Ngày 21/5, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã làm rõ lý do khuyến cáo ngưng sử dụng chất paraben và MI có trong mỹ phẩm.
Vừa qua, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ban hành công văn khẩn về việc bổ sung quy định các chất dùng trong mỹ phẩm trong đó quy định cấm 5 dẫn chất Paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) vào danh mục các chất không dùng trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, Hội đồng khoa học châu Âu lại tuyên bố, đến thời điểm hiện tại không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định các dẫn chất paraben bị cấm đó không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép.
Hơn nữa, cũng chưa có báo cáo hoặc cảnh báo nào về tác dụng không an toàn đối với các sản phẩm có chứa các thành phần nêu trên. Mặc dù vậy, để đảm bảo lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, Cộng đồng châu Âu đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, nên quyết định đưa ra quy định thay thế và bổ sung vào các phụ lục trong Hiệp định của EU.
Hội đồng mỹ phẩm ASEAN đã tiến hành rà soát và thống nhất cập nhật các qui định mới về các chất nêu trên từ cộng đồng châu Âu và đưa ra khuyến cáo ngưng sử dụng các chất này để thay thế các chất tối ưu hơn.
Theo lý giải của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, vẫn chưa có bằng chứng chứng minh tác hại của chất paraben với sức khỏe con người. (Ảnh minh họa)
Theo lộ trình, đến năm 2016 mới ngưng sử dụng các chất này, là vì: Các dẫn chất Paraben được sử dụng với vai trò làm chất bảo quản trong mỹ phẩm rất phổ biến (trên 22.000 sản phẩm mỹ phẩm có sử dụng dẫn chất paraben làm chất bảo quản).
Xuất phát từ việc chưa có bằng chứng cụ thể về sự mất an toàn của các sản phẩm và cần thời gian để tìm kiếm, thay thế các hợp chất an toàn hơn, Cộng đồng châu Âu quyết định đưa ra lộ trình để thực hiện khuyến cáo này. Hội đồng mỹ phẩm ASEAN đã thống nhất và cập nhật danh mục các chất dùng trong mỹ phẩm (dựa trên cơ sở bản cập nhật danh mục các chất dùng trong mỹ phẩm của Cộng đồng châu Âu) và cũng thực hiện lộ trình như cộng đồng Châu Âu.
Cục Quản lý Dược cho biết, Việt Nam nằm trong cộng đồng ASEAN, nên khi có quyết định của Cộng đồng Asean, Cục Quản lý Dược đã cập nhật các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó khuyến cáo việc ngưng sử dụng các chất trên và thực hiện lộ trình như Cộng đồng Châu Âu và Cộng đồng ASEAN. Chính vì thế, các sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường tại Cộng đồng châu Âu cũng như tại các nước thành viên ASEAN cho đến khi áp dụng lộ trình mới.
Hoạt chất Methylisothiazolinone (MIT) được dùng với nồng độ tối đa 0,01% trong các sản phẩm mỹ phẩm (không thay đổi so với trước đây), không bị cấm (như thông tin một số báo đã đưa).
Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 được dùng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off product) với nồng độ tối đa 0,0015% (không được dùng trong sản phẩm lưu lại (leave-on product));
Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 không được phép dùng chung với (có thêm) Methylisothiazolinone (MIT) trong cùng một sản phẩm.
Cho đến nay Cộng đồng châu Âu và ASEAN chưa nhận được bằng chứng nào về việc các sản phẩm có chứa 05 dẫn chất Paraben nói trên với hàm lượng quy định không an toàn cho người sử dụng. Chính vì thế, các sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường tại Cộng đồng châu Âu cũng như tại các nước thành viên ASEAN và Việt Nam cho đến khi áp dụng lộ trình mới. |