Sống trong căn nhà 3 mét vuông gần 30 năm qua, ông Cao đã quen với cảnh sinh hoạt chật hẹp, điều ông lo nhất là đứa con hơn 30 tuổi chưa vợ con gì.
Nhà lơ lửng giữa cầu thang chật hẹp
Trưa một ngày đầu tháng 10, con phố Thuốc Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) dù vừa trải qua một cơn mưa nhưng hoạt động buôn bán vẫn vô cùng sầm uất và nhộn nhịp. Tìm đến ngõ 63, chúng tôi hỏi thăm đến nhà ông Chu Văn Cao (74 tuổi), người dân ở đây chỉ thẳng vào trong con ngõ nhỏ.
Con ngõ tối tăm đó như một địa đạo với nhiều cầu thang, ngách nhỏ cắt ngang nhau. Phải rất khó khăn và nhờ tới một người dẫn đường chúng tôi mới tìm được nơi cần đến. Nơi ở của ông Cao nằm lơ lửng giữa cầu thang, gọi là nhà nhưng thực tế đây chỉ như một chiếc hộp với chiều dài hơn 2 mét và chiều rộng hơn 1 mét.
Nhà ông Cao chỉ khoảng 3m2, nằm lơ lửng giữa cầu thang.
Nhà ông Cao ở tối om, không có cánh cửa. Cất tiếng gọi và dùng đèn điện thoại soi, tiếng một người đàn ông ở phía trong vọng ra. Ánh điện được bật lên, ông Cao đang nghỉ trưa vội vàng bật dậy đon đả mời khách vào nhà.
Căn nhà quá chật, nên khi nói chuyện chúng tôi phải ngồi nghiêng người mới đủ chỗ. Ông Cao cho biết nhà ông có sổ đỏ đàng hoàng và ông có khẩu ở đây chứ không phải đi ở nhờ, ở tạm. Nhưng vì hoàn cảnh nên hai bố con ông phải ở trong căn nhà bé như cái hộp gần 30 năm qua.
Khoảng 30 năm về trước, nhà ông Cao cũng ở trong con ngõ này nhưng nó rộng hơn 10 mét vuông. Do làm ăn thua lỗ, ông phải bán nhà để trả nợ và giữ lại cái gác xép này, cải tạo lại để làm nhà ở.
Ông Cao phải gà trống nuôi con vì vợ ông dứt áo ra đi khi con trai mới 6 tuổi.
Ngày ông vỡ nợ, con trai ông mới lên 6 tuổi, vợ ông cũng dứt áo ra đi, khiến ông phải sống cảnh “gà trống nuôi con”. “Bây giờ con tôi đã 32 tuổi rồi, chưa vợ con gì cả. Cứ đi làm thuê hết tỉnh này rồi sang tỉnh khác, thỉnh thoảng mới về. Mỗi khi về hai bố con phải nằm nghiêng mới ngủ được”, ông Cao nói.
Đặc biệt, những khi con trai về nhà, dù bố con muốn hàn huyên câu chuyện cũng khó vì ngồi lâu thì mỏi chân, mỏi lưng. Vì thế, bố con muốn nói chuyện thì ra quán nước đầu ngõ, những lúc còn lại ông Cao phải tính thời gian đi làm để 2 bố con đỡ phải trùng nhau ở nhà cùng một lúc.
Ngôi nhà mà ông Cao coi là "biệt thự" của cuộc đời vừa được ông trát lại bằng xi măng.
Đồ dùng hàng ngày chỉ là quả chuối và can nước lọc
Nhà chật nên ông Cao không sắm bất kể vật dụng gì, thậm chí điện thắp sáng và tài sản giá trị nhất trong nhà là chiếc quạt điện, muốn dùng cũng phải kéo điện nhờ nhà hàng xóm.
Ngay cả những vật dụng cần thiết nhất như quần áo, ông Cao cũng hạn chế đến mức tối đa. Ông chỉ có 2-3 bộ phòng thân, khi nào mặc hỏng mới mua bộ mới vì sắm nhiều cũng chẳng có chỗ để. Hàng ngày, người đàn ông ở tuổi 70 này phải vệ sinh ở sân tập thể của ngõ, quần áo phải đi phơi nhờ ở sân nhà khác.
