Bi kịch phía sau những vụ giận chồng ép con cùng chết

Ngày 23/09/2014 00:02 AM (GMT+7)

Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, cứ 40 giây trên thế giới lại có 1 người chết vì tự tử. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục vụ vợ giận chồng nên ép con cùng chết.

 Điều này không chỉ là kết quả của những khủng hoảng cá nhân mà đang dóng lên hồi chuông báo động về đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đẩy họ vào bế tắc.

Dư luận mấy ngày gần đây lại xôn xao về vụ nữ y tá Lê Thị H.M (sinh năm 1986) ôm con trai 2 tuổi nhảy sông Lô tự tử ngày 1.9. Lúc bấy giờ, trong bụng M còn có cái thai 3 tháng. Như vậy, một mẹ - hai con đã bỏ mạng vì mâu thuẫn gia đình. Nhắn tin vĩnh biệt vẫn bị thờ ơSau sự việc trên, nhiều người trong gia đình đã lên tiếng trên báo chí phân trần, giải thích. Em gái của chị M thì cho rằng chị mình đã bị mẹ chồng hành hạ, đối xử tệ bạc trong khi chồng lại nghe theo, đến khi vợ chồng ra ở riêng thì chồng sáng đến ở với vợ, tối lại về ngủ với mẹ. Người mẹ chồng cũng lớn tiếng phân trần “chúng tôi cây ngay mà lại bị bẻ cong xuống đất”, cho rằng mình không đối xử tệ với con dâu.  

Bi kịch phía sau những vụ giận chồng ép con cùng chết - 1

Hai mẹ con chị M khi còn sống. (Ảnh: Internet)

Đáng nói, người chồng cho biết, trước khi vợ nhảy sông, anh đã nhận được tin nhắn vĩnh biệt của vợ nhưng đang đi đường nên không nhắn lại.  Anh S cũng cho biết:  Mỗi lần vợ chồng giận nhau, vợ đều nhắn tin nhiều và liên tục, đọc không kịp nên có lúc bận anh cũng kệ, không xem. Và nhiều lần vợ đã nhắn tin vĩnh biệt nhưng chỉ bỏ đi đến nhà mẹ, nhà bạn, sau đó lại tự về hoặc anh tìm về nên anh nghĩ câu vĩnh biệt tức là bế con bỏ đi đâu đó. “Còn việc vợ chồng, mẹ con mâu thuẫn thì đã 2 năm nay rồi, cả xóm, cả trên quê cũng biết nhưng chung quy lại cũng chỉ là chuyện ăn ở lặt vặt” – anh này chia sẻ. 

“Nếu như người chồng hiểu rằng, ngay từ những ngày đầu tiên khi nhận được những tin nhắn buồn khổ, bực bội, thậm chí là vĩnh biệt của vợ là “điềm báo” của những uất ức, mệt mỏi cùng cực của vợ, có giải pháp để cùng tháo gỡ cho cô ấy thì có thể đã không dẫn đến kết thúc đau thương như vậy” – bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết. 

Theo bác sĩ Cương, những người tự tử rất ít khi bột phát mà thường ấp ủ dự định từ rất lâu. Mâu thuẫn gia đình kéo dài, vô vọng đã đẩy người phụ nữ vào ngõ cùng trong tâm trí, khiến họ mệt mỏi, chán sống. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn được sống, bằng chứng là tìm cách “vùng vẫy”, tìm một cơ hội sống cho mình như bỏ đi, dọa tự tử, nói chia tay… Người vợ đã hy vọng người chồng sẽ nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề, sự thống khổ của vợ, để cùng chia sẻ và tìm cách tháo gỡ. Nhưng đáng tiếc, người chồng lại không hiểu được những tín hiệu “kêu cứu” đấy của vợ. Cũng không hẳn người chồng tàn nhẫn mà chỉ là anh ta cũng không có kiến thức để nhận định được sự trầm cảm, bức bách của vợ đang cần được giúp đỡ, nếu không sẽ có hậu quả nghiêm trọng. 

Còn cuối tháng 6, tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã diễn ra vụ việc gần tương tự. Giận chồng cờ bạc, trăng hoa, sau nhiều lần khuyên giải chồng không được, chị Trần Thị H (24 tuổi) mua xăng, tới lô cao su gần nhà, điện thoại cho chồng, dọa sẽ chết cùng con gái 2 tuổi nếu chồng không thay đổi tính nết. Tuy nhiên, người chồng cũng không tin, lạnh lùng nhắn tin lại: “Cô muốn làm gì thì làm”. Và ngọn lửa đã bùng lên. Con chết, còn chị H cũng bỏng nặng, tính mạng nguy kịch. Có sống được thì thân thể chị cũng méo mó và phải đối mặt với án “giết con”. 

