rằng cô cần phẫu thuật não nhưng vì gia đình không có bảo hiểm nên họ đã rời khỏi bệnh viện mà không trở lại. Giờ đây, các bác sĩ nói rằng khối u gần dây thần kinh thị giác cuối cùng sẽ khiến cô bị mù. Tại thời điểm đó, Sandy đã cao 2,31 m.
Lúc đó, nếu Sandy được làm phẫu thuật, cô sẽ là một người cao nhưng sức khỏe hoàn toàn bình thường. Căn bệnh to chi không chỉ ảnh hưởng đến chiều cao mà còn tác động đến tất cả các cơ quan. Người bệnh có thể bị tiểu đường, bướu cổ, gặp các vấn đề về khớp, ngưng thở khi ngủ, thiếu hụt nội tiết tố khác và trầm cảm. Đàn ông sẽ có testosterone thấp, phụ nữ không có kinh nguyệt. Và tất cả những người mắc bệnh này đều tử vong sớm. Các bác sĩ của Sandy nói cô có thể không sống được đến 30 tuổi.
Sandy sẽ có 2 lựa chọn, một là sống công khai, chấp nhận danh hiệu của mình hoặc sống ẩn giật. Việc được công nhận là người phụ nữ cao nhất thế giới đã giúp Sandy chấp nhận chiều cao của mình và bớt nhút nhát hơn. Thậm chí, cô còn có thể nói đùa về điều đó. Rita Rose, một người bạn của gia đình cho biết: "Nó giống như đã đưa cô ấy ra khỏi vỏ bọc của mình".
Sau khi được ghi vào sách Kỷ lục Guinness, Sandy đã quen biết được nhiều người có chiều cao tương tự như cô và có được cuộc hẹn hò đầu tiên với một người đàn ông ở Illinois cao 2,1 m. Sau đó, đạo diễn Federico Fellini đã chọn cô vào vai Angelina the Giantess trong bộ phim đoạt giải Oscar năm 1976 của ông, "Il Casanova de Federico Fellini". Sandy còn xuất hiện trong bộ phim truyền hình năm 1981 "Side Show" và trong một bộ phim tài liệu Canada-Mỹ, "Being Different".
Trong những năm 1980, Sandy từng làm việc vài năm tại Bảo tàng Kỷ lục Thế giới Guinness ở Canada. Tại đây, cô bước ra từ sau tấm màn và bắt đầu buổi diễn thuyết của mình trước công chúng. "Xin chào, tất cả các bạn là những người thấp bé. Hôm nay các bạn thế nào? Tên tôi là Sandy Allen và tôi là người phụ nữ cao nhất còn sống trên thế giới", cô sẽ mở màn như vậy. Sandy đã kiếm sống, mua được nhà bằng những buổi biểu diễn như thế.
Thế nhưng sau 8 năm làm việc tại đây, những câu hỏi lặp đi lặp lại, những lời nói, hành động gây tổn thương dần in hằn trong tâm trí Sandy. Cô tự nhận thấy đó là những buổi biểu diễn quái đản nên cuối cùng quyết định xin thôi việc và trở về Mỹ.
Khi bước vào tuổi trung niên, Sandy đã phải ngồi xe lăn vì đôi chân và lưng không còn đủ sức chống đỡ chiều cao khủng của cô nữa. Sau một thời gian, bà phải nằm liệt giường vì mất chức năng vận động. Đến năm 53 tuổi, Sandy phải nhập viện vì nhiễm trùng máu tái phát, tiểu đường, khó thở và suy thận. Cuối cùng, bà qua đời tại trung tâm hưu trí Shelbyville, bang Indiana vào ngày 13/8/2008.
Từ sau lần hẹn hò đầu tiên nói trên cho đến khi qua đời, bà Sandy chưa từng trải qua mối tình nào hay kết hôn. Người phụ nữ cao nhất thế giới cuối cùng ra đi trong đơn độc. Cho đến nay, vẫn chưa ai vượt qua được kỷ lục chiều cao của bà là 2,32 m.