Hiện bão số 5 giật cấp 11 đang di chuyển vào đất liền, gây mưa to, gió lớn nhiều ở nhiều tỉnh miền Trung.
Do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm.
19 giờ tối nay (11/9), bão số 5 Côn Sơn đang ở trên vùng biển Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 5
Do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió giật cấp 8. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 5km/h, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Cơ quan khí tượng đánh giá, bão số 5 vào gần bờ di chuyển chậm, do đó, thời gian gây mưa và gió giật trên đất liền duy trì lâu nên rất nguy hiểm.
Dự báo trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Đêm nay và sáng ngày mai (12/9), vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh trên có gió giật cấp 7.
Huế: Gió giật mạnh, nhiều nhà bị tốc mái do lốc xoáy
Chiều 11/9, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trên địa bàn có nhiều nhà bị thiệt hại do lốc xoáy.
Dù chưa đổ bộ nhưng gió lớn ở Huế đã khiến nhiều ngôi nhà tốc mái
Thống kê bước đầu, tính đến lúc 15h ngày 11/9, toàn huyện Phong Điền có 23 nhà bị tốc mái. Trong đó, xã Điền Hoà 10 nhà, xã Phong Hải 7 nhà, xã Phong Xuân 2 nhà, xã Phong Hiền 4 nhà.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, ở Thủy Điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân) có 40 công dân, hiện ở đó đã có công trình kiên cố (khu vực nhà máy). Huyện Phong Điền đã yêu cầu Công ty trên chỉ để vài người ở lại trực, còn lại di chuyển xuống Thủy điện Rào Trăng 4 hoặc ra bên ngoài trước 17h chiều cùng ngày (11/9).
Quảng Nam dự kiến sơ tán khoảng 95.000 dân
Chiều 11/9, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, ứng phó với cơn bão số 5, Quảng Nam đã thực hiện công tác phòng chống bão trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 một cách chủ động.
Trong ngày hôm nay, trên toàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, càng về chiều tối mưa càng to. Đến nay, các địa phương đã lên phương án và đang chủ động triển khai sơ tán dân đến nơi an toàn. Dự kiến khoảng 95.000 dân được sơ tán trước khi bão đổ bộ, trong đó có 85.000 dân ở vùng ven biển, số còn lại thuộc vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi.
Mưa lớn ở nhiều nơi
Từ nay đến ngày mai (12/9) ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.
Từ nay đến ngày 12/9, các tỉnh Bình Định và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.