UBND TP Hà Nội vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19.
* Tiếp tục cập nhật
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh có công điện hoả tốc yêu cầu toàn thành phố tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè từ 17h ngày 3/5.
Nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà được phép hoạt động nhưng đảm bảo công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1 m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung.
Cơ sở kinh doanh được khuyến khích bán hàng mang về nhà. Trường hợp không đáp ứng đầy đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Hàng quán vỉa hè Hà Nội tạm dừng hoạt động từ 17h chiều nay (Ảnh minh họa)
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Đêm 29/4, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký công điện hỏa tốc gửi các đơn vị yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, game từ 0h ngày 30/4. Yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, không tuân thủ việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định của Bộ Y tế và thành phố.
Thông báo khẩn số 39: Tìm người đến những địa điểm sau ở Đà nẵng
Liên quan đến ca nghi nhiễm tại Đà Nẵng, tối muộn ngày 3/5, Bộ Y tế có thông báo khẩn tìm người đến 4 địa điểm dưới đây nhanh chóng đi khai báo y tế.
Cụ thể Bộ Y tế đề nghị những người đã đến các địa điểm sau tại Đà Nẵng:
1. Bar New Phương Đông, 20 Đống Đa, Thuận Phước, Hải Châu: ngày 28/4
2. Karaoke TK, 733 Nguyễn Tất Thành, Xuân Hà, Thanh Khê: ngày 28/4
3. Khách sạn Phú An, 48 Đường 2 Tháng 9, Bình Hiên, Hải Châu: từ 29/4-01/5
4. Bệnh viện Hoàn Mỹ, 291 Nguyễn Văn Linh, Thạc Gián, Thanh Khê: ngày 02/5
Đề nghị:
- Liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ;
- Gọi điện đến các đường dây nóng cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình:
+ 1900.9095 (Bộ Y tế)
+ 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng)
- Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ.
Yên Bái thông báo khẩn tìm người đến đám cưới, nhà hàng liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19
Liên quan đến ca nghi ngờ nhiễm COVID-19 vừa mới phát hiện ở Yên Bái, Sở Y tế tỉnh này vừa có có thông báo khẩn tìm những người có mặt tại các địa điểm:
1. Đám cưới: Gia đình Ông Nguyễn Đức Ngự.
- Địa chỉ: Thôn 3B, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
- Thời gian tổ chức đám cưới: 16h00 ngày 01/5/2021.
2. Nhà hàng Hoa Tây Bắc:
- Địa chỉ: Tổ 1, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ.
- Thời gian: Từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 02/5/2021.
Đề nghị:
- Liên hệ cơ quan y tế gần nhất được tư vấn, hỗ trợ.
+ 19009095 - Bộ Y tế.
+ 0964.671.010 - Sở Y tế tỉnh Yên Bái.
+ 0853.459.000 - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái.
Cung cấp số điện thoại những người tiếp xúc gần với mình.
- Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật trạng thái sức khỏe.
Sau Ấn Độ, thêm một quốc gia Nam Á chìm trong "bão" COVID-19
Theo Straitstimes, tình hình ở Nepal nghiêm trọng đến nỗi Bộ Y tế nước này ngày thứ Sáu (30/4) phải ra tuyên bố cảnh báo: “Số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến, vượt quá khả năng của hệ thống y tế, các bệnh viện đã gần hết giường, nên tình hình rất khó kiểm soát".
Cùng ngày, nước này ghi nhận 5.657 ca mắc COVID-19, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2020. Sang ngày 1/5, nước này báo cáo thêm 5.706 ca mắc COVID-19 mới. Tổng số ca bệnh ở Nepal tính đến thời điểm hiện tại là 328.893 ca, với 3.298 ca tử vong.
Tuy nhiên, các quan chức lo ngại rằng số ca bệnh trên thực tế cao hơn nhiều. Những công dân Nepal có triệu chứng nhẹ được khuyến cáo nên tự cách ly tại nhà thay vì đến bệnh viện.
Binh sĩ Nepal sát khuẩn tay sau khi xử lý thi thể bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Kathmandu. Ảnh: AP
Giới chuyên gia tin rằng đợt bùng phát COVID-19 mới ở Nepal có liên quan đến những người lao động về từ Ấn Độ sau khi nước láng giềng áp đặt các lệnh phong tỏa.
