Những người phụ nữ tìm đến cà phê “cô đơn” đều bước vào cảnh đường cùng. Dẫu biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng đồng tiền để mưu sinh đã đẩy kiếp người của họ dạt trôi. Ấy vậy mà, những phận đời này vẫn gặp phải những vị khách khó chiều...
Đường cùng
Sau chút rụt rè, chị A., chủ quán N.H. ở ấp Rừng Sến (xã Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa, Long An) bắt đầu kể: “Bất cứ người phụ nữ nào bước vào con đường này cũng phải đắn đo nhiều lắm, đường cùng thì phải nhắm mắt làm liều thôi. Phần nhiều những người thích ăn chơi mới phải chọn bán thân xác, cho nên, những kẻ khốn khổ chọn nghề bần hèn để nuôi con như tôi cũng bị đánh đồng.
Quê tôi ở Bình Phước, chỉ có nghề bóc vỏ hạt điều và cạo mủ cao su dành cho những phụ nữ ít học như tôi. Năm 17 tuổi, qua mai mối, tôi lấy chồng. Vài tháng sau ngày cưới, tôi có thai thì vợ chồng trục trặc, tôi phải về nhà mẹ. Tôi sinh được một bé trai thì chồng đến năn nỉ về sống chung. Ở được vài tháng, tôi lại mang bầu. Lần này đến lượt chồng đuổi tôi về nhà mẹ. Không chấp nhận sự tủi nhục, tôi cắt tay tự tử và thề chết ở nhà chồng chứ không về nhà mẹ đẻ”, chị A. kể.
Chị A., chủ quán cà phê N.H. nhắc lại bước đường cùng đẩy mình vào "nghề" thấp hèn.
Đôi mắt đỏ hoe, giọng nghẹn lại, chị bắt đầu lấy ngón tay chà vào đuôi mắt để ngăn nước mắt rơi xuống. Chúng tôi nhìn thấy 2 vết sẹo dài trên cổ tay người phụ nữ có vẻ ngoài mỏng manh. Bất giác, chị ngẩng cao đầu, hít một hơi sâu và kể tiếp: “Bước qua cửa tử, chồng vẫn bỏ tôi đi với vợ mới. Tôi mang hai con về ở với cha mẹ ruột. Tôi làm đủ nghề nhưng không đủ sống. Đất canh tác cứ thu hẹp dần khi con cái mỗi ngày một lớn. Vậy là, tôi quyết định đi xứ khác tìm việc làm, gửi hai con cho bên ngoại chăm sóc. Từ đây, tôi theo phụ quán cà phê và sa vào cạm bẫy”.
Phía sau cánh cửa của cà phê "cô đơn" chỉ có bóng tối, nơi có những phụ nữ "thiêu thân" để mưu sinh.
Chị A. tâm sự: “Làm công việc này, tôi không dám ló mặt ra đường, trừ khi đi chợ mua thức ăn hoặc chạy qua mấy chị bạn cùng cảnh ngộ chơi cho đỡ buồn. Người nhà hỏi làm nghề gì mà tiền bạc ổn định, tôi cười gượng nói làm công nhân và giúp việc nhà. Con cái mà biết chắc tụi nó khổ lắm, nhục lắm”.
Rời quán N.H., tôi ghé vào quán M.H. gần khu công nghiệp Tân Đức, Tân Đô… trên địa bàn huyện Đức Hòa. Chủ quán còn trẻ, không quá xinh đẹp nhưng trắng trẻo, có duyên. Sang quán M.M. gần đó, chúng tôi được tiếp viên ở đây chia sẻ: “Chủ quán cà phê M.H. là sinh viên nên rất kín tiếng. Nó chỉ mát-xa thôi, không từ A đến Z đâu. Nhà nó nghèo lắm, đậu đại học nên phải tìm việc làm thêm. Ban đầu, nó bị lừa vào bán cho một quán cà phê kích dục, chủ ép quá nên phải làm nhưng vẫn cố học hành cho tử tế. Làm ở quán đông người, nó sợ gặp người quen. Được các chị mách nước, nó về Đức Hòa mở quán cà phê bán một mình. Hết năm nay, nó tốt nghiệp, xin được việc làm là bỏ nghề”.
Cũng theo anh N., khách vào quán không uống nước mà chủ quán cũng không có thời gian pha cà phê. Nếu có người đi đường ghé vào mua cà phê, họ sẽ nói “hết rồi”, chỉ có nước ngọt, nước suối. Khi không có khách, họ ngồi ghế bấm điện thoại giết thời gian.
