Quá trình chuyển đổi từ kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường đã tạo nên muôn vàn thay đổi lớn lao và sâu rộng trong kinh tế xã hội nước ta. Trong những ảnh hưởng ấy, có thể nói biến đổi trong từng bữa ăn gia đình là một bức tranh sống động phản ánh những thay đổi mạnh mẽ.
Bữa cơm gia đình hôm nay đã khác
Trước đây, hầu hết các gia đình đều có những bữa ăn chung. Ở nông thôn thì đa số các gia dình chí ít đều có hai bữa sáng và bữa trưa mọi thành viên trong gia đình đều ăn chung một mâm. Ở thành thị, khi mà còn chế độ làm việc theo hai buổi sáng và chiều thì nhiều gia đình còn giữ nếp ăn sáng, trưa và chiều cùng nhau. Kể từ khi chuyển chế dộ làm việc từ hai buổi sang chế độ làm thông tầm và nhất là từ khi kinh tế đổi mới thì cái nếp ăn hai bữa tập trung của từng gia đình đã tự nhiên tan vỡ.
Đề cập về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thế Long - Thư ký Hội ẩm thực Hà Nội phân tích: "Từ chỗ vợ chồng đi làm, con cái đi học đến bữa trưa chỉ có cái cặp lồng cơm đem theo cho đến những cuộc ăn nhậu, chè chén lu bù khiến cho cái nếp ăn chung giữa ông bà, bố mẹ, vợ chồng, con cái đã bị biến đổi không ít thì nhiều. Nhiều gia đình, hầu như ông chồng không có những bữa ăn gia đình. Có khi cả tuần chỉ có một đến hai bữa ăn với vợ con, thậm chí không còn coi cái bếp nhà, bữa cơm nhà là một sinh họat quan trọng của mỗi gia đình. Nhiều gia đình có bếp đấy, cơm đấy nhưng tiện giờ nào người ấy ăn. Chẳng ai đợi ai, chờ ai. Chẳng trò chuyện ấm cúng như thủa nào còn hàn vi nhưng đầm ấm.
Những bữa ăn gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sợi dây liên kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
Cũng do kinh tế thị trường và tất bật trong lối sống hối hả nên nhiều thói quen cơm nước chợ búa trong gia dình cũng bị nhạt nhòa dần mà thay vào đó là những bữa ăn cơm bụi hoặc nhà hàng. Thay vì nấu nướng tại bếp nhà thì kéo nhau đi hàng quán hoặc ăn tạm thứ gì qua loa quýt lúyt cho qua bữa. Ở nhiều gia đình, cái bếp nhà không còn là nơi hội tụ của sinh họat gia đình mỗi ngày. Con cái cũng không có điều kiện tham gia nấu nướng cùng bố mẹ. Thậm chí nhiều đứa trẻ cả ngày cả đêm chỉ vùi đầu vào sách vở, game và chat chit…, đến tuổi trưởng thành cũng không biết rửa cái bát đôi đũa , không biết so đũa, sới cơm, cất lời mời bố mẹ ông bà trong mâm cơm, nói gì đến nấu nướng món này món nọ".
Trong văn hóa truyền thống, giỗ tết là những dịp trọng đại đối với mọi gia đình Việt. Làm cỗ trong những dịp giỗ tết là hình thức ôn lại cái tập quán, cái kĩ năng nấu nướng các món ăn cổ truyền , thực hiện các nghi lễ ẩm thực trang trọng của mỗi gia đình… Thế nhưng đã có nhiều gia đình chuyển các sinh họat này thành hình thức kéo nhau ra nhà hàng nhận nhẹt, chẳng còn cơ hội để gìn giữ lại các nề nếp lễ nghi truyền thống. Nếu cái đà ấy ngày càng phát triển thì mối nguy nhiều phong tục tập quán trong các bữa ăn mang tính lễ lạt trong các đại gia đình cũng sẽ bị tiêu biến trong một ngày không xa.
Kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều bếp gia đình buộc phải tan vỡ. Do sinh kế, rất nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình của nhiều hộ nông dân nghèo phải chia năm sẻ bảy. Có nhiều phụ nữ và nam giới phải tha hương đi kiếm sống ở các đô thị với đủ mọi nghề nghiệp khác nhau. Từ làm công chức, nhân viên trong các công sở, đạp xe thồ, chạy xe ôm, đi thu nhặt phế liệu, rửa bát thuê cho các nhà hàng, buôn bán rong vỉa hè hay làm “oshin” cho các gia đình khá giả…
Nhiều phụ nữ vài tháng, thậm chí cả năm hay vài năm mới có dịp về quê một lần để xum họp cùng chồng con bố mẹ. Nhiều dứa trẻ chỉ lủi thủi sống với ông bà ở quê vì bố mẹ phải quần quật làm việc nơi xa để kiếm tiền cho con ăn học, nuôi bố mẹ già hết đất canh tác.
