Cá chết hàng loạt tại Kỳ Anh: Nhà hàng 'tê liệt', ngư dân lo đói

Ngày 29/04/2016 10:25 AM (GMT+7)

Cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến gần một tháng qua, hàng vạn người dân bám biển ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) rơi vào tình trạng “khóc ròng” vì hết việc. Hệ thống nhà hàng phục vụ hải sản cũng “đứng ngồi không yên”…

Ngư dân dừng đi biển

Tìm đến xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau hơn 20 ngày kể từ khi xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, các hộ dân nơi đây vẫn chưa biết xoay xở ra sao để lo cho cuộc sống của gia đình. Quang cảnh vắng lặng đến lạ thường bao trùm cả dải bờ biển. Những chiếc tàu, thuyền thúng, thuyền nan chuyên khai thác gần bờ được những ngư dân kéo lên bờ đậu san sát vào nhau.

Vừa bế con nhỏ cho vợ tranh thủ ra chợ, anh Nguyễn Minh Hoàng (SN 1991, xóm Hải Thanh, xã Kỳ Lợi) vừa ngồi sửa soạn lại mấy chiếc bóng mực để chuẩn bị cho chuyến ra khơi của mình. Người đàn ông 25 tuổi này cho biết: “Suốt 2 tuần qua, gia đình tôi không còn bám trụ được với nghề đánh bắt cá nữa do lượng cá giảm sút. Cá đánh bắt được về cũng không còn biết bán cho ai nên đành phải chuyển sang nghề bẫy mực mưu sinh qua ngày”.

Cá chết hàng loạt tại Kỳ Anh: Nhà hàng tê liệt, ngư dân lo đói - 1

Các nhà hàng nổi tại cảng Vũng Áng những ngày này hầu như không có khách. Ảnh: Đ.Việt

Theo anh Hoàng, sau khi xuất hiện tình trạng cá biển chết hàng loạt, nhiều hộ dân sống nhờ vào nghề biển ở xã Kỳ Lợi đã phải “treo” thuyền, chờ đợi, trong khi đang là chính vụ đánh bắt. Thời điểm này những năm trước luôn náo nhiệt, tấp nập các con thuyền vào ra từ sáng đến chiều. Nhiều thương lái đến thu mua hải sản. Thế nhưng, nay chỉ còn lác đác vài ba người ra khơi để hành nghề bẫy mực về bán.

Anh Hoàng rầu rĩ: “Sau nhiều chuyến ra khơi đánh bắt cá về nhưng không bán được, tôi đành phải bỏ đi. Do nguồn mực không bị ảnh hưởng nên mấy anh em chuyển sang đi bẫy mực kiếm sống qua ngày nhưng chẳng ăn thua”.

Cũng suốt hơn 2 tuần qua, anh em ông Dương Văn Hiển (trú xã Kỳ Lợi) đã phải ngừng ra khơi ngồi nhà ngóng chờ tin tức. Là một người đã gắn bó với nghề đánh bắt cá ở vùng biển này hơn 30 năm qua nhưng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh cá chết “kinh hoàng” như vậy. “Ruộng vườn không còn nữa, cũng chẳng có việc gì khác ngoài đánh bắt cá nên giờ người dân chỉ biết ở không và chờ đợi. Tình trạng này kéo dài thì chúng tôi không biết sẽ lấy gì để ăn”, ông Hiển than thở.

Cá chết hàng loạt tại Kỳ Anh: Nhà hàng tê liệt, ngư dân lo đói - 2

Anh Mai Xuân Lý đang ngồi đan lưới chờ ngày được trở lại biển.

Tìm đến nhà anh Mai Xuân Lý (30 tuổi, thôn Đông Yên), chúng tôi thấy anh đang ngồi đan lưới trước cửa nhà. Tạm gác lại công việc, anh Lý rót cốc trà mời khách. Anh cho biết, cá chết gây ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi thối theo gió biển thổi vào khu dân cư nồng nặc. Ngoài nghề đánh bắt cá, anh không còn nghề nào khác để kiếm kế sinh nhai nên đang rất lo lắng. “Từ ngày không đi biển, tôi phải vay lãi 5 triệu đồng, với lãi suất 10.000 đồng/ngày để lo sữa cho con nhỏ và mua thức ăn cho cả nhà. Giờ tiền cũng sắp hết mà chưa biết phải vay đâu, sống thế nào?”, anh Lý buồn rầu.