Hai quốc gia có 1.760km biên giới nhưng hầu như không có bất cứ công dân Nepal nào được xét nghiệm hoặc cách ly khi trở về từ Ấn Độ. Chính quyền Nepal đã cho đóng cửa các cửa khẩu biên giới với Ấn Độ nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan.
Hồi đầu tháng Ba, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Nepal chỉ khoảng 100 ca. Nhưng hiện tại, mức tăng trung bình hàng ngày vượt quá 4.000 ca.
Các bác sĩ ở Nepal cảnh báo rằng đất nước đang phải đối mặt với một đợt dịch COVID-19 tàn phá tương tự như nước láng giềng Ấn Độ. Các huyện biên giới đã báo cáo về sự gia tăng đáng báo động số ca bệnh và tình trạng thiếu giường bệnh, bình oxy.
Các bác sĩ bệnh viện Bheri ở Banke, giáp biên giới với Ấn Độ, cho biết khu vực này đang biến thành một “Ấn Độ thu nhỏ” vì virus lây lan ngoài tầm kiểm soát. “Chúng tôi đang bất lực”, Rajan Pandey, bác sĩ tư vấn chính của bệnh viện cho biết.
Trong hai tuần qua, 80 nhân viên tại bệnh viện Bheri đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hôm thứ Năm, thủ đô Kathmandu đã bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần.
Cùng lúc đó, đợt tiêm chủng của Nepal đã bị chậm lại. Ấn Độ đã tặng một triệu liều vắc xin AstraZeneca và Nepal đã ký thỏa thuận mua thêm hai triệu liều nữa từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã cắt giảm xuất khẩu vắc xin vào tháng trước sau khi dịch bệnh trở nên tồi tệ, và các quan chức Nepal nói rằng công ty chỉ xuất xưởng một nửa số lượng vắc xin được đặt hàng.
Kết quả chỉ có 380.000 công dân Nepal được tiêm mũi vắc xin thứ hai trong tổng số 1,7 triệu người được tiêm mũi vắc xin thứ nhất.
Vào cuối tháng 3, Trung Quốc đã tặng 800.000 liều vắc xin Sinopharm cho Nepal. Người Nepal đổ xô đến các trung tâm tiêm chủng, khiến một số quan chức lo ngại rằng đám đông có thể làm lây lan virus.
TP.HCM tạm dừng hoạt động các cơ sở massage, rạp phim, sân khấu từ 18 giờ ngày 3/5
Người đứng đầu TP.HCM - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM vào trưa 3-5.
Thông báo này cũng được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đăng tải trên trang Facebook chính thức. Trong bối cảnh người dân từ nhiều địa phương trở về sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, TP.HCM trở thành địa phương có nguy cơ bùng phát dịch cao.
Trước đó, trong ngày 30/4, chủ tịch Tp.HCM cũng đã cho tạm dừng các hoạt động karaoke, quán bar và vũ trường. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân cả nước được khuyến cáo tuân thủ nghiêm giải pháp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là khai báo y tế và đeo khẩu trang nơi công cộng.
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Thái Lan cao kỉ lục, Campuchia thêm 730 ca trong 24 giờ
Bộ Y tế Thái Lan hôm 2/5 cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 21 ca tử vong vì COVID-19. Con số này bằng với một ngày trước đó, và là con số cao nhất từ trước đến nay.
Với 1.940 ca bệnh mới được báo cáo hôm 2/5, tổng số ca bệnh của Thái Lan đã lên tới 68.984 người. Tổng số ca tử vong hiện là 245 ca.
Đến thời điểm hiện tại, Thái Lan đã tiêm chủng cho gần 1,5 triệu người, chủ yếu là nhân viên y tế và những đối tượng dễ mắc bệnh. Vắc xin được Thái Lan sử dụng là Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca.
Ảnh minh họa: Reuters
Chương trình tiêm chủng hàng loạt sẽ bắt đầu được tiến hành từ tháng Sáu, với các liều AstraZeneca được sản xuất trong nước. Cổng đăng ký tiêm vắc xin đã được mở vào cuối tuần này với mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành ở đất nước hơn 66 triệu dân.
