Bộ GD&ĐT vừa ra văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT tham mưu với địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp; đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh.
Ngày 21/4, Bộ GD&ĐT ra văn bản về việc tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Được biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn hướng dẫn thực hiện về tăng cường giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh và các Sở GD&ĐT đã tích cực phối hợp với sở, ban ngành liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, tổ chức dạy bơi cho học sinh tiểu học trên địa bàn.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ em, học sinh bị tai nạn thương tích, đuối nước vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương. Đặc biệt, vụ đuối nước nghiêm trọng xảy ra ngày 15/4, tại khu vực sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã làm 9 học sinh trường trung học cơ sở Nghĩa Hà tử vong, gây tổn thất to lớn đối với gia đình, nhà trường và xã hội.
Đưa bơi lội vào chương trình học nhằm hạn chế tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước.
Theo đó, để chủ động phòng, ngừa tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện các nội dung sau đây:
Tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước đến tận giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước trên các phương tiện thông tin; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục các kĩ năng về phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh trong các nhà trường; tổ chức các lớp dạy bơi chính khóa và ngoại khóa nhằm nâng cao kĩ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh.
Tham mưu với địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp; đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh, nhằm hạn chế tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước.
Chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước; khuyến cáo học sinh, không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; sông, suối, thác ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm.
Xây dựng cơ chế phối hợp với ngành Thể dục, thể thao trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao trên địa bàn, trong đó có các bể bơi, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học bơi.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
"Nên đưa môn bơi lội trở thành môn học chính thức trong nhà trường. Mục tiêu của việc dạy bơi là để học sinh làm quen và ứng phó được với môi trường nước. Ở nhiều địa phương, người dân vẫn sinh hoạt bằng nước ao. Cho nên việc xây dựng bể bơi không nhất thiết phải như bể bơi chúng ta vẫn bơi ở thành phố. Mỗi trường hoàn toàn có thể đủ kinh phí để xây một bể bơi lát gạch men, thậm chí không lát gạch mà dùng vữa trát cũng được. Hệ thống nước chỉ cần thiết kế để có thể bơm nước vào, thay ra hàng tuần hoặc hàng tháng. Chúng ta nên hình dung việc dạy bơi như là việc hướng dẫn cho học sinh tắm sông một cách chủ động và có các kỹ năng ứng phó với nước, thay vì ngồi nghĩ ra việc phải có bể bơi tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn nọ. Học sinh ở các vùng quê vẫn tắm sông, thâm chí tắm ao thường xuyên. Về đồng phục bơi, ở các vùng khó khăn, học sinh cũng không nhất thiết phải mặc đồ bơi tiêu chuẩn mới có thể bơi được. Hàng ngàn người trẻ ở nông thôn lớn lên biết bơi có cần bộ quần áo tiêu chuẩn nào đâu! Cho nên vấn đề này cần được tiếp cận dưới góc độ nó là vấn đề khẩn thiết, bắt buộc phải trang bị kỹ năng, kiến thức cho học sinh, chứ đừng tiếp cận dưới góc độ tiêu chuẩn. Nhiều môn thể dục ở các địa phương vẫn dạy theo kiểu này. Thí dụ: Môn điền kinh, học sinh thường chạy quanh một cánh đồng hay một làng chứ lấy đâu ra đường chạy tiêu chuẩn. Hay sân bóng đá, sân bóng chuyền… cũng tương tự". Thầy giáo Phan Văn Kiền, Giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội. |