Theo Giáo sư Phạm Gia Khải, chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa. Vụ cá chết ở Hà Tĩnh thực sự nguy hiểm, nếu không tìm rõ nguyên nhân thì thế hệ con cháu sẽ oán trách chúng ta.
Dư luận đang hết sức bức xúc về tình trạng cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế có thể gây ra đại dịch cho sức khoẻ người Việt. Là chuyên gia tim mạch hàng đầu, một người đã có hơn 50 năm gắn với nền y học nước nhà, Giáo sư Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Chủ tịch hội Tim mạch Việt Nam đã có những chia sẻ với báo Infonet.vn.
Giáo sư Phạm Gia Khải trao đổi với phóng viên Infonet.vn
Thưa Giáo sư, thời gian vừa qua ông có theo dõi về vụ việc cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh không? Quan điểm của ông như thế nào?
Giáo sư Phạm Gia Khải: Tôi có theo dõi và tôi nghĩ đây thực sự là vụ việc lớn, không chỉ là đơn thuần vài con cá chết. Tôi đồng ý rằng cái ống dẫn nước đạt chuẩn, tuy nhiên tôi nghĩ rằng cái quan trọng là người ta thải ra cái gì?
Các chuyên gia hoá học đã phân tích, nếu đúng là các chất đó thì đây toàn chất độc. Nếu anh dùng chất độc thì anh phải khử đi nhưng đằng này, chúng ta không có ai kiểm nghiệm xem đã khử chưa.
Tôi nghĩ vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người Việt Nam về mặt kinh tế. Không chỉ là không có cá để đánh bắt mà cả miền Bắc Trung Bộ cũng không có khách du lịch. Ai dám tắm nước biển nhiễm độc đến con cua cũng chết?Chúng ta không thể nghèo mà làm giàu bằng mọi cách được. Tôi cho rằng mình không thể biện minh vì nghèo mà phải làm thế được.
Hiện nay người dân khu vực cá chết rất hoang mang vì họ không dám ăn cá, bán cá không có người mua và thực sự đã có người bị ngộ độc vì ăn cá biển chết. Theo giáo sư đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo về sức khoẻ để người dân không ăn cá chết?
Giáo sư Phạm Gia Khải: Tôi nghĩ chúng ta nên cảnh báo, các cơ quan liên quan nên cảnh báo để người dân không ăn cá, cua, tôm chết ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Có điều lạ, tôi thấy có ông lãnh đạo ở Hà Tĩnh bảo người dân cứ ăn cua, cá đi, không sao đâu. Đây là thiếu trách nhiệm, ông chưa ăn mà lại bảo người dân ăn. Có lẽ, người ta muốn xoa dịu dư luận chăng?
Một sự kiện tương tự như hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam từng xảy ra ở vịnh Minamata, Nhật Bản gây ngộ độc thủy ngân cho các cư dân địa phương và gây ra căn bệnh được gọi là bệnh Minamata sau khi ăn một lượng lớn cá và sò trong vùng biển bị ô nhiễm nặng. Giáo sư có “chẩn đoán” về những nguy cơ sức khoẻ cho người dân ở vùng biển có cá chết và ăn hải sản chết như thế này không?Giáo sư Phạm Gia Khải: Câu chuyện ở vịnh Minamata xảy ra cách đây hơn 50 năm ở Nhật Bản, tôi nghĩ nếu chúng ta không tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc thì câu chuyện ở nước ta còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Hiện nay, tôi được biết chúng ta đang cho thuê đất ở Vũng Áng là 70 năm và nếu không tìm rõ nguyên nhân thì con cháu chúng ta không biết sẽ ra sao. Chúng ta sẽ bị chết ngạt bởi chất độc. Những hoá chất đó sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, nhất là hiện nay tình trạng bệnh tật không lây nhiễm như ung thư, tim mạch rất phức tạp.
Trước vụ việc tôm cá chết vì nghi án từ nước thải khu Formosa Hà Tĩnh, đại diện của đơn vị này đã cho rằng chúng ta chỉ có thể lựa chọn một là gang thép, hai là tôm cá. Chúng ta nên chọn gì đây thưa giáo sư ?Giáo sư Phạm Gia Khải: Với cương vị người làm y tế, tôi thấy sức khoẻ của người dân đang bị đe doạ. Tôi nghĩ nhà cầm quyền chúng ta phải làm gì ngay đi, đừng đánh đổi sức khoẻ của đời này và nhiều đời sau.
Tôi thấy người ta vẫn chưa dám kết luận điều gì bởi tất cả mới chỉ là dự đoán. Các chuyên gia hoá học đã vào cuộc phân tích cảnh báo nhưng không thể dồn hết lên họ.
Câu chuyện ở Hà Tĩnh tôi thấy thực sự rất buồn, tôi không thể nào chấp nhận được người ta có thể đánh đổi sức khoẻ hàng triệu con người nhưng rồi vẫn im lặng như thế.
Vâng xin cảm ơn Giáo sư!