“Tai nạn nghề nghiệp” đắng chát
Chủ quán M.M. trên đường ĐT 830 (xã Hựu Thạnh, Đức Hòa), thổ lộ: “18 tuổi, tôi theo mấy đứa bạn cùng quê Đồng Tháp lên TPHCM làm công nhân. Mới lớn, ngoài giờ làm, tôi thường tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, karaoke, đi bar. Lương công nhân đâu đủ phục vụ mấy cuộc chơi hạng sang, tôi xin làm nhân viên của một quán cà phê “ôm”. Làm cũng được chục năm, thân hình sồ sề, không cạnh tranh nổi với mấy em mới lớn, tôi mượn ít tiền mở quán cà phê “cô đơn””.
Chị đưa tay sửa dây áo đang lấp lửng vòng một, rồi buông lời than thở: “Ngày nào, tôi cũng mở cửa chờ khách từ 11 giờ trưa. Chắc tại tôi già, thân hình kém hấp dẫn nên ế lắm. Ít khách, tôi phải cắn răng chịu trận với mấy ông khách “biến thái” mà mấy cô ở quán khác từ chối. Khách của tôi toàn mấy ông thợ hồ, cuối tuần lãnh lương, nhậu say, lại tấp vào tìm chốn giải khuây. Mấy ông say rượu gàn dở, lèm bèm mà phải cố chiều. Xong chuyện, họ còn đôi co giá cả”.
Ế ẩm, chủ quán cà phê "cô đơn" chủ động vẫy tay mời gọi khách vào "uống nước".
Còn theo chị A., những khu sầm uất nhiều khách như gần khu công nghiệp, quán nhậu… đều bị các em trẻ tuổi, xinh đẹp “trấn giữ”. Những phụ nữ có tuổi hoặc ngoại hình tàn tạ thì tìm đến vùng ven, tuyến đường liên tỉnh… để mở quán. Khách ít một chút nhưng mỗi tháng cũng dư được chút tiền sau khi trả tiền thuê nhà, nước uống, cà phê. Quán thường “đắt show” vào đầu tháng và ế ẩm khi lương công nhân cạn kiệt.
Nghề “ăn bánh trả tiền” hiển nhiên cảm giác họ nhận được chỉ có trái đắng. Những vị khách tử tế đến và đi trong im lặng, còn lắm gã quỵt tiền, bạo dâm khiến chủ cà phê “cô đơn” khiếp đảm. Trước cảnh đắng đót, họ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay cho qua chuyện. Nếu đáp trả, những phụ nữ cô độc này sẽ phải ăn bạt tay, vài cú đấm thất kinh. “Bán buôn mà mặt mày thâm tím thì khách nào chịu vào. Tốt nhất, cứ im lặng đáp ứng, quỵt tiền thì kệ, coi như cúng cô hồn”, chị A. dửng dưng khi nhắc đến “tai nạn nghề nghiệp”.
Một quán cà phê "cô đơn" được bày trí tạm bợ.
“Cà phê “cô đơn” thoải mái hơn các quán cà phê kích dục ở chỗ: khỏe thì làm, có thể chọn khách bằng cách từ chối khéo. Thế nhưng, năm ngoái, vừa thấy một vị khách say rượu bước vào, tôi sợ nên từ chối khéo. Vậy mà, ổng ném thẳng tiền vào mặt và tát tôi 2 cái như trời giáng. Ông ta có định cưỡng bức nhưng tôi nhanh trí lấy cây kéo dọa lại ổng. Bước ra khỏi quán, ông quay vào quán chửi tục và miệt thị tôi. Bà con xung quanh chạy ra xem, tôi xấu hổ phải đóng cửa về quê nửa tháng. Về nhà, cha mẹ hỏi đi làm cái gì mà nghỉ lâu vậy, hết cớ để nói, tôi lại phải đi làm tiếp”, chị H., chủ quán M.H. chia sẻ.
Lo sợ bị nhiễm căn bệnh thế kỷ Chị A., chủ quán cà phê “cô đơn” N.H. trầm tư: “Tiền nhờ khách mới có mà nỗi sợ cũng từ khách mà đến. Những gã khách bặm trợn, thiếu kiến thức thường đòi hỏi quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ an toàn. Đã “vào cuộc”, mình kiếm cớ từ chối thì họ lại đánh đập, cắn răng chịu đựng và tôi chỉ biết cầu trời đừng dính HIV”. |