Ngồi kể về câu chuyện của cuộc đời, ông Cao không hình dung được đã bao nhiêu năm rồi mình chưa được ăn một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Ông chỉ biết rằng, ngày ông được ăn bữa cơm tự nấu đã cách đây hơn 50 năm trước.
Những đồ dùng hàng ngày của ông Cao rất đơn giản, chỉ là quả chuối mọi người cho và can nước lọc ở góc nhà.
“Tôi học xong cấp 2 là bắt đầu đi làm, kể từ đó cuộc sống cơm đường cháo chợ gắn liền với cuộc đời tôi. Lúc con còn nhỏ, vợ tôi chăm sóc và cũng chủ yếu đi ăn hàng. Đến khi đi học, con tôi ăn cơm tại trường và khi lớn đi làm cháu cũng giống tôi, quanh năm cơm bụi.
Ngày Tết tôi thường đi với bạn đồng niên rồi đến nhà người quen chúc Tết, ở lại ăn linh tinh, cũng chẳng nấu nướng gì”, ông Cao nói.
Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Cao thèm được một bữa cơm gia đình nhưng điều đó có lẽ chẳng bao giờ xảy ra, bởi ông chẳng biết bao giờ con lấy vợ. “May chăng con tôi lấy vợ khi tôi còn sống, thì còn có hy vọng được ăn bữa cơm gia đình. Nhưng chắc còn lâu lắm...”, ông Cao trầm giọng nói.
Trong nhà chiếc quạt điện là tài sản giá trị nhất, nên ông Cao cũng chẳng cần cửa đóng, then cài.
Khổ cũng phải sống lạc quan để quên đi “cái sự đời”
Dù sống trong cảnh thiếu thốn, chật chội song ông Cao luôn có tinh thần lạc quan và sống rất vui vẻ. Với nhiều người khi thấy ông sống trong căn nhà 3m2 ai cũng ngao ngán, nhưng ông nói: “Với tôi đây là biệt thự của cuộc đời. Hoàn cảnh của tôi vẫn còn tốt chán so với nhiều người không có chỗ ở, phải lang thang ngoài đường. Hạnh phúc hay khổ đau là do tự tâm của mỗi người mà ra cả”.
Ngoài những lúc phụ giúp ở quán cafe gần nhà để lấy tiền ăn uống qua ngày, “người bạn” thân thiết nhất của ông là những tờ báo. “Dù cơm không nấu, nhưng tôi không thể một ngày không đọc báo”, ông Cao nói. Bao năm nay ông vẫn giữ thói quen đọc báo giấy mỗi ngày, dù đã hơn 70 tuổi, sống trong con ngõ tối tăm và “biệt thự” rộng chưa đầy 3m2, nhưng mắt ông vẫn tinh, đọc báo không cần đeo kính.
Những lúc con đi vắng, người bạn duy nhất trong căn nhà nhỏ là tờ báo.
Điều ông Cao lo lắng nhất hiện giờ chính là tương lai người con trai duy nhất của mình. Ở cái tuổi mà bạn bè cũng trang lứa đã lập gia đình và có con hết, nhưng con trai ông vẫn nay đây, mai đó.
Ông tâm sự, nhiều lúc cũng cảm thấy mình có lỗi vì không lo được cho con cuộc sống tốt như mọi người. Có lẽ vì sống trong cảnh thiếu thốn mà con trai ông cũng tự ti, ít nói và ngại giao tiếp với mọi người. Điều ông ái ngại nhất là sau này nếu con lấy vợ không biết sẽ xoay xở ra sao trong căn nhà chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3m2 này.
“Cũng muốn con lấy vợ lắm, nhưng nhiều lúc tôi nghĩ con lấy vợ về chẳng nhẽ 3 bố con lại sống chung, ngủ cùng trong nhà này. Con đẻ thì không sao, con dâu chắc nó không chấp nhận điều đó. Có lẽ con tôi cũng nghĩ vậy nên nó chẳng chịu lập gia đình”, ông Cao nói và hướng mắt nhìn ra ngoài cầu thang tối tăm, mù mịt.