Theo thông tin từ Cụm cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, 14 giờ chiều nay tại một màn hình ở khu vực làm thủ tục hành khách của Hãng hàng không VietJet bỗng xuất hiện nội dung xúc phạm Việt Nam và Philippines; xuyên tạc các nội dung về biển Đông.
Tối 29-7, Cục Hàng không Việt Nam đã phát đi thông báo về sự việc tin tặc tấn công tại một số khu vực quầy làm thủ tục hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Theo cục Hàng không Việt Nam, ngay sau khi xảy ra sự việc, Cục Hàng không Việt Nam và Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc và Cảng vụ hàng không miền Nam cùng các đơn vị có liên quan phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) và Cục An ninh mạng (A68) - Bộ Công an để phối hợp xử lý.
Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chỉ đạo các cảng hàng không, cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát an ninh hàng không. Đặc biệt là các khu vực có màn hình tivi, đồng thời rà soát, kiểm tra các khu vực nhạy cảm, tăng cường các khu vực tập trung đông hành khách nhằm ngăn chặn vụ việc tương tự.
20 giờ: Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Cảng hàng không Đà Nẵng và Phú Bài (Huế) cho biết, sau khi hai cảng Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị tin tặc tấn công, Cục hàng không Việt Nam đã có chỉ đạo để có sự đối phó. Vì vậy, hiện tại hai cảng hàng không này vẫn đảm bảo an toàn.
Bộ Công an vào cuộc điều tra sự cố thông tin tại hai sân bay
Lãnh đạo Cục an ninh mạng (Trung tướng Hoàng Phước Thuận), Bộ Công an cho biết Cục này đang chỉ đạo lực lượng an ninh vào cuộc điều tra sự cố nói trên.
Dữ liệu khách hàng Lotusmiles đã bị hacker đánh cắp?
Thông tin nhóm hacker 1937CN chia sẻ trên mạng. Ảnh: Lâm Thông
Một nguồn tin cho hay có hơn 400.000 dữ liệu của hành khách đi máy bay đã bị hacker thu thập và tung lên mạng. Theo đó, một Facebooker chuyên về bảo mật mạng cho biết trên trang mạng của 1937CN Team đã tung lên mạng dữ liệu file excel hơn 90Mb được thu từ đợt tấn công website Vietnam Airline.
Trước đó, trang chủ của Vietnam Airlines tại địa chỉ https://www.vietnamairlines.com bị thay đổi giao diện và thông tin ghi rõ trang đã bị 1937cN tấn công, đây là nhóm tin tặc đến từ Trung Quốc.
Hình ảnh giao diện trang chủ của Vietnam Airlines bị thay đổi, kèm theo đó là những lời công kích mang nội dung xấu từ nhóm tin tặc 1937cN. Ảnh: TTO
Đến hơn 17 giờ chiều nay 29-7, trang web của Vietnam Airlines đã có thể truy cập lại bình thường.
Hành khách làm thủ tục phải chờ đợi rất lâu. Ảnh: Lê Thoa
Khoảng 18 giờ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết đã nhận được thông tin ban đầu. Theo đó, harker tác động chủ yếu vào màn hình hiển thị của các quầy làm thủ tục.
Tại sân bay Nội Bài, có 10 quầy của VNA bị sự cố. Lực lượng an ninh đang kiểm tra 10 quầy còn lại. Hiện hành khách vẫn phải làm thủ tục bằng tay. Tuy nhiên sự cố không ảnh hưởng tới an toàn bay.
Màn hình tại khu vực làm thủ tục hiện không hoạt động. Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18 giờ 15 phút. Ảnh: LÊ THOA
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực làm thủ tục của hãng Hàng không Vietjet hiện rất nhốn nháo. Anh Thanh ở Bình Chánh về Buôn Mê Thuột cho biết: Hôm nay tôi phải xếp hàng đợi khá lâu. Lúc tới đây tôi được nhân viên thông báo hệ thống bị lỗi nên phải đợi lâu. Tôi được hướng dẫn qua quầy khác cùng mọi người xếp hàng làm thủ tục.
18 giờ 01: Ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh văn phòng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, hiện các màn hình tại sân bay không nhìn thấy gì. Giờ đang sửa chữa có gì chúng tôi sẽ thông tin cho các bạn.
17 giờ 40: Cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, Cục đang phối hợp xử lý nhưng hiện nay chưa thể cung cấp thông tin gì.
Theo một nguồn tin thì Tân Sơn Nhất bị sự cố thông tin 3 lần. Hai lần đầu hacker làm hiện dòng chữ xuyên tạc, lần thứ 3 thì đánh sập hệ thống. Hiện tại, nhân viên đang phải làm thủ tục, xử lý danh sách khách hàng bằng tay.
17:30: tin từ sân bay Nội Bài cho biết sự cố thông tin tại đây nghiêm trọng hơn Tân Sơn Nhất, thông tin sai trái hiển thị ở hầu hết các quầy thủ tục và đã lan sang hệ thống phát thanh.
Thông tin trên lập tức được báo cho lãnh đạo Cảng, cơ quan an ninh và các cơ quan chức năng.
Lãnh đạo Cảng đã quyết định cho che màn hình bị lỗi và tiếp tục làm thủ tục để bảo đảm hoạt động bình thường của sân bay. Tuy nhiên ngay sau đó, nội dung này bị lan sang các màn hình ở các quầy thủ tục của các hãng khác.
Sau 16 giờ, những nội dung này xuất hiện ở một số quầy thủ tục sân bay Nội Bài. Các hãng hàng không được yêu cầu giữ nguyên tình trạng để cơ quan an ninh vào cuộc làm rõ.
17 giờ chiều nay, tình trạng mạng nội bộ bị can thiệp và tình hình trên đã được thông báo đến 21 cảng hàng không trên toàn quốc để có biện pháp ứng phó.Sự cố trên được một lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho biết là "rất nghiêm trọng".
Ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đã nhận được thông tin trên. Hiện chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo với Bộ GTVT.
Nếu bị lộ thông tin, hành khách Vietnam Airline nên làm gì? Theo đó, một Facebooker chuyên về bảo mật mạng cho biết trên trang mạng của 1937CN Team đã tung lên mạng dữ liệu file excel hơn 90 MB được thu từ đợt tấn công website Vietnam Airlines. Vậy hiện nay, những hành khách lo ngại thông tin cá nhân của mình bị lộ cần phải làm gì? Theo một số chuyên gia an ninh mạng, hiện tại, tất cả những thông tin về tài khoản, địa chỉ email và những thông tin đặt vé đi về đều có thể bị lộ một cách công khai. Chính vì thế, hành khách có đăng ký thông tin nên kịp thời thông báo đến hãng hàng không Vietnam Airline để xác nhận thông tin của mình. Mặc khác, hành khách cần đăng nhập ngay vào hệ thống của website vietnamairlines.com để tiến hành thay đổi mật khẩu tài khoản cá nhân của mình. Hiện tại hành khách hoàn toàn không nên quá lo lắng. Chỉ cần làm theo hướng dẫn trên là có thể đảm bảo được tài khoản của mình không bị đánh mất. Một chuyên gia an ninh mạng cho biết: đây chỉ là mở đầu. Người dùng còn phải cảnh giác thay đổi mật khẩu cá nhân ở các hệ thống ngân hàng, các giao dịch thương mai điện tử.... |