“Ở Việt Nam, nhiều người e ngại không phản ánh dù bị quấy rối tình dục bởi họ cho rằng đó cũng một phần là lỗi ở họ”, bà Lisa Wong, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay.
Lần đầu tiên “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được công bố sáng 25.5, tại Hà Nội. Đây là kết quả phối hợp nghiên cứu, xây dựng của của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Nhân dịp này, phóng viên có cuộc trao đổi với bà Lisa Wong, chuyên gia cao cấp của ILO về chống phân biệt đối xử xung quanh vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam.
Bà Lisa Wong, chuyên gia cao cấp của ILO
Thay đổi nhận thức về quấy rối tình dục
Thưa bà, nghiên cứu do Bộ LĐTBXH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012 cho thấy, khó khăn ở Việt Nam trong xử lý quấy rối tình dục là việc nạn nhân không trình báo sự việc do yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc. Vậy, làm sao để khắc phục điều này?
Ở Việt Nam, nhiều người e ngại không phản ánh dù bị quấy rối tình dục bởi họ cho rằng đó cũng một phần là lỗi ở họ. Điều này cần phải được thay đổi, họ cần phải hiểu rằng họ không có lỗi.
Việc thay đổi nhận thức về vấn đề này có thể mất vài tháng hoặc vài năm. Nhưng để thực sự làm được điều đó, cần có các biện pháp nhằm thay đổi nhận thức một cách liên tục, không phải chỉ trong một thời gian ngắn rồi lại thôi.
Nếu việc thay đổi nhận thức được tiến hành từ những thế hệ trẻ hơn, sau này, chúng ta sẽ có được một xã hội với những nhận thức đúng đắn hơn về vấn đề này.
Theo bà quấy rối tình dục tại nơi làm việc ảnh hưởng như thế nào đến người lao động cũng như chủ doanh nghiệp?
Quấy rối tình dục là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền của người lao động, ảnh hưởng xấu tới nhân phẩm và sự an toàn của người lao động. Quấy rối tình dục khiến họ bị stress, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động.
Những hành vi quấy rối tình dục dù chỉ ở mức độ nhẹ, nhưng nếu cứ tích tụ lại sẽ trở thành vấn đề lớn. Chẳng hạn, nếu việc đụng chạm vào người khác mà người ta không mong muốn, hoặc phô bày tranh ảnh khiêu dâm, hoặc những câu nói đùa tục tĩu liên quan đến tình dục, nếu cứ diễn ra thường xuyên, không được giải quyết, đó là một vấn đề nghiêm trọng. Bởi vậy, những hành vì này cần phải được phòng ngừa, giải quyết.
Hành vi quấy rối tình dục ảnh hưởng đến cả người lao động và người sử dụng lao động (Ảnh minh họa: Công Thọ)
Đối với người sử dụng lao động, quấy rối tình dục khiến họ bị giảm lợi nhuận, giảm năng suất lao động. Nếu người lao động vì thế mà có thể thường xuyên vắng mặt, hoặc xin nghỉ việc, gây biến động nhân sự điều đó cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp, gây lãng phí chi phí và công sức đã bỏ ra để đào tạo cho họ.
Chính vì vậy, quấy rối tình dục là vấn đề cần phải được giải quyết đối với cả hai bên, người lao động và người sử dụng lao động.
Người bị quấy rối tình cần làm gì?
Nếu hành vi quấy rối tình dục diễn ra thì người bị quấy rối cần làm gì, thưa bà?
Bộ quy tắc có hướng dẫn cụ thể về việc này. Nếu người lao động cho rằng mình là mục tiêu của hành vi quấy rối tình dục, họ nên thông báo cho người bị cho là thực hiện hành vi quấy rối thông qua lời nói hoặc văn bản rằng hành vi đó là không được mong muốn, xúc phạm và phải dừng ngay.
Nếu người lao động không muốn trao đổi trực tiếp với người bị cho là thực hiện hành vi quấy rối, hoặc nếu việc trao đổi đó không hiệu quả, người lao động đó được khuyến khích báo cáo hành vi này càng sớm càng tốt cho bộ phận có chức năng trong cơ quan.
Ngoài việc báo cáo mối quan ngại về quấy rối tình dục cho bộ phận có chức năng, người lao động có thể lựa chọn giải quyết thông qua các kênh không chính thức gồm hòa giải, trung gian, trao đổi không chính thức, hoặc đề nghị điều tra chính thức.
Một số ý kiến cho rằng Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục sẽ rất khó khả thi vì không có tính pháp lý. Các doanh nghiệp thường không có ưu tiên đối với các quy tắc không mang tính chất bắt buộc của nhà nước. Bà thấy sao?
Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi đã bị nghiêm cấm trong Bộ Luật Lao động 2012. Hiện nay, vấn đề còn lại ở đây là nhanh chóng có được những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã khi có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, việc thực thi luật lại là việc khác. Đó cũng là một vấn đề còn tồn tại đối với Việt Nam.
Về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trước hết, doanh nghiệp cần ý thức được rằng hành vi này ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ, bởi như tôi đã phân tích, nó tạo ra môi trường làm việc thù địch, ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nếu doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường ra các nước khác, vấn đề đảm bảo quyền con người tại nơi làm việc luôn được đề cao.
Vậy nếu họ cứ để tình trạng đó diễn ra, họ sẽ khó có thể vươn ra các thị trường khác, nơi người tiêu dùng càng ngày yêu cầu càng cao về vấn đề này.
Việc xây dựng và áp dụng chính sách phòng chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc hầu như không yêu cầu chi phí về mặt tài chính đối với doanh nghiệp, mà chỉ giúp họ tăng lợi ích mà thôi. Vậy không có lý do gì, doanh nghiệp không nên áp dụng Bộ quy tắc ứng xử. Điều quan trọng là họ cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống quấy rối tại nơi làm việc.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bà Lisa Wong, chuyên gia cao cấp của ILO: Bộ Luật Lao động 2012 đã quy định rõ quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị cấm. Đó là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, trong pháp luật lao động, vẫn thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể về thế nào là quấy rối tình dục, trách nhiệm của các bên cũng như biện pháp xử lý khi hành vi này xảy ra, khiến việc thực thi gặp nhiều khó khăn. Bộ Quy tắc này đưa ra định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hành vi nào không phải là quấy rối, định nghĩa về nơi làm việc, trách nhiệm của các bên là gì, quy trình khiếu nại/tố cáo và cơ chế giải quyết. Với những hướng dẫn cụ thể và thực tế này, hy vọng mọi người sẽ không còn nhầm lẫn về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp cũng sẽ không mất thời gian, công sức để xây dựng chính sách, nội quy phòng chống quấy rối tình dục mà có thể dựa vào mẫu sẵn có, từ đó giúp cho môi trường làm việc lành mạnh, an toàn hơn. |