Vượt lên mất mát, đau thương, ngày ngày bà Nở vẫn gắng gượng buôn bán kiếm tiền lo nuôi năm đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học.
Hơn 4 năm qua, những tiểu thương ở chợ Xóm Chiếu (phường 13, quận 4, TP.HCM) đã rất quen với hình ảnh người đàn bà với thân hình nhỏ thó hom hen ngày ngày vẫn ngồi ở góc chợ với gian hàng hành tỏi để mưu sinh và nuôi 5 đứa cháu côi cút. Cụ bà có hoàn cảnh đặc biệt ấy chính là bà Nguyễn Thị Nở, năm nay đã qua tuổi 60.
Qua sự hướng dẫn của người dân ở chợ, chúng tôi tìm đến căn nhà trọ của bà cháu bà Nở. Căn nhà trọ ẩm thấp, tối tăm nằm sâu trong một con hẻm trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4) đã là nơi che nắng, che mưa cho gia đình bà Nguyễn Thị Nở suốt 5 năm qua.
Căn nhà trọ ẩm thấp, tối tăm nằm sâu trong một con hẻm trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 là nơi che nắng, che mưa cho gia đình bà Nguyễn Thị Nở suốt 5 năm qua.
Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Nở cho biết, bà có hai đứa con gái nhưng đứa lớn đi làm ăn xa, chỉ có đứa nhỏ lấy chồng rồi về ở chung với bà. Bốn năm trước, người con út phát hiện mắc chứng xuất huyết não rồi qua đời, để lại 5 đứa trẻ, lúc đó đứa lớn nhất 12 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới vài tháng tuổi.
“Cha của mấy đứa nhỏ thấy hoàn cảnh quá khó khăn nên để tụi nó lại cho tôi rồi theo người đi làm ăn xa, nhưng rồi cũng đi biệt xứ. Quá đau xót trước sự ra đi đột ngột của người con gái, tôi đổ bệnh một thời gian dài. Nhưng khi nhìn ánh mắt ngây thơ, tội nghiệp của 5 đứa cháu đã vắng tình thương của mẹ lại thiếu ăn nên gầy gò, đen nhẻm, tôi nén chặt nỗi đau mất con, gắng gượng đi làm kiếm tiền nuôi tụi nhỏ” – bà Nở ngân ngấn nước mắt kể.
Căn trọ chỉ vừa đủ chỗ cho bà cháu nằm, mọi đồ đạc đều chất chồng phía trên.
Kể từ đó, bà Nở chưa bao giờ có giấc ngủ trọn vẹn. Ngày thường cũng như ngày nghỉ, bà luôn bắt đầu công việc từ nửa đêm đến tận 11 giờ trưa mới nghỉ ngơi, ăn uống. Đã 60 tuổi nhưng chưa đêm nào bà Nở ngủ quá bốn tiếng đồng hồ.
Không quản nắng hay mưa, đêm nào cũng vậy, khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc cụ bà ấy bắt đầu một ngày mưu sinh. Cứ 1 giờ sáng, bà lại bắt xe đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức để mua vài ký hành, tỏi rồi tất tả quay về chợ Xóm Chiếu (quận 4, TP.HCM) để dọn hàng.
Cái sạp nhỏ người ta cho thuê với giá rẻ được bà tận dụng để nào là tỏi, ớt, gừng, me, tiêu... Nhưng bà bán mỗi thứ một ít nên tiền lời kiếm được cũng chẳng là bao.
Mỗi ngày bà bán khoảng 5 ký hành, 5 ký rau lời vài chục ngàn. Tuy nhiên, vì không có vốn nên làm được ngày nào bà trả nợ hết ngày ấy, dành dụm được 5, 3 ngàn bà mua gạo, lo cái ăn cho 5 đứa cháu mồ côi.
Bà làm việc quần quật từ ngày này qua tháng nọ nhưng cũng không đủ tiền lo cho 5 đứa cháu ăn học.
“Ngày nào bán đắt thì bà cháu còn có cá mà ăn chứ gặp trời mưa gió thì tụi nhỏ tự nấu mì gói ăn chung với cơm và nước tương. Nhiều lúc thấy tụi nhỏ còn đói nên tôi nhịn luôn để nhường phần cho tụi nó. Nhưng may là có chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi tháng nên cũng đỡ được đôi phần. Số tôi khổ từ nhỏ rồi nên giờ có khổ gấp ngàn lần nữa cũng chẳng sao, chỉ mong tụi nó được đến trường, ăn học đàng hoàng như bạn bè trang lứa là mãn nguyện lắm rồi”, bà Nở bộc bạch.
Những tưởng mọi sự khó khăn chỉ dừng lại ở đó, thì vào khoảng vài tháng trở lại đây, bà Nở bị đau thần kinh tọa nên không ngồi được nhiều lại bị chứng thiếu ngủ hành hạ nên thường nhức đầu, choáng váng.
Bé Hân (6 tuổi) cùng hai anh là Tuấn và Tú đang đi học tại một lớp học tình thương gần đó. Chỉ có bé út là ở nhà với ngoại.
Bà nói, có những lúc bệnh không dậy nổi, nhưng nếu không làm thì lấy gì cho mấy đứa cháu ăn nên bà cũng gượng dậy, đội sương đội nắng lấy hàng về bán. “Có hôm đang lột vỏ tỏi thì tôi xây xẩm mặt mày rồi ngất lúc nào không hay. May người ta phát hiện rồi tới dìu vào nhà xức dầu, cho nằm nghỉ ngơi. Lúc đó tôi có mệnh hệ gì không biết tụi nhỏ sẽ đi đâu, về đâu…”, bà Nở ngậm ngùi tâm sự.
Khi được hỏi, bao giờ bà thôi bán để nghỉ ngơi, bà chỉ cười rồi lắc đầu, khi nào mấy đứa nhỏ lớn lên, có việc làm ổn định thì bà mới nghỉ chứ giờ tụi nó còn quá nhỏ, cố gắng lo được ngày nào thì lo…
Mãi trò chuyện, thấy đã muộn, chúng tôi xin phép bà ra về. Chào tạm biệt bà, chúng tôi dẫn xe ra khỏi con hẻm sâu khi trời đã nhập nhoạng tối với những ánh đèn đường leo lét. Trong tâm chúng tôi, in hằn lên khuôn mặt hốc hác, đôi tay gầy guộc, ốm yếu của người đàn bà hy sinh cả một đời vì con, vì cháu mà lòng không khỏi xót xa và trăn trở…