Tại Campuchia, ngày 2/5 đã trở thành một ngày đen tối khi nước này ghi nhận tới 730 ca mắc COVID-19 mới.
Campuchia vốn là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhưng đợt bùng phát mới nhất – xuất hiện từ cuối tháng Hai – đã khiến số ca bệnh tăng mạnh thêm gần 14.000 ca, lên tổng cộng 14.520 ca, với 102 ca tử vong.
“COVID-19 đang tiếp tục đe dọa chúng tôi. Xin hãy cảnh giác bằng cách giữ vệ sinh, giữ khoảng cách và hạn chế rời khỏi nhà, vì virus đang lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, ở các nước láng giềng và trên thế giới”, Cơ quan Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Campuchia cho biết trong một tuyên bố trên Facebook hôm Chủ nhật.
Thủ đô Phnom Penh, nơi có nhiều ca COVID-19 nhất cả nước, đang bị áp lệnh phong tỏa cho đến ngày 5/5 và được xếp loại là "vùng đỏ". Người dân phải hạn chế tối đa rời khỏi nhà ngoại trừ lý do y tế.
Tại Philippines, thêm 8.346 ca mắc COVID-19 mới đã được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca bệnh ở nước này đã lên tới 1.054.983 ca.
Thêm 77 ca tử vong được báo cáo ngày 2/5, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Philippines lên 17.431 ca.
Như vậy, chỉ trong vòng một tuần qua, Philippines đã báo cáo thêm 57.440 ca mắc COVID-19 mới và thêm 571 ca tử vong.
Tại Malaysia, một số nguồn tin cho biết chính quyền sẽ áp đặt lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) trong hai tuần ở Selangor, Kuala Lumpur, Penang, Johor và Sarawak từ thứ Hai (3/5) để hạn chế sự lây lan của COVID-19, sau khi số ca bệnh trong vòng hai tuần qua tăng đột biến.
Số ca mắc COVID-19 đã gia tăng không ngừng ở Malaysia kể từ khi vượt qua mốc 2.000 ca/24 giờ vào ngày 15/4. Hôm thứ Sáu, nước này ghi nhận 3.788 ca nhiễm mới. Sang thứ Bảy, thêm 2.881 ca bệnh mới được báo cáo, nâng tổng số ca bệnh lên 411.594 ca.
Ra phố Hà Nội không đeo khẩu trang, 4 khách Tây ngỡ ngàng bị phạt nặng
Tối 2/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) thông tin, 3 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Công an quận cùng các lực lượng chức năng đã xử phạt 112 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, phạt thành tiền là 275 triệu đồng.
Được biết, trong số 58 trường hợp bị phạt không đeo khẩu trang khi lưu thông trên phố cổ quận Hoàn Kiếm thì có 4 du khách người nước ngoài. Mức phạt khá nặng, trung bình 2 triệu đồng/trường hợp khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Ngành chức năng quận Hoàn Kiếm phạt du khách đi trên phố cổ không đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19
"Tại 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đều duy trì tổ công tác tuyên truyền xử phạt các hành vi không tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19. Công an quận cũng thành lập tổ công tác lưu động tuần tra khép kín địa bàn", Thượng tá Bùi Văn Đang cho biết.
Do địa bàn quận Hoàn Kiếm là địa bàn phố cổ nên có nhiều du khách nước ngoài. Vì vậy quá trình tổ công tác liên ngành cảnh sát trật tự, cán bộ UBND phường, còn có cả cán bộ dịch thuật để tiến hành phiên dịch cũng như tuyên truyền đối với du khách nước ngoài đến khu vực phố cổ trên địa bàn phải chấp hành việc đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19.
Từ 0h hôm nay, tỉnh Quảng Ninh cách ly đối với người về từ vùng dịch
Đêm qua, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành công văn hỏa tốc về việc triển khai cách ly đối với người về từ vùng dịch gửi các sở, ban ngành, đơn vị trên địa bàn và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó, kể từ 0h ngày 3/5 người trở về từ vùng IV (tâm dịch) sẽ thực hiện cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của các huyện, thị xã, thành phố; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 dịch vụ; người trở về từ vùng III (xã có dịch) thực hiện cách ly tại nhà đủ 7 ngày và tự xét nghiệm SARS-CoV-2 dịch vụ, nếu kết quả âm tính có thể đi làm; nếu không xét nghiệm thì thực hiện cách ly đủ 14 ngày.