Theo anh Lý, trước kia, mỗi ngày đi biển, anh thu được 500.000 đến 1 triệu đồng, ngày nhiều thì được gần chục triệu đồng. Tuy nhiên, từ ngày cá chết, đi biển cả ngày cũng không được nổi 100.000 đồng mà chi phí xăng dầu, ăn uống đã mất khoảng 400.000 đồng/người.

Nhà hàng hải sản vắng khách

Cá chết hàng loạt tại Kỳ Anh: Nhà hàng tê liệt, ngư dân lo đói - 3

Cảnh đìu hiu tại các bãi biển thuộc huyện Kỳ Anh, đã nhiều ngày nay người dân tại đây không ra biển.

“Khu phố” nhà hàng nổi tại cảng Vũng Áng vốn xưa nay nhộn nhịp, nổi tiếng bởi món mực nhảy và các đồ hải sản, thế nhưng bỗng chốc trở nên đìu hiu, vắng tanh khi thực khách nghi ngại các món đồ hải sản. Tình trạng buôn bán ế ẩm đã khiến gần 20 nhà hàng kinh doanh đồ hải sản tại đây “đứng ngồi không yên”.

Đã gần xế chiều nhưng từ sáng tới giờ, vợ chồng anh Võ Xuân Thọ (chủ nhà hàng Xuân Thọ) vẫn chưa tiếp đón được khách nào tới nhà hàng của mình. Theo anh Thọ, trước đó thì cứ tầm khoảng xế trưa là khách khứa đã bắt đầu ra vào tấp nập. Nhưng suốt 2 tuần qua, thi thoảng mới có vài ba khách lai vãng. Khách tới cũng không ai hỏi han tới các món hải sản vốn nổi tiếng của nhà hàng.

Chủ nhà hàng Xuân Thọ chỉ tay vào lô hàng gồm cá, tôm sú và ghẹ, nói: “Số hàng này được nhập về từ 2 tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa được bán hết do không ai dám ăn các đồ hải sản nữa. Trước đây, trung bình mỗi tháng cửa hàng có thể mang lại doanh thu hơn 50 triệu đồng. Thế nhưng trước tình trạng buôn bán ế ẩm như hiện nay, đành cho 3 nhân viên phục vụ tạm nghỉ việc vì không có khách”.

Anh Thọ than thở: “Bắt đầu vào mùa du lịch mà như thế này thì chắc phải đóng cửa hàng mất thôi. Gần cả tháng trời rồi chúng tôi chỉ còn biết ngồi xem thời sự để cập nhật thông tin về vụ việc này. Chỉ mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, sớm có biện pháp khắc phục để chúng tôi còn có thể tiếp tục làm ăn nữa”.

Đây cũng là thực trạng chung của những nhà hàng khác tại cảng Vũng Áng. Tình trạng cá chết tràn lan mà chưa rõ nguyên nhân cũng đã khiến nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè tại cảng này thiệt hại nghiêm trọng. Trước khi tìm được nguyên nhân và biện pháp xử lý tình trạng này, các hộ nuôi cá lồng bè tại đây cũng đang đứng ngồi không yên.

Đã đề xuất phương án hỗ trợ người dân

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Lê Xuân Vượng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết, xã có khoảng hơn 2.500 hộ dân, trong đó có hơn nửa là đi biển, số còn lại vừa làm biển vừa làm nông. Trong số này, đa phần người dân đều là hộ nghèo và hộ đặc biệt nghèo. “Từ khi cá biển chết hàng loạt, đời sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do xã còn nghèo nên không có kinh phí hỗ trợ người dân. Chúng tôi đã kiểm tra và làm báo cáo gửi lên huyện, tỉnh để xuất phương án hỗ trợ người dân”, ông Vượng nói.

Theo Đ.Việt – P.Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cá chết hàng loạt ở miền Trung