Từ đầu năm 2014 đến nay cũng đã có chục vụ phụ nữ và trẻ em tự tử. Lý do trực tiếp dẫn đến các vụ tự tử đều không đầu không cuối, chỉ có kết cục thật sự quá phũ phàng. Dư luận đều tập trung lên án những người mẹ dại dột, bạc ác, đã lựa chọn cái chết thì sao không chết một mình mà còn kéo theo con thơ vô tội. 

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), trong số gần 10.500 trường hợp được khảo sát, công bố năm 2010 có tới 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống của mình, 73% đã trải qua cảm giác buồn chán và 7,5% có những hành động làm đau bản thân nhằm thoát khỏi tâm lý căng thẳng; thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi là nhóm có ý nghĩ tự tử cao nhất, nữ có ý nghĩ tự tử cao gấp 2 lần nam. 

Cái giá của sự thờ ơ Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương: Đó thực là là lời kêu cứu khốn cùng, tuyệt vọng của những người phụ nữ khi mà họ không tìm kiếm được sự trợ giúp chia sẻ từ người chồng, gia đình, hàng xóm hay chính quyền. Nỗi đau khổ đã tích tụ lại từ lâu và chỉ cần một lý do hết sức “vớ vẩn” là họ tìm tới cái chết. Nhưng mọi người cần phải nhìn thấy những nguyên nhân sâu xa, những tích tụ dồn nén như tảng băng chìm phía dưới.  

Theo ông Tuấn, nhiều phụ nữ không hẳn muốn giết con để trả thù mà chỉ muốn “đem con đi theo” cho con đỡ khổ nếu như phải sống lay lắt với những ông bố vô tâm, người thân vô tình.

Còn bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) Hà Nội nhận định, khi xã hội đang xảy ra nhiều vụ tự tử liên quan đến phụ nữ và trẻ em thì những người có trách nhiệm cần phải nghiêm túc nhìn nhận và  đưa ra những đánh giá, những can thiệp cần thiết. Theo bà Vân Anh, những người phải tìm đến cái chết hầu hết là do đời sống kinh tế quá khổ, bị bí bách vì công việc, mệt mỏi về thể chất, tuyệt vọng về mặt tâm thần. Trong khi đó, những người xung quanh (bao gồm cả người thân, bạn bè, chính quyền) đều thờ ơ, không thấu hiểu và kịp thời giúp đỡ họ.

Bi kịch phía sau những vụ giận chồng ép con cùng chết - 2

Sông Lô, nơi chị H.M bồng con nhảy sông tự vẫn.

“Người dân hoàn toàn thiếu kiến thức về sức khỏe tâm thần nên không thể hiểu được sự nghiêm trọng của vấn đề. Nếu ai đó đã nghĩ đến tự tử, đã dọa tự tử thì đó thực sự là vấn đề nghiêm túc, đáng lo ngại mà những người xung quanh cần tìm cách xoa dịu, hỗ trợ để họ thoát khỏi khủng hoảng. Mọi người nên để mắt tới người đó để kịp thời ngăn chặn những hành động dại dột. Vì một người đã tự tử hụt thì rất dễ lặp lại sai lầm này” – bà Vân Anh phân tích. Trong khi xã hội ngày càng phức tạp, nhiều người dân chịu áp lực, bị căng thẳng thì các Trung tâm trợ giúp khủng hoảng ở Việt Nam hầu như chưa có, chưa được chính quyền quan tâm. Do đó, người dân không hề có kiến thức, kỹ năng để vượt qua nỗi đau, cú sốc và sự tuyệt vọng. Họ cũng chẳng biết cách can thiệp nếu như bạn bè hay người nhà có các dấu hiệu trầm cảm, đe dọa tính mạng. Đây là một khoảng trống về chính sách rất cần được quan tâm.

“Nhà nước phải có chiến lược phát triển lâu dài để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. Không chỉ lúc họ điên mới cần “quản lý” mà những người đau khổ cũng cần được trợ giúp.  Có thế mới ngăn chặn được hậu quả đáng tiếc. Cũng không chỉ giúp đỡ tức thời, an ủi, sẻ chia là đủ mà cần có các giải pháp tổng thể. Từ việc chia sẻ, hóa giải bức bối đến giúp đỡ lâu dài, nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần cho họ” - bà Vân Anh nhấn mạnh. 

 Phụ nữ không nên đặt cược toàn bộ giá trị cuộc đời mình vào 1 cá nhân hay 1 sự kiện gì. Để khi người đó đối xử với mình không tốt, sự việc xấu đi mình không bị tuyệt vọng, suy sụp đến mức thấy cuộc đời mình không còn giá trị. Chị em nên xác định, khi một cánh cửa cuộc đời này đóng lại thì sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra. Đồng thời, sống có trách nhiệm với bản thân mình và với sự sống mà mình đã sinh ra - những đứa con” - bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý Hà Nội

Theo Tuấn Kiệt (Dòng đời)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot