"Còn vấn đề thưởng Tết thì không có vì doanh nghiệp đang rất khó khăn. Mình thấu hiểu điều đó nên chấp nhận, không phàn nàn gì cả", nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp bày tỏ.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân loại toàn cầu, kinh tế trì trệ, nhiều công ty đóng cửa và hàng nghìn người thất nghiệp. Trong đó, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ phải kể đến hàng không, với hàng triệu việc làm "biến mất" và hàng tỉ USD doanh thu "bốc hơi".
Chiều cuối năm, cùng gặp gỡ và trò chuyện với những người làm trong ngành hàng không để thấu hiểu hơn về sự đổi thay công việc, cuộc sống của họ sau khi COVID-19 bùng phát từ hồi đầu năm 2020.
Đỗ Hoàng Anh (SN 1994, Thái Nguyên) - hiện đang công tác tại bộ phận Check-in (hay còn gọi là Thủ tục viên) của hãng Hàng không Pacific Airline tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội) chia sẻ: "Mình phục vụ các vấn đề về hành khách, hành lý trên các chuyến bay đi và đến do hãng khai thác. Năm qua, công việc ấy và mọi công việc khác liên quan đến ngành hàng không đều bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19.
Đỗ Hoàng Anh hiện đang công tác tại bộ phận Check-in (hay còn gọi là Thủ tục viên) tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Do nhân lực thừa vì số lượng chuyến bay giảm nên nhiều anh chị đồng nghiệp phải nghỉ việc, một số ở lại gắn bó với ngành thì thay nhau nghỉ không lương luân phiên hoặc hoặc làm thêm các việc khác như bán hàng online,... để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Hà Nội. Còn mình may mắn vẫn được đi làm, chỉ có điều thu nhập giảm 1/3 so với trước đó".
Thời gian đầu, Hoàng Anh vô cùng hoang mang, không biết sắp xếp cuộc sống ra sao khi thu nhập giảm sút như vậy. Cô nàng bảo trước thu nhập không gọi là quá cao nhưng đủ để một người độc thân như cô trang trải các chi phí cho bản thân, có một chút tiết kiệm dự phòng nơi thành thị xa hoa.
"Sau thời gian ngắn mất cân bằng cuộc sống, mình đã phải ngồi lại rồi quyết định vạch ra kế hoạch thay đổi tất cả thói quen chi tiêu. Nếu như ngày xưa mình thoải mái mua sắm, ăn uống, hẹn hò bạn bè cà phê thì giờ hạn chế đến mức có thể. Mình còn quyết định chuyển từ Hà Nội về Thái Nguyên sống cùng bố mẹ để tiết kiệm tiền nhà trọ, ăn uống...", cô gái sinh năm 1994 bày tỏ.
Hoàng Anh vô cùng hoang mang, không biết sắp xếp cuộc sống ra sao khi thu nhập giảm sút như vậy.
Mặc dù cuộc sống của Hoàng Anh và đồng nghiệp "xáo trộn" rất nhiều nhưng họ không hề chán nản hay muốn bỏ cuộc. Họ vẫn miệt mài cống hiến cho ngành hàng không Việt Nam bởi ai cũng đều tự hiểu tình hình chung là vậy.
Nhắc đến thưởng Tết Nguyên đán hay tháng lương thứ 13, Hoàng Anh cười: "Năm qua, hãng vẫn có thưởng nhưng rất ít nhằm động viên tinh thần cho nhân viên. Các chế độ nằm trong thỏa thuận hợp đồng người lao động như khám sức khỏe định kì, bảo hiểm xã hội... thì mình vẫn được hưởng quyền lợi tối đa.
Còn vấn đề thưởng Tết thì không có vì doanh nghiệp đang rất khó khăn. Mình thấu hiểu điều đó nên chấp nhận, không phàn nàn gì cả. Mình đã nói với gia đình về chuyện không có thưởng Tết. May mắn, bố mẹ hiểu và động viên mình rất nhiều. Năm mới, mình hi vọng dịch bệnh COVID-19 sẽ dần giảm để ngành hàng không nói riêng và các nghành nghề khác khởi sắc hơn. Khi ấy người lao động sẽ bớt cực khổ, không phải tìm mọi kế sinh nhai".
Mặc dù không có thưởng Tết nhưng Hoàng Anh chấp nhận, không phàn nàn gì cả.
Giống như Hoàng Anh, anh Minh Vũ (SN 1993, Hà Nội) - Tiếp viên trưởng của hãng Hàng không Pacific Airline cho biết, trước dịch, anh bay khoảng 70-80h/tháng. Nhưng khi dịch bùng phát, anh chỉ bay khoảng 30-40/tháng. Đợt cao điểm, bộ phận anh luân phiên nhau nghỉ không lương. "Có lẽ trong các ngành bị ảnh hưởng từ COVID-19, hàng không chịu ảnh hưởng lớn theo 2 góc độ: trực tiếp và ít trực tiếp.
Ở góc độ trực tiếp, chúng tôi là những người lao động tiếp xúc gần với người lạ trong nhiều giờ đồng hồ và có khả năng đưa người nhiễm bệnh từ đất nước này sang quốc gia khác. Ở góc độ ít trực tiếp hơn là tình trạng ế khách dài hạn. Khi ấy thu nhập của chúng tôi giảm sút nghiêm trọng".
Tết này, cô gái Thái Nguyên vẫn phải trực luân phiên cùng các đồng nghiệp.
Cô nàng hi vọng dịch bệnh COVID-19 sẽ dần giảm để ngành hàng không nói riêng và các nghành nghề khác khởi sắc hơn.
Đợt dịch đầu tiên, anh Minh Vũ đã nghỉ ở nhà 4 tháng không lương. Ban đầu anh cảm thấy khá bình thường nhưng dần dần nghỉ nhiều bắt đầu khó chịu và lo lắng cho cuộc sống. Bởi sau anh là một gia đình nhỏ với biết bao thứ cần phải chi tiêu. Anh quyết định làm thêm bán thời gian ở một số nơi hoặc đi giao hàng giúp vợ.
"Tôi công tác trong lĩnh vực này được 6 năm. Đây là năm đầu tiên ngành khó khăn, không có thưởng cho nhân viên. Dẫu có buồn có chạnh lòng chút ít nhưng tình hình dịch bệnh như vậy, tôi luôn đồng cảm và sẵn sàng sẻ chia với công ty. May mắn hơn, tôi có vợ con ở bên cạnh động viên, là động lực giúp cố gắng vượt qua quãng thời gian khó khăn này", ông bố trẻ bày tỏ nỗi lòng.