Giữ nguyên thang điểm 10, các trường ĐH xếp phòng và chuyển dữ liệu cho các sở GD-ĐT in giấy báo dự thi, mỗi cụm thi liên tỉnh phải bao gồm ít nhất 2 tỉnh cùng tổ chức… là những điểm quan trọng được công bố tại buổi tọa đàm Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia diễn ra chiều 22.1 tại TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chỉ trì buổi tọa đàm này.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các sở GD-ĐT khu vực phía Nam và các trường ĐH, CĐ đã góp ý “thẳng thắn” với Bộ GD-ĐT về những băn khoăn về kỳ thi quốc gia 2015; đặc biệt là các vấn đề về kỹ thuật, chính sách.
Góp ý tại buổi tọa đàm.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM: “Nếu cụm thi có nhiều tỉnh hoặc địa phương tham gia như TP.HCM, trưởng ban chỉ đạo là lãnh đạo TP.HCM, còn các phó ban chỉ đạo phải đại diện các tỉnh, giám đốc sở GD-ĐT các địa phương. Như vậy ban chỉ đạo cụm thi ở các thành phố quá lớn, có đến vài chục người, việc phân công công việc như thế nào?”.
“Ngoài ra, việc dồn phòng thi, đánh số báo danh thế nào đặc biệt đối với các môn tự chọn để giúp thí sinh và các trường thuận tiện hơn trong khâu tổ chức. Thẻ dự thi cũng phải quy định chi tiết hơn. Một vấn đề khác cần phải quy định rõ hơn, đó là thí sinh tự do đăng ký dự thi ở đâu? Ngoài ba môn bắt buộc, cần phải nói rõ môn tự chọn các em có thể đăng ký để xét tốt nghiệp ngay từ đầu chứ không phải đăng ký thi nhiều môn tự chọn khi có kết quả lấy môn cao nhất xét tốt nghiệp”, ông Nghĩa băn khoăn.
Ngoài vấn đề liên quan đến kỹ thuật, chính sách; nhiều đại diện các sở GD-ĐT và hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ cũng đề xuất giữ lại thang điểm 10, không nên sử dụng thang điểm 20, bởi học sinh vốn quen với thang điểm này.
Được biết, sau khi nghe các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thông qua 10 điểm chốt quan trọng của kỳ thi quốc gia, bao gồm:
1. Kỳ thi THPT quốc gia nằm trong 2 lộ trình đổi mới thi cử và kiểm tra, nhằm thay đổi cách dạy cách học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
2. Về quy chế đây là phương án hình hài cho phương án học sinh học chương trình sách giáo khoa mới (2018) vì vậy đến năm 2016 không đổi, nếu có thay đổi một vài chi tiết; đến năm 2021 mới thay đổi.
3. Về thang điểm thang, bản chất thang điểm 10 hay 20 đều giống nhau. Bộ tiếp thu việc giữ nguyên thang điểm 10 như cũ.
4. Đối với thí sinh tự do đăng ký thi ở đâu cũng được, miễn thuận lợi cho các thí sinh, không bắt buộc phải đăng ký theo nơi cư trú.
5. Về cấu trúc đề thi có câu dễ, câu khó, những câu đa phần các học sinh làm được, có những câu dành cho học sinh giỏi, xuất sắc.
6. Đối với việc không sử dụng atlas trong môn địa lý là chủ trương không bắt các học sinh học thuộc lòng, khuyến khích năng lực thông tin, tổng hợp vì vậy thông tin trên atlas địa lý sẽ được ghi trên đề thi.
7. Về xét tuyển, tất cả các trường đều có quyền xét đợt 1, trường nào thiếu mới xét các đợt tiếp theo. Các trường tuyển vượt chỉ tiêu vài phần trăm cũng có thể chấp nhận được, nếu cố ý tuyển vượt chỉ tiêu thì sẽ kỷ luật.
8. Các trường ĐH xếp phòng và chuyển dữ liệu cho các sở GD-ĐT in giấy báo dự thi.
9. Thời gian công bố quy chế chính thức trong 10 ngày đầu của tháng 2.2015.
10. Về cụm thi, tổ chức thi tỉnh và liên tỉnh. Trong đó, mỗi cụm thi liên tỉnh phải bao gồm ít nhất 2 tỉnh cùng tổ chức. Duy trì tỉnh để giúp thí sinh khó khăn và chỉ muốn xét tốt nghiệp THPT. Cả hai cụm thi đều do các trường ĐH chủ trì.