Nhiều “bếp ăn gia đình” tan vỡ
Thực tế hiện nay cho thấy, đã có một bộ phận không nhỏ người lao động đã phải từ bỏ gia đình đi lao động xa xứ tận Châu Á, Châu Phi... Từ làm việc trong nhà máy công trường nước người, lênh đênh trên biển khơi xa tít đến làm con hầu kẻ hạ ở xứ người đẵng đẵng nhiều năm trời… Một bộ phận không nhỏ người dân vì miếng cơm manh áo, vì sinh kế mà buộc phải từ giã những bữa cơm gia đình đầm ấm. Phải chấp nhận cảnh “tan đàn sẻ nghé” để kiếm đồng tiền bát gạo nuôi con cái, nuôi chồng, vợ, bố mẹ già với hi vọng đổi đời đầy rủi ro, mong manh khi về già…
Nhận xét về ý nghĩa của bữa cơm gia đình, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình - Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng: "Bữa cơm gia đình là sinh họat bình thường của từng gia đình là cái cầu nối của hạnh phúc. Cơm nhà nhu cầu tối thiểu của cuộc sống con người nhưng một bộ phận lớn người dân Việt ta hiện không có được cái hạnh phúc bình thường ấy kể cả người giàu hay kẻ nghèo. Những đứa trẻ lớn lên trong cảnh thiếu thốn sự chăm sóc của cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột thịt trong từng bữa ăn giấc ngủ thì dầu rằng ngày nào bữa ăn cũng ê hề thịt cá liệu có được hạnh phúc? Liệu sau này lớn lên chúng sẽ có một tâm hồn bình thường? Liệu chúng có giữ được những giá trị tinh hoa của văn hóa ẩm thực mà gia đình đã truyền lại cho con cháu đời này qua đời khác?"
Vì cuộc sống mưu sinh mà nhiều bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên đã không còn nữa.
"Một lọai hình gia đình mới mà trong những năm gần đây mới được hình thành và đang có chiều hướng phát triển, đó là gia đình của những người vợ lấy chồng xứ người. Hàng vạn cô gái Việt đã lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… theo con đường môi giới, không tình yêu, không tìm hiểu, chẳng cùng ngôn ngữ, phong tục. Các cô gái này về nhà chồng đa phần bị văn hóa quê chồng đồng hóa mà buộc phải đau đớn dứt bỏ mọi phong tục tập quán bản gốc của chính mình.
Họ không có cơ hội để được gìn giữ và phát huy cái bản năng và kĩ năng ẩm thực truyền thống của mình. Họ tuy có gia dình đấy, có vợ chồng, con cái và bố mẹ chồng anh em chồng nhưng rất nhiều trường hợp họ đã bị đối đãi như một kẻ hầu nguời hạ, một thứ nô lệ thể xác, nô lệ tình dục. Ở những trường hợp này làm sao mà có được những bữa ăn “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” mà bao đời nay cha ông ta vẫn ca ngợi được", Tiến sĩ Bình nói.
Tuy nhiên, Nói đi thì phải nói lại, trong thực tế của kinh tế trường, cũng có nhiều gia đình vẫn giữ được cái nếp nhà trong ăn uống. Nhiều phụ nữ do kinh tế và điều kiện khá giả hơn đã có thì giờ và điều kiện tham gia các sinh họat ẩm thực cộng đồng như tham gia các câu lạc bộ ẩm thực, tổ chức giao lưu ẩm thực giữa các gia đình, bè bạn. Nhiều chương trình hướng dẫn bếp núc đã được thực hiện trong nhiều dịp trình diễn và quảng bá trên sách báo, tạp chí chuyên ngành và trên ti vi.
Nhiều phụ nữ và cả nam giới đã thường xuyên vào bếp, chăm lo cho cái bếp của gia đình mình luôn ấm lửa yêu thương. Chăm lo cho các bậc sinh thành được hưởng cơm dẻo canh ngọt và luôn tìm cách cải thiện các món ăn truyền thống và đưa thêm những món ăn hiện đại vào bếp nhà. Nhiều gia đình đã và đang phấn đấu để xây dựng và gìn giữ cái nếp nhà, cái gia phong nghìn đời để lại trong bối cảnh quay cuồng gấp gáp của kinh tế thị trường đến chóng mặt.
Nhưng, để xây dựng một nếp ăn gia đình sao cho hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong thời buổi này cũng vẫn thật khó thay.