Thủ đô hành chính mới của Ai Cập đang dần được hoàn thiện với số vốn khủng vay từ Trung Quốc.
Ai Cập xây dựng thủ đô mới
Thủ đô hành chính mới của Ai Cập nằm trên một sa mạc với diện tích 714 km2, cách Cairo 45 km về phía Đông. Dự án này được Chính phủ Ai Cập quyết tâm thực hiện từ năm 2015. Theo USA Today, tổng chi phí cho dự án trị giá 45 tỷ USD và được Trung Quốc hỗ trợ hầu hết.
Với mô hình thành phố thông minh chứa gần 30 triệu dân - chiếm khoảng 1/3 dân số Ai Cập hiện nay, chính phủ Ai Cập kỳ vọng vào việc giảm sức ép cho thủ đô Cairo về cả dân số và giao thông.
Cụ thể, đây sẽ là trụ sở của chính phủ bao gồm các tòa nhà của nội các và quốc hội, 29 bộ và các cơ quan nhà nước khác. Reuters ngày 4/11/2021 đưa tin, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã chỉ thị cho chính phủ nước này chuyển các văn phòng đến thủ đô hành chính mới từ tháng 12 và bắt đầu giai đoạn hoạt động 6 tháng thí điểm.
Trung tâm chỉ huy chiến lược quốc gia (còn được gọi là Octagon)
Bên cạnh đó, Ai Cập cũng xây dựng 20 khu dân cư với sức chứa 6,5 triệu người. Dự kiến, trong giai đoạn đầu sẽ có nửa triệu người chuyển đến đây.
Vốn vay khủng từ Trung Quốc
Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã từng vấp phải phản đối Ai Cập không thể có đủ nguồn tiền để xây một dự án đầy tham vọng đến vậy nhưng Trung Quốc đã xuất hiện và đầu tư với số vốn khủng.
Năm 2016, China Fortune Land Development thông báo đầu tư 20 tỷ USD cho dự án.
Cùng với đó, 14 tòa nhà chính phủ, một khu hội chợ thương mại và một trung tâm hội nghị 5.000 chỗ ngồi lớn nhất ở châu Phi cũng được công ty xây dựng nhà nước của Trung Quốc tài trợ 15 tỷ USD.
Ngoài ra, khu kinh doanh cũng được Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Nhà nước Trung Quốc (CSCEC) hỗ trợ xây dựng với khoản vay 3 tỷ USD.
Chính phủ Ai Cập còn đề xuất thêm việc xây dựng một trường đại học ở thành phố mới.
Hành động "vung tiền" của Trung Quốc được đánh giá là để giành lấy sự ảnh hưởng trên toàn cầu.
Hình ảnh các công trình được xây dựng bởi Trung Quốc
Áp lực từ sự thay đổi
Ai Cập đang đi theo mô hình đã được các nước khác áp dụng như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Brazil: đều chuyển thủ đô vào thế kỷ 20.
Giáo sư khoa học chính trị - Zeyad Elkelani - tại Đại học Cairo cho biết: "Thành phố mới sẽ giúp tổng thống giảm tỷ lệ thất nghiệp và hợp lý hóa bộ máy hành chính khổng lồ của đất nước - ước tính hiện có khoảng 7 triệu công nhân viên chức".
Tuy nhiên, nhiều nhân viên chính phủ đã ở Cairo từ thế hệ này sang thế hệ khác trong khi nhiều người khác không quen với việc đi trên đường cao tốc để tới chỗ làm nên sẽ không muốn rời Cairo và chuyển đến thủ đô mới, giáo sư Elkelani nói. Dự kiến sẽ có sự sụt giảm lớn trong bộ máy nhân viên nhà nước.
Các trung tâm thương mại dự kiến được hoàn thành vào năm 2023
Phát ngôn viên của Bộ Nhà ở Ai Cập - Amr Khattab - cho biết: “Mặc dù sẽ mất nhiều thập kỷ để hoàn thành các khu vực của thành phố nhưng chính phủ vẫn sẽ có thể hoạt động bình thường trong khi quá trình xây dựng tiếp tục diễn ra”.