Đau lưng có thể do nhiều nguyên nhân như chấn thương, bệnh lý cơ xương khớp, thoát vị đĩa đệm... Tuy nhiên, bạn cũng cần coi chừng bị ung thư phổi khi bỏ qua dấu hiệu đau lưng?
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS.BS Hoàng Đình Chân – Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, đau lưng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nhưng đây cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh ung thư phổi.
Ung thư phổi có thể gây đau lưng là do khối u chèn ép trực tiếp lên các cấu trúc vùng thắt lưng gây kích thích dây thần kinh đi qua ngực hoặc niêm mạc của phổi.
Đau lưng cũng có thể gây ra bởi sự di căn của bệnh tới xương sống, tuyến thượng thận. Khoảng 35% bệnh nhân ung thư phổi di căn xương có triệu chứng đau lưng.
Đau lưng do ung thư phổi rất dễ nhầm với các bệnh lý khác. Ảnh minh họa
Đau lưng do ung thư phổi có nhiều điểm giống với đau lưng xuất phát từ nguyên nhân khác, đặc biệt là bệnh xương khớp. Đa phần mọi người bỏ qua dấu hiệu này dẫn tới bệnh phát hiện muộn. Đau lưng liên quan đến ung thư phổi thường được ghi nhận là các cơn đau từ phần giữa lưng trở lên. Cùng với đó là các triệu chứng đi kèm như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở hoặc các triệu chứng chung như mệt mỏi hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân. Một khi cơ thể có các dấu hiệu này cần nhanh chóng đi kiểm tra để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Hiện nay tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ngày một nhiều. Để bảo vệ sức khỏe tránh ung thư phổi, mọi người cần lưu ý:
- Không hút thuốc lá: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá. Thuốc lá có chứa khoảng 7.000 hóa chất độc hại.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, không khí ô nhiễm: Nguyên nhân gây ung thư phổi có thể do không khí ô nhiễm, nước thải sinh hoạt và khói bụi thải ra từ xe cộ… để phòng bệnh, khi tham gia giao thông nên đeo khẩu trang.
- Giảm phơi nhiễm hóa chất: Những người phải làm việc trong môi trường độc hại như khai thác mỏ quặng phóng xạ, môi trường rò rỉ hóa chất hoặc sử dụng thuốc trừ sâu… có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc cần phải đặc biệt lưu ý.
- Tập thể dục, ăn uống lành mạnh: Vận động thể dục thể thao thường xuyên có thể hữu ích trong phòng ngừa ung thư phổi. Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều rau xanh và trái cây đặc biệt là những thực phẩm nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành… cung cấp một số loại vitamin và khoáng chất cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ tốt trong việc chống ung thư.
Ngoài ra, mọi người cần thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư chuyên sâu ít nhất mỗi năm một lần. Có nhiều trường hợp đến viện khám sức khỏe được các bác sĩ giúp phát hiện bệnh kịp thời nên đã có thể kéo dài sự sống.