Cướp lộc ở đền Gióng là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ chứ không phải cướp giật - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết.
Những ngày qua, báo chí ghi lại hình ảnh và đưa tin, trong lễ khai hội đền Gióng, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội đã xảy ra cuộc hỗn chiến tại lễ rước kiệu hoa tre - nghi lễ chính trong lễ hội.
Chiều 3.3, trong cuộc họp giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo - ông Phan Đăng Long cho biết, trong lễ hội Gióng, có tục cướp lộc thánh, cướp giò hoa tre, cướp trầu cau...
Ông Long cho rằng, ông không phủ nhận chuyện nhiều khi cũng xảy ra xô xát trong tục lệ cướp hoa tre, cướp lộc. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, cần phải nói rõ hơn về việc “cướp”. Theo đó, quan niệm của người xưa coi đây là một tục có từ lâu đời để lấy may mắn.
Cuộc hỗn chiến tại lễ rước kiệu hoa tre - nghi lễ chính trong lễ hội Gióng. (Ảnh: Zing).
Ông ví tục “cướp lộc” này giống như tục cướp vợ của người Mông - hai anh chị yêu nhau hẹn nhau rồi đến tối, chàng trai nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn kéo (cướp) cô gái về nhà mình. Do vậy, cướp lộc ở đền Gióng là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ chứ không phải cướp giật.
Cũng theo tục lệ, người ta không được phát lộc vì phát lộc sẽ làm mất ý nghĩa của tục lệ. Bởi cướp lộc có ý nghĩa cho thấy có sự nỗ lực của cá nhân mới có được chứ không phải tự nhiên mà có.
Không phủ nhận đôi khi có xô xát trong phong tục này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khuyến cáo, để các lễ hội văn minh và tốt đẹp hơn, người tham gia lễ hội cần nâng cao ý thức hơn, không nên có hành động sai quy chế, quy tắc lễ hội.Cũng tại cuộc họp, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hà Nội nhắc lại sự việc gần đây nhiều ý kiến có phản ánh tình trạng ẩu đả, đánh nhau trong lễ hội. Tuy nhiên, ông Long cho rằng khi các cơ quan chức năng cũng như Ban tổ chức đã vào cuộc kiểm tra và nhận thấy không hề có tình trạng đánh nhau.
Ví dụ, những hình ảnh như ẩu đả tại đền Gióng; dùng kiệu phá xe ô tô tại làng Giàn (Bắc Từ Liêm)... là những chuyện diễn ra từ các năm trước đây, không phải năm 2015.
Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đa phần lễ hội truyền thống mang dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Trong khi đó, đất nước ta lại đang trong giai đoạn phát triển nên phải nhìn nhận, đánh giá hoạt động của các lễ hội sao cho phù hợp, đúng mức.
Ông Long cho rằng, trong khi bàn về các lễ hội, chưa nói đến việc phản ánh đúng hay không, thì nhiều ý kiến lên tiếng phê phán lễ hội nhưng chưa có cơ sở lý luận, khoa học.
Do vậy, các nhà văn hóa có thể nghiên cứu thêm. Nếu cảm thấy còn có chỗ chưa phù hợp, mọi người có thể đóng góp ý kiến, không nên phê phán lễ hội.