Để vượt qua các con sông ở vùng Meghalaya, dân làng đã nghĩ ra một giải pháp thông minh: Dệt rễ cây sống thành cây cầu đi lại.
Ở phía đông bắc của Ấn Độ, gần biên giới với Bangladesh, bang Meghalaya được phủ xanh bởi những ngọn núi và rừng nhiệt đới tươi tốt. Trong đó có ngôi làng Mawsynram, nơi nhận được trung bình 11,873mm lượng mưa hàng năm. Đây cũng là nơi được cho là ẩm ướt nhất trên trái đất.
Trong khi những cơn mưa mang lại sự sống cho rất nhiều nơi ở đất nước Ấn Độ thì từ lâu đây lại là thách thức với bộ tộc Khasi, những người sống ở nơi sâu nhất trong rừng rậm của Meghalaya. Vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, việc đi lại của người dân rất khó khăn.
Những cơn mưa xối xả khiến con sông hiền hòa trở nên hung dữ hơn. Bộ tộc Khasi đã từng làm những cây cầu tre, gỗ qua suối. Nhưng cuối cùng chúng không trụ nổi và mục nát, khiến người dân bị mắc kẹt vì không có cách nào để đi lại.
Sau đó các trưởng lão của Khasi đã nghĩ ra một giải pháp thông minh khi nhận thấy cái cây và những cái rễ chắc chắn của nó rất thích hợp để băng qua những con sông khác một cách dễ dàng. Và vì vậy họ chỉ cần "trồng" những cây cầu đặc biệt.
Trong rừng có rất nhiều cây cổ thụ. Tuy nhiên những cây cầu rễ sống ở đây chủ yếu được tết từ rễ của cây cao su Ficus. Loại cây này có vô số những rễ phụ từ trên thân và dễ dàng vươn lên đỉnh những tảng đá lớn dọc theo những bờ sông, hoặc thậm chí ở giữa dòng sông. Dân làng đã kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều năm cho đến khi dây leo già và rễ của các cây cổ thụ vươn theo chiều ngang bắc qua sông suối, tạo nên một kết cấu dạng lưới vững chắc giúp người dân qua lại.
Tuy nhiên để một rễ cây cao su phát triển đúng hướng - trên một con sông – người Khasis sử dụng thân cây hạch bổ đôi và làm rỗng, để tạo các hệ thống hướng rễ. Nhờ rễ cây hạch cản bớt gió, những cái rễ mỏng, mềm của cây cao su, sẽ phát triển thẳng ra. Khi chúng chạm đến bên kia bờ sông, chúng sẽ được tự do cắm rễ xuống đất trở lại. Một thời gian đủ dài để cây cầu "sống" này được hoàn thành.
Một số cây cầu dài đến hơn 30 mét và có thể chịu được sức nặng của trên 50 người một lúc. Những cây cầu tự nhiên hiện vẫn liên tục mọc ra và ngày càng trở nên vững chãi theo thời gian và cần từ 10 đến 15 năm để hoàn thiện hoàn toàn. Những cây cầu này không bao giờ đòi hỏi phải bảo dưỡng hoặc xây dựng lại.
Có rất nhiều cầu rễ cây rải rác trên khắp thung lũng rậm rạp của vùng Meghalaya. Một số những cây cầu bén rễ cổ xưa, mà người dân vẫn sử dụng hàng ngày, có thể đã được hơn 500 tuổi. Nhưng là ngoạn mục nhất và có lẽ nổi tiếng nhất là "cầu hai tầng" Umshiang với hơn 180 năm tuổi. Đây được cho là cây cầu có một không hai trên thế giới, thực chất là 2 cây cầu xếp lại với nhau. Nó được tìm thấy ngay bên ngoài ngôi làng nhỏ Nongriat, nơi chỉ có thể đi bộ vào, cách khoảng 10 km về phía nam của thị trấn Cherrapunji.
Khasis theo một nền văn hóa mẫu hệ, nơi người chồng phải chuyển tới ngôi làng của vợ sau khi kết hôn và trẻ em thì mang họ của mẹ. Biron Nongbri là một giáo viên, anh đã chuyển đến Nongriat sau khi kết hôn. Ông nội của vợ anh là một trong những người tham gia tết cây cầu Umshiang.
Ngày nay ở Meghalaya xuất hiện nhiều cây cầu hiện đại hơn.
Ngày nay, thay vì phải mất nhiều năm chờ đợi rễ cây vươn ra thành cầu, người ta sử dụng dây thép và phương pháp xây dựng hiện đại để tạo ra những cây cầu mới ở Meghalaya.
Tuy nhiên những cây cầu rễ sống vẫn là điểm đặc biệt thu hút khách du lịch đến với vùng đất này. Du khách đi theo một con đường mòn trong rừng từ Cherrapunji để đến Nongriat sẽ được khám phá cầy rễ cây Umshiang và Mawsaw trên đường đi. Những cây cầu bằng rễ cây tuy già cỗi nhưng vẫn phục vụ tốt nhu cầu đi lại của mọi người. Hiện nay, người ta vẫn tiếp tục "trồng" thêm những cây cầu mới ở đây để phát triển du lịch.