Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, lãnh đạo Bộ GTVT đã thắng thắn trả lời nhiều vấn đề nóng về lĩnh vực giao thông, đặc biệt, là việc các hãng hàng không không trả tiền hành khách khi hoàn vé máy bay.
Thời gian vừa qua, nhiều hành khách phản ánh về việc dù không thể về nhà, vì quê nhà đang bị cách ly, gia đình thuộc diện bị phong toả...vì dịch Covid-19, tuy nhiên, hành khách vẫn bị ép... phải bay. Nếu không bay, thì bỏ vé, không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ hãng hàng không...
Đáng chú ý, dù Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không đổi hoặc hoàn vé cho khách, nhưng một số hãng hàng không đã đưa ra các chính sách khác nhau như đổi vé trong 6 tháng, đổi vé thành voucher nhưng khách hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn vé, đổi vé.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật.
Giải đáp những vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng: "Về việc mua và hoàn, trả vé máy bay của các hãng hàng không đảm bảo quyền lợi của người dân. Đây là hợp đồng dân sự giữa hãng hàng không với hành khách đã được quy định rõ trong các loại vé được hoàn trả hay không hoàn trả. Cơ quan quản lý Nhà nước không quản lý việc này mà chỉ quản lý về giá vé trần của các hãng hàng không đưa ra.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và Cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo các hãng hàng không phải hoàn, trả vé cho người dân theo đúng quy định của hạng vé mà khách đã mua", Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật tiếp thu các câu hỏi từ báo chí và cho biết: "Qua phản ánh của báo chí vừa rồi, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Cục Hàng không rà soát tất cả các trường hợp hoàn, trả vé vừa qua".
Việc hoàn đổi vé máy bay đã được Bộ GTVT chỉ đạo Cục hàng không Việt Nam ra soát.
Cũng tại buổi họp báo, khi được các phóng viên hỏi về việc Bộ GTVT có ban hành quy chế đảm bảo an toàn phòng chống dịch đối với hoạt động vận tải đi lại, hàng hóa?, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay: "Về quy chế hướng dẫn bảo đảm an toàn lưu thông trong phòng chống dịch, về vận chuyển hàng hóa trong 5 lĩnh vực khi có dịch Covid-19 xảy ra, Bộ GTVT đã triển khai quyết liệt Chỉ thị 11 và Chỉ thị 84 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm phòng chống dịch, bảo đảm vận chuyển hàng hóa, bảo đảm an toàn phát triển kinh tế nói chung.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, sau khi xảy ra dịch ở Hải Dương, vận chuyển hàng hóa, bà con đi lại khó khăn, ban đầu do nặng về chống dịch nên chưa chủ động. Sau đó, Thủ tướng đã giao cho Bộ GTVT ban hành quy định hướng dẫn bảo đảm an toàn lưu thông trong phòng chống dịch. Do quy định này liên quan đến nhiều Bộ Y tế, hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế để ra quy chế hướng dẫn và sẽ cố gắng hoàn thành sớm.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản hoả tốc tới các hãng hàng không, về việc giải quyết đối với những hành khách không thể thực hiện chuyến bay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách hỗ trợ chưa linh động từ các hãng hàng không đã khiến khách hàng thiệt thòi.
Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ: Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trong cả nước, khiến nhiều hành khách đã mua vé, nhưng không thể thực hiện được chuyến bay. Điều này, gây thiệt hại cho các hãng hàng không và hành khách - đặc biệt là tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu: Các hãng hàng không khẩn trương thực hiện đổi vé, hoàn vé (tiền mặt hoặc voucher nếu có sự đồng ý của hành khách), kể cả đối với vé có các điều kiện hạn chế (không được đổi ngày/giờ bay, không đổi hành trình, không hoàn vé).
Các điều kiện trên áp dụng đối với hành khách đã mua vé, nhưng không thực hiện được chuyến bay, do ở khu vực bị phong tỏa, cách ly trên các đường bay hãng vẫn khai thác bình thường.
Song, trên thực tế, chính sách của một số hãng vẫn chưa đáp ứng được việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Nhiều khách hàng vẫn chịu thiệt thòi, vì mua vé máy bay giá rẻ với điều kiện không huỷ, không đổi trả.