Nhiều hành vi vi phạm pháp luật có thể được thực hiện từ việc sử dụng hình ảnh CCCD như đăng ký tài khoản ngân hàng online, vay tiền trên app, đăng ký thuê bao điện thoại trả sau dùng hoặc dùng để đăng ký mã số thuế ảo...
Căn cước công dân gắn chip là một loại giấy tờ rất quan trọng. Loại thẻ CCCD mới này có mã QR và chip trên thẻ tích hợp nhiều thông tin cá nhân quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công dân vẫn chủ quan trong việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân, nhiều người còn vô tư chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Hành vi này vô tình bị nhiều đối tượng xấu để ý, dùng các hình ảnh CCCD đó sử dụng vào các mục đích bất lợi cho chính chủ.
Mới đây nhất, công an tỉnh Ninh Bình đã triệu tập nhiều đối tượng có hành vi mua CCCD của người dân địa phương với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/người để thực hiện các hành vi xấu. Nhóm người này mua hình ảnh 2 mặt CCCD gắn chip sau đó bán cho một người nước ngoài không rõ quốc tịch. Người này trả 35 USD (khoảng hơn 800 ngàn đồng)/chiếc CCCD. Thấy món hời lớn nên những người này đã lấy thông tin người thân, bạn bè và mua thêm từ nhiều người khác để bán cho đối tượng kể trên. Nếu hình ảnh CCCD có kèm theo chân dung sẽ được trả 300.000 đồng.
Hình ảnh CCCD gắn chip cần được bảo mật, không nên đăng tải trực tiếp lên mạng xã hội.
Cùng thủ đoạn trên, công an nhiều huyện và xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cũng xuất hiện tình trạng nhiều người lạ xin chụp ảnh CCCD và ra mức giá 50.000 đến 100.000 đồng. Rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật có thể được thực hiện từ việc sử dụng hình ảnh CCCD như đăng ký tài khoản ngân hàng qua online, vay tiền trên app, đăng ký thuê bao điện thoại trả sau hoặc dùng để đăng ký mã số thuế ảo...
Hình thức vay tiền online bằng giấy tờ cá nhân đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, nếu để thông tin cá nhân rơi vào tay người khác, nhiều người nghiễm nhiên nhận một khoản nợ "từ trên trời rơi xuống". Bên cạnh đó, có rất nhiều công ty ảo hoạt động không có nhân viên, thường mua lại ảnh CMND/CCCD của người khác đăng ký mã số thuế ảo cho nhân viên công ty nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC cũng đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng này.
Ngoài việc hỏi mua trực tiếp hình ảnh CCCD, có nhiều cách thức khác để chiếm đoạt thông tin người dùng như thuê tải app, mở tài khoản ngân hàng bằng tên của chính thủ trên căn cước nhưng số điện thoại lại sử dụng số của kẻ xấu. Các đối tượng này lợi dụng kẽ hở của một số ngân hàng cho phép định danh online mà không cần trực tiếp ra quầy, thuê người mở tài khoản để thực hiện các giao dịch lừa đảo, mờ ám.
Một số người bị lừa chuyển khoản online vẫn đinh ninh ngân hàng có thể truy ra chủ nhân số tài khoản. Nhưng đa phần những kẻ lừa đảo chỉ sử dụng các tài khoản được thuê đăng ký, chúng sử dụng số điện thoại cá nhân để thực hiện các giao dịch chuyển tiền lừa được sang tài khoản khác để hợp thức hoá số tiền trên.
Thuê người mở tài khoản ngân hàng bằng CCCD chính chủ.
Thuê người làm thủ tục nhận tiền hộ gửi từ nước ngoài về.
Thời gian tới, khi hệ thống dữ liệu về công dân được hoàn thiện, có nhiều thông tin cá nhân khác như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thông tin về tài khoản ngân hàng... sẽ được tích hợp thêm vào CCCD gắn chip. Nếu không ý thức được việc bảo vệ CCCD cá nhân, nhiều người sẽ gặp phải những tình huống nguy hiểm hơn nữa.
Công an các tỉnh liên tục đưa ra khuyến cáo đối với người dân: Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội. Không đồng ý mua bán hình ảnh CCCD với các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin CCCD cho những dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Không cho người khác mượn CCCD nếu không có mục đích chính đáng.
Trong trường hợp không may làm mất CCCD, cần trình báo với cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, phòng ngừa các trường hợp bị lợi dụng thông tin để thực hiện các giao dịch trái pháp luật. Việc thông báo với cơ quan công an có thể lấy đó làm căn cứ chứng minh bản thân không liên quan đến các hành vi trên.