Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, thay vì điều trị tại bệnh viện gia đình đã đưa bé 4 tuổi về nhà chữa bệnh bằng thuốc nam. Hậu quả là chỉ 2 tháng sau, bệnh nhi suy kiệt da bọc xương, không thở nổi, tiên lượng tử vong gần.
Sợ động dao kéo, nhiều người bỏ điều trị tây y
Mới đây, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, bệnh viện Ung bướu Trung ương đã chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình trước tình trạng bệnh nhân ung thư bỏ bệnh viện về điều trị thuốc nam. Đó là cảm giác "căm hận tột độ đám ông bà lang băm chữa bệnh không có căn cứ khoa học, thương bệnh nhân mù quáng mà tin theo lời đồn thổi, mách bảo truyền miệng, mà bỏ dở điều trị ung thư tại bệnh viện.
Nhân vật trong câu chuyện mà bác sĩ Hương chia sẻ là bệnh nhi 4 tuổi mắc bệnh ung thư nguyên bào thần kinh. Sau khi đưa cháu đến bệnh viện khám và chuẩn bị bước vào giai đoạn điều trị, bất ngờ gia đình quyết định đưa cháu về nhà điều trị thuốc nam của một vị thầy lang.
Kết quả, sau 2 tháng điều trị thuốc nam, khối u to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm không đo được kích thước, bệnh nhi suy kiệt da bọc xương, không thở nổi, tiên lượng tử vong gần.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, gia đình bỏ ra 5 triệu đồng để mua thuốc chữa bệnh cho con, nhưng khi nhận thuốc chính những người trong gia đình cũng không biết đó là thuốc gì mà chỉ biết cách dùng là: xoa bóp, uống và đắp vào khối u.
Tại các cơ sở điều trị ung thư, việc bệnh nhân ung thư bỏ dở điều trị tại bệnh viện về chữa trị bằng thuốc nam không phải hiếm gặp. Điều nguy hiểm là tất cả họ đều rơi vào tình trạng bệnh nặng hơn. Như một trường hợp khác là bác Bùi Thị Hồng Liên (57 tuổi, quê Hòa Bình) mắc bệnh ung thư gan.
Bác Liên hiện đã bị ung thư gan di căn sau khi bỏ điều trị tây y về điều trị đông y.
Chia sẻ với chúng tôi tại phòng trọ ngoài bệnh viện, bác Liên cho biết, trước bác phát hiện bị ung thư gan ở giai đoạn sớm và điều trị được. Nhưng do tin lời đồn là nhiều người bị ung thư sau khi phẫu thuật đã tử vong, nên dù đã được bác sĩ tư vấn điều trị, bác Liên và người nhà xin không điều trị để về nhà uống thuốc nam.
Không ngờ suốt 2 năm điều trị thuốc nam, bệnh không những không thuyên giảm mà tình hình càng trầm trọng hơn, kết quả là bác Liên đã bị ung thư gan di căn sang xương và hiện đang phải điều trị hóa chất.
Đó là một thực tế đang diễn ra đối với không ít trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Theo đó, nhiều người đi đến cơ sở y tế chỉ để khám xem có chính xác là mình mắc ung thư hay không. Khi phát hiện ra bệnh, họ lại từ chối điều trị theo phương pháp tây y với tâm niệm “ung thư đụng dao kéo sẽ chết” và chỉ điều trị thuốc nam.
Tư tưởng đó đã khiến không ít người phải hối hận, thậm chí là trả giá bằng chính sinh mạng của mình hoặc người thân mình.
Bỏ điều trị ung thư bằng tây y là sai lầm
Từ những trường hợp trên, các chuyên gia cho biết, với bệnh nhân ung thư việc bỏ tây y về điều trị theo đông y là việc làm phản khoa học. PGS.TS Trần Văn Thuấn – GĐ bệnh viện Ung bướu Trung ương cho biết, hiện điều trị ung thư có những phương pháp đã được cả thế giới thừa nhận đó là: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị nhằm trúng đích thì tùy bệnh nhân bác sĩ có thể chỉ định có nên điều trị hay không.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo khoa học ung thư Quốc gia lần thứ 18 vừa mới diễn ra ở Hà Nội, GS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, khi mắc ung thư nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì hoàn toàn có thể chữa khỏi.
GS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, ngoài phát hiện sớm, bệnh ung thư cũng phải điều trị đúng phương pháp.
“Nhiều người quan niệm ung thư là án tử, ung thư không được động dao kéo - đó là một sai lầm. Chính vì điều này đã dẫn đến suy nghĩ sai lệch, không điều trị theo các phương pháp khoa học hiện nay là hóa trị, xạ trị, và phẫu thuật. Từ sai lầm đó, nhiều người đã bỏ qua cơ hội vàng trong điều trị ung thư”, GS Hùng cho biết.
Đồng thời, GS Hùng cũng cho biết, một số bài thuốc vị thuốc đông y có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư. Tuy nhiên GS Hùng nhấn mạnh những bài thuốc đó chỉ là hỗ trợ điều trị, chứ không thể chữa khỏi hẳn được căn bệnh.
Cùng quan điểm trên, PGS Đỗ Quốc Hùng (Viện Tim mạch Quốc gia), một người đã từng điều trị thành công ung thư phổi giai đoạn muộn cũng cho rằng các vị thuốc trong đông y sẽ giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường lượng máu nhất là sau những đợt xạ trị, hóa trị. Vì thế, việc kết hợp điều trị ung thư bằng nhưng phương pháp khoa học (của tây y) và dùng đông y để hỗ trợ nâng cao thể trạng là việc nên làm. Tuyệt nhiên không nền bỏ tây y, chỉ điều trị ung thư bằng đông y.