Người trở về từ vùng II (huyện có dịch) thực hiện khai báo y tế, được đi làm và tự theo dõi sức khỏe. Khuyến khích tự xét nghiệm SARS-CoV-2 dịch vụ từ ngày trở về Quảng Ninh. Người trở về từ vùng I (tỉnh có dịch) và các tỉnh khác sẽ khai báo y tế, được đi làm và tự theo dõi sức khỏe, khuyến khích xét nghiệm dịch vụ.
Từ 0h hôm nay (3/5), tỉnh Quảng Ninh tiến ành cách ly đối với người về từ vùng dịch. Ảnh: TL
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ mọi người dân, du khách, người đến làm việc, tạm trú trên địa bàn để đảm bảo không bỏ lọt người không khai báo y tế; triển khai thực hiện cách ly, xét nghiệm như nội dung chỉ đạo ở trên, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực.
Công văn cũng nêu rõ: Thủ trưởng các cơ quan, người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt lưu ý người lao động của ngành than, các công trường xây dựng, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng.... Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của người dân.
Thành phố Yên Bái thực hiện giãn cách xã hội nơi công cộng từ 0h00 ngày 3/5/2021
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND thành phố Yên Bái gửi công văn đề nghị các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo công văn này, TP Yên Bái sẽ thực hiện giãn cách xã hội tại các khu vực công cộng, kể từ 0h ngày 3/5.
Chính quyền thành phố đề nghị mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Trường hợp cần thiết ra khỏi nhà, phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiếu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Nữ sinh viên tiếp tay cho hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép về Hà Nội
Ngày 3/5, thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Thị Phương Thảo, Đinh Thị Huệ (cùng SN 1999, ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) và Ou Guo Pei (quốc tịch Trung Quốc) về hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép".
Theo cơ quan công an, khoảng 11h trưa 20/4, Công an quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội đã phát hiện 5 người Trung Quốc đang sinh sống tại số nhà 464 Nguyễn Trãi.Tại thời điểm kiểm tra, những người này không xuất trình được giấy tờ hợp pháp, thị thực nhập cảnh.
Trần Thị Phương Thảo tại trụ sở công an.
Qua xác minh, Công an quận Thanh Xuân xác định, căn nhà này do Trần Thị Phương Thảo (nghề nghiệp sinh viên) thuê từ tháng 12-2020 để ở và phục vụ kinh doanh mỹ phẩm tại tầng 1.
Công an quận Thanh Xuân đã lập tức triệu tập Thảo đến trụ sở công an. Tại cơ quan công an, Thảo khai nhận, vào năm 2020, Thảo quen với Ou Guo Pei và đối tượng tên Vương (đều là người Trung Quốc). Vương và Ou Guo Pei đặt vấn đề nhờ Thảo thuê một số căn hộ để người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở.
Sau đó, Thảo rủ thêm bạn cùng quê là Huệ tìm thuê lại một số căn hộ chung cư để tiếp tay cho nhóm người nhập cảnh trái phép theo đơn “đặt hàng” của nhóm Vương. Căn nhà số 464 đường Nguyễn Trãi sau đó được Thảo thuê lại, tầng 1 bày bán mỹ phẩm, các tầng trên để cho người nhập cảnh trái phép ở. Ngoài căn nhà nói trên, Thảo còn thuê 2 căn hộ chung cư khác cũng trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cho các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở.
Đinh Thị Huệ cũng thuê 2 căn hộ chung cư khác trên địa bàn quận Thanh Xuân để tiếp tay cho Thảo. Trong 2 căn hộ này, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 12 người Trung Quốc đang cư trú trái phép tại đây.
Cơ quan công an xác định, Thảo đã hưởng lợi 140 triệu đồng, Huệ hưởng lợi 4 triệu đồng qua việc tiếp tay cho nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép này.