Chồng mất sớm, con bại liệt trong một vụ tai nạn lao động. Người mẹ khốn khổ đã phải bán cả đất hương hỏa đi chữa bệnh cho con nhưng vẫn tiền mất, tật mang vì bệnh hiểm.
Vại dưa, cà muối giờ là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình khánh kiệt vì bệnh tật này. Người mẹ nghèo khốn khó là bà Nguyễn Thị Hợi, trú tại xóm Tân Lập, thôn Khả Duy, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Gương mặt hốc hác, đen xạm vì nắng gió, cơ cực, bà Hợi ngược dòng thời gian kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời giông tố của bà và căn bệnh bại liệt đã cướp đi ước mơ dang dở của người con trai. Năm 1966 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Quang Hiệp (chồng bà Hợi) khi đó vừa tròn 18 tuổi hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc và chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Trong trận chiến đấu với quân địch, ông Hiệp bị mảnh đạn găm vào đầu dẫn đến chấn thương sọ não. Năm 1971 ông được cho về phục viên với thương binh hạng ¼. Cảm thông với người lính nghèo trở về mang trên mình vết thương của chiến tranh đã chắp nối tình yêu với bà Nguyễn Thị Hợi. Và rồi lần lượt 3 người con (2 trai, 1 gái) chào đời.
Nhìn đôi chân teo tóp cô Hợi như cắt từng khúc ruột
Có con, cuộc sống của gia đình bà Hợi trở nên khó khăn hơn khi càng ngày bệnh tình ông Hiệp càng trở nên trầm trọng hơn. Năm 1984, vết thương ở sọ não chuyển sang bệnh thần kinh, suốt ngày ông lầm lì không nói, thường xuyên đi lang thang đập phá đồ đạc. Thương chồng bị bệnh, bà Hợi bán mọi thứ trong gia đình, vay mượn anh em, họ hàng để chữa bệnh cho chồng, nhưng tiền hết mà bệnh tình không khỏi. Năm 2007, ông Hiệp qua đời sau một lần bị vết thương tái phát. Chồng qua đời, cuộc sống của bà Hợi và ba người con càng trở nên khó khăn và túng quẫn hơn.
Tai nạn đã cướp đi một phần cơ thể của Điệp
Đôi chân Điệp ngày càng teo tóp
Thương mẹ, hai người con lớn bỏ học giữa chừng đi lập nghiệp nơi đất khách quê người. Lúc này bao nhiêu hi vọng đều dồn vào người con trai út Nguyễn Quang Điệp (sinh năm 1983). Cũng như hai người anh chị, năm 2002, sau khi tốt nghiệp THPT, gia đình quá khó khăn, nên anh Điệp đành nuốt nước mắt từ bỏ ước mơ đi học vào Quảng Nam làm công nhân xây dựng để mong có tiền gửi về cho mẹ trang trải nợ nần. Tháng 10 năm 2002, trong một lần tai nạn lao động sập giàn giáo, anh Điệp bị gẫy cột sống chạm vào tủy, hai chân bị dập nát, ngón tay cái bị gẫy.
Để duy trì sự sống cho con, bà Hợi phải bán một phần mảnh đất hương hỏa của gia đình cho con chữa bệnh, nhưng do vết thương quá nặng nên Điệp đành chịu cảnh bại liệt nằm bất động. Do bị ảnh hưởng của cột sống và bại liệt đã dẫn đến anh bị bệnh viêm đường tiết niệu, toàn bộ phần mông lở loét, không đi tiểu được, có lần đi tiểu ra máu. Tiền thì hết mà bệnh tình của con không thuyên giảm, bản thân bà Hợi thì mang trong mình căn bệnh thoái hóa cột sống, bệnh rối loạn tiền đình hơn 5 năm nhưng vẫn vừa nhận ruộng khoán làm thuê, vừa muối dưa, muối cà bán để đong gạo hàng ngày nuôi hai mẹ con.
Dưa là nguồn thu nhập của hai mẹ con cô Hợi hàng ngày
Chia sẻ với chúng tôi về gia cảnh bà Hợi, người hàng xóm Phạm Thị Chúc không giấu được giọng buồn tủi: “Chẳng ai ở trong làng Khả Duy này lại khổ như hai mẹ con cô Hợi, chồng bệnh tật mất sớm, hai người con đi làm ăn ở xa. Bản thân già yếu, bệnh tật nuôi con bại liệt hơn 10 năm nay. Nhiều lúc hai mẹ con đổ bệnh không có lấy nổi nghìn lẻ mua thuốc ai cũng xót xa”.
Ngôi nhà của mẹ con cô Hợi dột nát mà không có tiền tu sửa
Đã bao năm nay, mọi người dân thôn Khả Duy đã quen cảnh một bà mẹ nghèo ngày ngày cặm cụi bán dưa nuôi con bại liệt và đã quen với hình ảnh người mẹ già, bệnh tật cõng con trên vai đi chữa bệnh tứ phương. Lúc này đây, một hành động nhỏ của những tấm lòng hảo tâm cũng làm vơi đi sự khó khăn, làm ấm lòng và thắp lên niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp này của hai mẹ con bà Hợi.
Mọi sự giúp đỡ tới gia đình bà Hợi xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Hợi, trú tại xóm Tân Lập, thôn Khả Duy, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. |