Sau một loạt ca tử vong ở trẻ sơ sinh khi tiêm vắc xin viêm gan B, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Y tế nên cân nhắc việc lùi lịch tiêm lại cho trẻ, phòng tai biến.
Bộ khẳng định tiêm sớm vì lợi ích của trẻ
Trong khi dư luận cho rằng Bộ Y tế nên đưa ra quyết định dừng tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h đầu sau sinh, để không phải chứng kiến thêm những cái chết oan uổng của trẻ thơ. Tuy nhiên, sau cuộc họp của Hội đồng sử dụng vắc xin và Hội đồng tư vấn đánh giá tai biến sau tiêm chủng tổ chức chiều ngày 24/7, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ quyết định tiêm vắc xin này cho trẻ sơ sinh trong vòng 24h đầu.
Tại sao Bộ vẫn tiếp tục đưa ra quyết định tiêm chủng này? Liệu việc tiêm sớm có thể gây ra những tai biến nặng như ở Quảng Trị hay không? Trả lời những băn khoăn này, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Việc đưa ra quyết định trên đã dựa trên sự cân nhắc giữa lợi ích và thách thức của việc tiêm chủng sớm. Sau khi hội đồng khoa học nhận thấy việc tiêm sớm có lợi cho trẻ nhiều hơn nên đã đưa ra quyết định giữ nguyên lịch tiêm chủng trong vòng 24h đầu sau sinh cho trẻ”.
Phân tích sâu hơn lợi ích này, TS Bình cho biết mũi tiêm 24h đầu đối với trẻ được đặt ra để bảo vệ khoảng 150.000 trẻ có nguy cơ trong số 1,5 triệu trẻ sinh ra hằng năm. Đặc biệt, có khoảng 5-6% trong số trẻ đó thực sự nếu không tiêm, không được bảo vệ sẽ dẫn tới tình trạng viêm gan, sơ gan, ung thư gan trong quãng đời rất ngắn sau đó. Việc tiêm sớm càng đặc biệt có ý nghĩa bảo vệ trẻ của những bà mẹ đang mang virus viêm gan B.
TS Bình cũng chia sẻ, trước khi Bộ Y tế có lịch tiêm cho trẻ trong 24h ngay sau khi sinh thì cũng đã có những hội thảo quốc tế tại Việt Nam và mời các chuyên gia quốc tế, mời đại diện của các nước đã sử dụng việc tiêm vắcxin viêm gan B trong 24h đầu của trẻ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore. Rất nhiều chuyên gia của các nước đã có những trao đổi về mặt khoa học và thấy rằng việc tiêm phải đảm bảo ít nhất trước 12 tiếng thì giá trị của mũi tiêm đó để bảo vệ cho trẻ rất cao. Sau đó, thì cứ càng chậm ngày bao nhiêu thì giá trị của vắcxin đó để bảo vệ cho trẻ ngày càng kém đi. Nên hội đồng hôm qua họp khuyến cáo các bà mẹ nên tiêm cho trẻ sau 24 giờ, tốt nhất là trước 12 tiếng.
Người nhà đau đớn trước cái chết của cháu bé. (Ảnh: Ngọc Trân)
Xét nghiệm viêm gan B 100% sản phụ trước sinh: Không khả thi
Một số chuyên gia cho rằng Bộ Y tế nên tính đến phương án chỉ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh đối với trẻ có nguy cơ cao (mẹ đang mang bệnh viêm gan B). Để thực hiện được phương án này, tất cả các sản phụ sẽ được làm xét nghiệm viêm gan B trước khi sinh, sau đó chỉ những mẹ đang mang bệnh thì con mới được tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h đầu. Những trẻ của mẹ khỏe mạnh, không mang bệnh có thể lùi lịch tiêm lại.
Tuy nhiên, TS Bình cho biết phương án này không khả thi và không thể áp dụng trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, số lượng sản phụ ở Việt Nam rất lớn, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu sản phụ - tương đương với 1,5 triệu lượt người cần làm xét nghiệm viêm gan B. Với số lượng lớn như vậy, các bệnh viện lớn việc làm xét nghiệm rất khó khăn, trong khi đó tuyến sinh dưới như trạm y tế, bệnh viện vùng sâu, vùng xa thì càng khó làm.
Thứ 2 là có một tỷ lệ nhất định các sản phụ đang mang bệnh ở giai đoạn cửa sổ, tức là trong giai đoạn trong người đang mang virus, có khả năng truyền bệnh cho con nhưng xét nghiệm lại không thể phát hiện là đang nhiễm bệnh. Với trường hợp này, nếu chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm để đưa ra quyết định lùi lịch tiêm lại cho trẻ có thể khiến trẻ bị lây bệnh từ mẹ.
“Việc đưa ra quyết định tiếp tục tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24h đầu sau sinh là dựa trên lợi ích của trẻ. Các ca tai biến sau tiêm chủng vừa qua Bộ sẽ sớm tìm ra nguyên nhân và đưa ra kết luận chính thức. Tuy nhiên, tôi mong rằng các bậc cha mẹ đừng vì thế mà không cho trẻ tiêm vắc xin, bởi vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh” nhiều”, TS Bình nói.