Một số vắc xin đang sử dụng tại Việt Nam thuộc thế hệ cũ nên phần nào đã ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và tỷ lệ các phản ứng sau tiêm chủng.
Đây là ý kiến của PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng, Nguyên chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết tại cuộc hội thảo “Sử dụng vắc xin chất lượng, an toàn và hiệu quả” do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố Hà Nội tổ chức ngày 24/7.
PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển cho biết, vắc xin lưu hành ở VN dù sản xuất trong nước hay ngoài nước đều đạt các tiêu chuẩn của VN và quốc tế dành cho sản phẩm. Tuy nhiên, một số vắc xin đang sử dụng tại VN thuộc thế hệ cũ nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và tỷ lệ các phản ứng sau tiêm chủng.
Vị chuyên gia này lấy dẫn chứng ví dụ như vắc xin viêm não Nhật Bản nước ta đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin được sản xuất từ não chuột. Đây là vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không sử dụng. VN đang sử dụng vắc xin bại liệt uống trong khi WHO cũng khuyến cáo nên dùng vắc xin bại liệt tiêm bởi nếu dùng vắc xin theo đường uống, virus bị thải ra ngoài môi trường có thể gây bệnh ngược trở lại cho cộng đồng.
“Điển hình nhất là vắc xin ho gà toàn tế bào. Thời gian vừa qua chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều ca tử vong của các cháu bé khi tiêm vắc xin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Kết luận cuối cùng đưa ra là nguyên nhân tử vong không phải do vắc xin. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng việc vắc xin ho gà toàn tế bào chứa đến hơn 3000 kháng nguyên sẽ không an toàn bằng vắc xin thế hệ mới vô bào chỉ có 3-5 kháng nguyên. Vắc xin thế hệ cũ toàn tế bào không an toàn bằng vắc xin thế hệ mới vô bào nên Hàn Quốc dù là nước sản xuất ra vắc xin Quinvaxem nhưng không sử dụng mà chỉ bán cho các nước, trong đó có VN”, PGS.TS Hiển nói.
Vắc xin Quinvaxem đã tạm ngừng sử dụng tại VN sau khi có nhiều ca tử vong sau tiêm
Trên thực tế việc sử dụng vắc xin thế hệ mới có yếu tố ho gà vô bào tại các điểm tiêm dịch vụ có trả tiền, tỷ lệ trẻ có phản ứng sốt, đau và các phản ứng nặng hơn là rất thấp. Đây cũng là một thiệt thòi và thách thức lớn cho công tác sử dụng vắc xin phòng bệnh. Khi tỷ lệ phản ứng cao sẽ gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng và làm giảm tỷ lệ tiêm chủng, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vắc xin phòng bệnh.
Đầu tư cho tiêm chủng còn quá thấp
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện Việt Nam đầu tư cho công tác tiêm chủng mở rộng còn quá thấp và chưa tương xứng với nhu cầu và hiệu của vắc xin mang lại.
Theo báo cáo của UNICEF và WHO năm 2012 thì ở Việt Nam ngân sách nhà nước chi để mua vắcxin chỉ đạt khoảng 30%, số còn lại là viện trợ.
Trên thế giới đã có 26 bệnh có vắc xin bảo vệ nhưng VN mới có 9 vắc xin phòng bệnh cho trẻ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: bạch hầu, ho gà, uống ván, sởi, bại liệt, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm đường hô hấp do Hib.
Nhiều vắc xin phòng chống bệnh nguy hiểm chưa được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng như vắc xin phế cầu, thủy đậu, rubella, quai bị, cúm mùa, viêm ruột do Rota virus, ung thư cổ tử cung…
Trẻ em VN chưa được sử dụng nhiều vắc xin thế hệ mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Để nâng cao chất lượng tiêm chủng, PGS.TS Hiển đề xuất việc xã hội hóa công tác tiêm chủng như một giải pháp quan trọng. Bởi do nguồn lực có hạn, nhà nước cần coi tiêm chủng dịch vụ có trả tiền là hình thức xã hội hóa tiêm chủng thích hợp và cần thiết để trẻ em được tiêm nhiều vắc xin hơn và vắc xin đến được nhiều người hơn thay vì chỉ coi đây là hình thức kinh doanh như hiện nay.
“Đặc biệt, ngành y tế cần có sự kết nối giữa tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ để kiểm soát được chất lượng, an toàn của dịch vụ và tình hình tiêm chủng trong cộng đồng. Việc xã hội hóa thành công của việc tiêm vắc xin dại từ nhiều năm nay là một ví dụ thành công về xã hội hóa,” ông Hiển phân tích.
Còn theo GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia, để sử dụng vắc xin chất lượng, an toàn và hiệu quả ngay cả với vắc xin thế hệ mới nhập khẩu từ nước ngoài cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
“Nếu vắc xin nhập khẩu không được kiểm soát nhiệt độ tốt trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vắc xin. Năm 2000, Bộ Y tế đã phải ra quyết định hủy bỏ nhiều triệu liều vắc xin DPT (vắc xin phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) do UNICEF tài trợ trị giá gần 700.000 USD do vắc xin bị đông đá trong quá trình vận chuyển. Đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc kiểm soát chất lượng vắc xin nhập khẩu”, GS Bảng chia sẻ.
Theo GS Bảng để giám sát được chất lượng vắc xin nhập khẩu, Việt Nam cần có đơn vị chuyên trách đủ kỹ năng chuyên sâu. “Tuy nhiên trên thực tế Việt Nam chưa đạt được kỹ năng đó, chúng ta chưa thể kiểm soát được chất lượng của tất cả các vắc xin nhập khẩu như vắc xin phối hợp Quinvaxem. Việc xác nhận chất lượng vắc xin nhập khẩu nếu chỉ căn cứ đơn thuần vào soát xét hồ sơ thì không thuyết phục khoa học", GS Bảng nói.