UBND TP.HCM yêu cầu các quận huyện và TP Thủ Đức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại những khu vực có ca bệnh.
TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội ở những nơi có ca COVID-19
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu, trong đó có khoảng 80% ca bệnh không có triệu chứng, do đó có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới. Để đảm bảo cho người dân Thành phố được an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở - ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải thực hiện “Thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động”, kiên trì nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch”. Trong đó cần nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
Kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị của ngành Y tế TP; phối hợp tốt với các cơ quan y tế của Bộ ngành Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là phối hợp với Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách.
Yêu cầu Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID - 19 các ngành, các cấp không rời khỏi TP, tổ chức bộ phận trực chiến phòng, chống dịch, đảm bảo công tác báo cáo đột xuất và báo cáo hàng ngày cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID - 19 Thành phố; vận động cán bộ, công chức không về quê ăn Tết để đảm bảo kịp thời ứng phó các tình huống dịch bệnh phát sinh cũng như đảm bảo an toàn cho gia đình và cộng đồng.
Yêu cầu toàn bộ người dân Thành phố hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, họp mặt; đề nghị khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 theo yêu cầu của Bộ Y tế và UBND TP; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp tết, sinh hoạt tại chỗ...
Đảm bảo an toàn mức độ cao cho toàn bộ hành khách đi và đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tiến hành xét nghiệm cho các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách trước 24 giờ, các trường hợp có xét nghiệm âm tính mới được thực hiện nhiệm vụ trong ngày làm việc tiếp theo.
Đối với các khu vực có ca bệnh, áp dụng thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực đó theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, đối với các khu vực lân cận xung quanh thì áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.
Đối với các hoạt động lễ hội, sự kiện của TP đã được phê duyệt đề nghị giảm qui mô và đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch COVID - 19. Riêng đối với Đường hoa và Đường sách Tết Tân Sửu 2021, Hội Hoa Xuân Tao Đàn, Hội Hoa xuân Phú Mỹ Hưng (Quận 7): chỉ thực hiện đón tiếp khách tham quan từ 8h-17h hằng ngày, không tổ chức Lễ khai mạc Đường hoa và Đường sách Tết; Ban Tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện nêu trên phải có biện pháp điều tiết để đảm bảo mật độ giãn cách theo đúng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch; Thực hiện nghiêm các biện pháp theo nguyên tắc 5K, xử phạt nghiệm đối với các trường hợp khách tham quan không đeo khẩu trang, kể cả tháo khẩu trang để chụp ảnh.
Tạm dừng toàn bộ các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí và các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc - kịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga,...).
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: tăng cường hình thức giao hàng tại nhà, không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 02 người từ 1m trở lên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế. Khuyến khích lập vách ngăn trên bàn ăn giữa các khách hàng.
Thời gian áp dụng kể từ 12g00 ngày 9/2/2021 cho tới khi có thông báo mới.
(Theo Dân Việt)
Xử phạt bệnh nhân mắc COVID-19 số 2009 vì khai báo quanh co
Ngày 9/2, UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế với bệnh nhân mắc COVID-19 số 2009 do thiếu trung thực trong việc khai báo y tế.
Theo đó, chị N.T.K.A. (SN 1993, ở chung cư Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là bệnh nhân mắc COVID-19 số 2009. Chị A. đã vi phạm hành chính với hành vi: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND quận Nam Từ Liêm xử phạt chị A. số tiền 15 triệu đồng.
Trước đó, chị A. có tiếp xúc với bệnh nhân 1722 (em vợ bệnh nhân 1694) ngày 26/1 tại cổng tòa nhà.
Ngày 5/2 chị A. có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Đến 16h45 ngày 6/2 chị A. gọi đến thoại đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để tư vấn và có kết quả dương tính ngày 7/2.
Phong tỏa một trường mầm non, cách ly 45 trẻ ở TP.HCM
Theo HCDC, ngay khi có kết quả xét nghiệm nghi ngờ nhiễm COVID-19 của sáu trường hợp tại quận Gò Vấp, ngành y tế địa phương đã phối hợp các ngành chức năng nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến các ca nghi nhiễm, nhanh chóng truy vết các trường hợp tiếp xúc và khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm tất cả người liên quan đến sáu trường hợp nhiễm này.
Quận Gò Vấp tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 1.030 dân cư tại chung cư Felix Homes phường 6, quận Gò Vấp, 108 mẫu xét nghiệm tại hẻm 251 Phường 10, quận Gò Vấp và 45 mẫu trẻ dưới 5 tuổi tại trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, (P. 6, Q.Gò Vấp, TPHCM).
Liên quan đến truy vết những ca tiếp xúc với 25 trường hợp mắc mới COVID-19 tại TPHCM, trong đêm ngày 8/2, ngành y tế đã khẩn trương lấy mẫu để xét nghiệm COVID-19.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với trẻ mầm non.
Cụ thể, Trung tâm y tế quận 12, Trạm Y tế phường Trung Mỹ Tây cùng lực lượng chức năng đã khẩn cấp truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan bệnh nhân (BN) 2003 và tiến hành phong tỏa ba khu vực liên quan tới sáu trường hợp dương tính SARS-CoV-2 được xác định trên địa bàn vào ngày 8/2. Bên cạnh đó, địa phương cũng nhanh chóng xác định, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp liên quan các ca bệnh.
Ngay sau khi nhận được thông tin có trường hợp BN 2038 lưu trú trên khu vực nhà trọ tại hẻm 441, đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức, Trung tâm Y tế (quận 9 cũ) đã phối hợp với UBND phường Tăng Nhơn Phú A đã kích hoạt khẩn đội phản ứng nhanh. Các hoạt động điều tra, truy vết, khoanh vùng đã được khẩn trương thực hiện.
Trong tối 8/2, quận 9 đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm cho 270 người dân tại 65 hộ gia đình trong khu vực phong tỏa.
18 địa điểm bị phong tỏa do Covid-19 ở TP.HCM, mọi người cần biết (Nguồn: Báo Lao động)
Khuya ngày 8/2, lực lượng chức năng vẫn đang lấy mẫu của cư dân sống tại hẻm Mả Lạng (Q.1, TPHCM) do liên quan đến BN 2005 – nhân viên bốc xếp hành lý ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là khu vực với khoảng 1.900 nhân khẩu. Đây là lần đầu thành phố áp dụng thực hiện lấy mẫu gộp đối vớ hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Mặc dù BN được xác định không có tiếp xúc nhiều người nhưng do người này sống trong khu vực có lối đi nhỏ hẹp nên cơ quan y tế nhận định nguy cơ lây nhiễm khá cao.
(Theo Tiền phong)
Truy vết thần tốc 3 trường hợp F1 từ TP HCM về Đắk Lắk ăn Tết
Sáng 9-2, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết cơ quan chức năng đã tổ chức truy vết thần tốc những người tiếp xúc với 3 trường hợp là F1 từ TP HCM về để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Chuyển viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trong đợt trước ở Đắk Lắk
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), vào lúc 13 giờ ngày 8-2, sau khi nhận được thông tin phản hồi từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk về trường hợp 1 gia đình ở thôn 14 (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có tiếp xúc gần với trường hợp mắc Covid-19 tại TP HCM về, cơ quan chức năng đã điều tra, giám sát tình hình dịch tễ. Kết quả xác định 3 trường hợp F1 là gia đình chị N.T.A.V. (SN: 1993), anh H.Đ.G. (chồng, SN: 1994) và cháu N.H.P. (con, SN: 2020).
Đây là 3 trường hợp hàng xóm của anh L.V.N. - người đã xác định mắc Covid-19 tại TP HCM. Anh N tiếp xúc với 2 vợ chồng, có ôm hôn bé P.
Trước đó, tối 5-2, gia đình chị V lên xe khách của nhà xe Q.D. tại chợ Bình Triệu về nhà lúc 5 giờ ngày 6-2. Từ ngày 6-2 đến nay, gia đình chị đã tiếp xúc với 38 người tại thôn 14, xã Ea Tiêu và hẻm 128 đường Y Wang (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Đồng thời, qua truy vết thần tốc cũng đã xác định được danh tính, địa chỉ hàng chục người đi cùng chuyến xe khách từ TP HCM về Đắk Lắk. Ngoài ra, gia đình này còn tới một số địa điểm công cộng.
Theo Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin, hiện sức khỏe 3 người trong gia đình đều bình thường, không có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở. Ngay sau khi xác định là F1, cơ quan chức năng đã đưa gia đình chị V tới cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột).
Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin cũng đã phối hợp với xã Ea Tiêu điều tra, giám sát tình hình dịch tễ tại các hộ gia đình. Tiến hành khử khuẩn tại các hộ gia đình nói trên. Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, hôm nay (9-2), sẽ có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với 3 trường hợp nêu trên.
Trong đợt này, tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành cách ly hàng ngàn người để phòng chống Covid-19.
Sở Y tế Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt công tác phòng, chống dịch theo tinh thần 3 trước: "nhận diện, chủ động phòng chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước" và 4 tại chỗ: "Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ".
(Theo Người lao động)
Trốn cách ly ở Quảng Ninh, về quê được "đón" đi cách ly tiếp
Lúc 20 giờ ngày 8-2, anh P.H.T (33 tuổi) không chấp hành cách ly ở Quảng Ninh mà bỏ về quê Nghệ An đón Tết đã được cơ quan chức năng đón từ trên xe ô tô về trạm y tế cách ly.
Ông Hồ Phi Hòe, Chủ tịch UBND xã Công Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), cho biết khi xe chở anh T. về đến địa phương đã đưa thẳng anh đến Trạm Y tế xã Công Thành để cách ly y tế.
Sáng cùng ngày, Công ty 790 (thuộc Tổng Công ty Đông Bắc) ra văn bản gửi UBND huyện Yên Thành và UBND xã Công Thành về việc người lao động không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tự ý bỏ đơn vị về địa phương.
Công văn nêu: “Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lây lan diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn Quảng Ninh, Công ty 790 đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động thực hiện làm việc, ăn ở sinh hoạt, nghỉ ngơi tập trung tại cơ quan, đơn vị để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Hiện tại, trong đơn vị đã có trường hợp F1 đang cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 3 (Hạ Long, Quảng Ninh), và một số trường hợp F2 - F4 cách ly tại đơn vị. Tuy nhiên, ngày 8-2, anh T (quê xã Công Thành) thuộc đơn vị quản lý đã không thực hiện yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Anh T. đã bỏ trốn khỏi đơn vị về địa phương, có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19”.
Nhận được công văn trên, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng gia đình liên lạc qua điện thoại, thuyết phục anh T. hợp tác về việc phòng, chống COVID-19.
Khi nắm được hành trình anh T. đang trên đường về quê, Trung tâm Y tế huyện Yên Thành đã phối hợp cơ quan chức năng đón và chuẩn bị nơi để anh T. cách ly y tế, theo dõi sức khỏe.
Hiện ngành y tế Nghệ An đã lấy mẫu của anh T. để thực hiện xét nghiệm COVID-19.
(Theo Pháp luật TP.HCM)